Tiêu điểm

Bão số 9: Sức gió mạnh cấp 14, giật cấp 17, tiến vào Đà Nẵng và Phú Yên

(VNF) - Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào 7h sáng 27/10/2020, vị trí tâm bão số 9 ở khoảng 13,3oN; 114,8oE, cách đảo Song Tử Tây khoảng 216 km về phía bắc đông bắc.

Bão số 9: Sức gió mạnh cấp 14, giật cấp 17, tiến vào Đà Nẵng và Phú Yên

(Nguồn: Trung tâm Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia)

Sức gió mạnh nhất của bão số 9 đạt cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17. Dự báo trong 3 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng tây với tốc độ khoảng 25km/giờ.

Trong 24 giờ tiếp theo, bão số 9 di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Cơ quan chức năng cảnh báo bão gây ra gió mạnh, sóng lớn trên biển khu bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía nam đảo Hoàng Sa và vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa). Cụ thể, khu vực này có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Từ trưa và chiều 27/10, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội, sóng biển cao từ 6-8m.

Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m.

Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m; có nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Cơ quan chức năng cũng cảnh báo gió mạnh trên đất liền. Bão bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm 27/10; thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10.

Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.

Từ ngày 28-31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9 là cấp 4.

Trong báo cáo “Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển”, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định khoảng 11,8 triệu người dân khu vực ven biển Việt Nam đang gặp rủi ro cao do lũ lớn và hơn 35% khu dân cư đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở.

Trung bình mỗi năm, WB ước tính ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch và công nghiệp của Việt Nam sẽ bị thiệt hại khoảng 852 triệu USD (tương đương 0,5% GDP cả nước) và 316.000 lao động bị mất việc do ảnh hưởng của lũ sông và lũ ven biển.

Các dịch vụ công thiết yếu của nước ta cũng đứng trước nguy cơ rủi ro cao: 26% các bệnh viện công và trung tâm y tế, 11% các trường học phải đối mặt với rủi ro ngập lụt từ biển, làm gián đoạn khả năng cung cấp dịch vụ thiết yếu trong giai đoạn người dân đang cần nhất.

Ngoài ra, hàng năm bão lũ gây ngập lụt và thiệt hại khoảng 144 triệu USD đến cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và 330 triệu USD đối với cơ sở hạ tầng năng lượng, do hơn một phần ba mạng lưới truyền tải đi qua rừng, khả năng cao gặp rủi ro do cây đổ trong bão.

Cơ sở hạ tầng thiếu kiên cố và khả năng chống chịu yếu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và gây thiệt hại khoảng 280 triệu USD mỗi năm.

Ngân hàng Thế giới đề xuất một kế hoạch hành động cụ thể để tăng cường khả năng chống chịu cho khu vực ven biển như sau:

- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro thiên tai tích hợp chi tiết, có hệ thống ở cấp Trung ương và địa phương

- Quy hoạch phân vùng và không gian có lồng ghép rủi ro thiên tai, đồng thời phải dựa trên các thông tin rủi ro thiên tai có sẵn tốt nhất hiện nay.

- Tăng cường khả năng chống chịu cho hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công.

- Có phương pháp tiếp cận tổng thể nhằm phục hồi, bảo tồn, giám sát và quản lý hệ sinh thái; tăng cường các chính sách, quy định, khung thể chế có liên quan; củng cố các bài học từ các sáng kiến trước đây.

- Tăng cường năng lực ứng phó khẩn cấp. Các biện pháp tăng cường bao gồm: nâng cấp tính hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm, nâng cao năng lực ứng phó của địa phương, có cơ chế an sinh xã hội phù hợp và thực hiện chiến lược tài chính quản lý rủi ro thiên tai toàn diện.

Tin mới lên