Ngân hàng

Bảo lãnh tín dụng có lấp đầy 'khoảng cách' tiếp cận vốn ngân hàng?

Ngành ngân hàng đang rất tích cực tung ra các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bảo lãnh tín dụng có lấp đầy 'khoảng cách' tiếp cận vốn ngân hàng?

Doanh nghiệp cần bảo lãnh để được tiếp cận vốn vay thuận tiện hơn. Ảnh minh họa: ST

Khó gặp nhau

Hiện nay, các chính sách tín dụng ưu đãi mà ngân hàng dành cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 bao gồm: cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với nợ cũ và cho vay mới, giảm lãi suất, giảm phí. Trong đó, nhiều ngân hàng đã cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện được cơ cấu lại nợ với thời hạn lên đến 1 năm hoặc giữ nguyên nhóm nợ, với các gói tín dụng cho vay mới lên tới 600.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 4, tín dụng mới tăng khoảng 1,32% so với cuối năm 2019, đây là mức tăng rất thấp, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp hiện nay rất yếu.

Đây là nghịch lý trong bối cảnh các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đều “than thở” về những khó khăn về tình hình tài chính, thiếu vốn cho các hoạt động tái đầu tư, sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19. Nguyên nhân bởi ngân hàng và doanh nghiệp vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung” trong hoạt động cho vay hỗ trợ vì dịch bệnh.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội (SHF) cho biết, doanh nghiệp liên hệ ngân hàng để được giãn nợ, cơ cấu lại nợ nhưng ngân hàng lại cho biết nếu doanh nghiệp thực hiện giãn nợ, thì sau này xếp hạng tín dụng có thể bị xếp vào danh sách nợ xấu. Điều này khiến doanh nghiệp không thể đánh đổi vận mệnh, uy tín lâu dài để lấy cái lợi ngắn hạn. Chính vì thế, ông Dũng cho rằng, cách làm này khiến những hỗ trợ của ngành ngân hàng là “vô nghĩa”.

Mới đây, trong văn bản kiến nghị lên Thủ tướng, Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) cũng đã nêu lên thực trạng rất nhiều doanh nghiệp vất vả tìm cơ hội vay vốn lãi suất thấp theo gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ. Nguyên nhân là do các ngân hàng từ chối hồ sơ vay vốn vì lo ngại về khả năng trả nợ của người vay, hoặc vì người vay không thể chứng minh được sẽ có dòng tiền thu về lớn hơn dòng tiền chi ra.

Phía ngành ngân hàng cũng có “nỗi khổ” riêng nên không thể hạ chuẩn cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp một cách rộng rãi. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, ngân hàng cũng là doanh nghiệp trung gian tài chính, khi doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng, không có nguồn thu thì đồng nghĩa với việc khó khăn trong việc trả nợ và theo đó ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng. Khi đó, nợ xấu phát sinh sẽ khiến các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các ngân hàng. Do đó, nếu ngân hàng hạ chuẩn cho vay hoặc phá vỡ các tiêu chí về đảm bảo an toàn thì hệ thống ngân hàng sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn trở lại như đã từng xảy ra trong giai đoạn trước đây.

Mở rộng quy mô bảo lãnh tín dụng

Rõ ràng, các doanh nghiệp và ngân hàng đều phải chịu “vòng kim cô” về các vấn đề liên quan đến vay vốn. Chính vì thế, các doanh nghiệp du lịch thuộc Hội đồng TAB đã nêu lên kiến nghị cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ.

Thực tế là hình thức vay vốn bằng các quỹ bảo lãnh tín dụng không hề mới. Tính đến nay, cả nước có gần 30 quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập và đi vào hoạt động, với tổng vốn điều lệ thực có khoảng trên 1.400 tỷ đồng, trong đó có đến hơn 1.300 tỷ đồng là vốn ngân sách. Tuy nhiên, khả năng hoạt động của các quỹ này lại chưa hiệu quả, chưa phát huy được đúng tác dụng đối với doanh nghiệp.

Nói về hoạt động của quỹ này, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, năng lực điều hành, quản trị của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp, ngân hàng không thể cho vay dưới chuẩn. Nhưng hiện các quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương với quy mô vốn rất nhỏ, trong khi số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam rất lớn nên các quỹ không thể đáp ứng được nhu cầu bảo lãnh tín dụng.

Vì thế, ông Thân đưa ra giải pháp mở rộng qui mô quỹ bảo lãnh tín dụng. Cụ thể, ông cho rằng phải có quỹ bảo lãnh tín dụng ở trung ương để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay, khi đó, ngân hàng sẽ yên tâm hơn vì nếu chẳng may doanh nghiệp không trả được nợ thì đã có quỹ bảo lãnh rồi.

Thực tế, nhiều quốc gia đã tung ra các gói bảo lãnh tín dụng, có nơi lên tới 70% khoản vay. Vì thế, các chuyên gia cho rằng các quỹ bảo lãnh tín dụng tại Việt Nam phải được nâng cấp để hoạt động hiệu quả hơn, cán bộ phải đủ năng lực, tăng trách nhiệm vì doanh nghiệp. Không nên quá lo về nguy cơ “vỡ quỹ” do doanh nghiệp sử dụng vốn vay không hiệu quả, vì doanh nghiệp nào cũng muốn làm ăn có lãi, không trả được nợ tức là doanh nghiệp chết, mà không doanh nghiệp nào muốn chết cả.

Tin mới lên