Tài chính quốc tế

Bảo vệ việc làm cho công nhân Mỹ, ông Trump siết chính sách visa tới hết năm 2020

(VNF) - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/6 đã ban hành sắc lệnh cấm lao động nước ngoài và ngừng cấp thị thực nhập cư cho tới hết năm 2020, một nỗ lực mà ông cho là "ngăn chặn sự xâm nhập của lao động nước ngoài và bảo vệ việc làm cho công nhân Mỹ" sau đại dịch Covid-19.

Bảo vệ việc làm cho công nhân Mỹ, ông Trump siết chính sách visa tới hết năm 2020

Bảo vệ việc làm cho công nhân Mỹ, ông Trump siết chính sách visa tới hết năm 2020 (Ảnh minh họa)

Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết, động thái này sẽ mở ra 525.000 công ăn việc làm cho người lao động Mỹ, nhằm tạo điều kiện cho nhân công Mỹ trở lại làm việc càng sớm càng tốt.

Nguồn tin này cho hay từ đây tới hết năm nay ông Trump sẽ cấm nhập cảnh các lao động nước ngoài có tay nghề/bằng cấp cao theo dạng visa H-1B và các lao động được công ty chuyển công tác sang Mỹ làm việc theo diện visa L-1.

Chương trình H-1B dành riêng cho các chuyên gia, lao động có tay nghề cao, trong khi chương trình L-1 cho phép các công ty xuyên quốc gia có trụ sở tại Mỹ luân chuyển nhân viên từ các chi nhánh nước ngoài về tổng hành dinh.

Theo nguồn tin của Bloomberg, chính sách mới sẽ không chỉ siết lại việc cấp hai loại visa này, kể cả những người đang có visa H-1B và L-1 cũng không được phép nhập cảnh nếu đang ở ngoài lãnh thổ Mỹ. Việc duy nhất họ có thể làm là chờ đến khi chính sách siết chặt được nới lỏng và xin lại visa.

Việc cấp visa H-2B cho lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp theo mùa vụ, visa J-1 cho lĩnh vực trao đổi văn hóa cũng tạm thời bị đóng băng.

Theo sắc lệnh này, việc cấp thị thực làm việc cho các lao động nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, dịch vụ chăm sóc sân vườn cảnh quan và lâm sản, sẽ tạm ngừng, tuy nhiên miễn áp dụng đối với gần 20.000 lao động nước ngoài trong lĩnh vực trông trẻ.

Chính phủ Mỹ cũng cho biết sẽ ban hành các quy định mới từ chối cho phép những người đang chờ được tị nạn tại Mỹ được làm việc vì cho rằng chương trình nhân đạo này đang bị lợi dụng bởi những người di cư kinh tế.

Ông Trump đã thể hiện lập trường cứng rắn trong vấn đề nhập cư kể từ khi bước vào Nhà Trắng. Quan điểm này dường như không thay đổi và sẽ tiếp tục được ông sử dụng để lôi kéo thêm sự ủng hộ trong mục tiêu tái đắc cử, theo giới quan sát.

 Số người mất việc ở Mỹ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hiện đã gấp đôi mức kỷ lục của năm khủng hoảng kinh tế 1982.

Theo Bộ Lao động Mỹ, hơn 1,5 triệu người Mỹ tiếp tục nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua đánh dấu tuần thứ 13 liên tiếp tỷ lệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ vượt trên ngưỡng 1 triệu người.  Số người mất việc ở Mỹ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hiện đã gấp đôi mức kỷ lục của năm khủng hoảng kinh tế 1982.

Ở động thái liên quan mới nhất, đúng 3 tháng kể từ ngày áp dụng lệnh phong tỏa, thành phố New York ngày 22/6 đã cho phép hàng ngàn văn phòng, cơ quan mở cửa để đón người lao động trở lại làm việc bởi thành phố này đã chính thức bước vào giai đoạn 2 trong lộ trình mở lại hoạt động.

Tuy nhiên, do các công ty phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội và hạn chế số người có mặt cùng lúc trong không gian trong nhà nên số người được phép trở lại làm việc tại công sở chỉ hạn chế khoảng 300.000 người.

Hiện tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS- CoV-2 ở thành phố New York là khoảng 1%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 60% hồi đầu tháng 4. Mỗi ngày thành phố vẫn ghi nhận khoảng hơn 100 ca nhiễm virus SARS-CoV2 và chương trình truy xuất tiếp xúc cũng đã bắt đầu dù còn hơi chậm.

Thị trưởng Bill de Blasio nhấn mạnh giai đoạn mở cửa 2 là bước tiến quan trọng của thành phố bởi đây là giai đoạn mà các thành phần trọng yếu của nền kinh tế New York được phép hoạt động trở lại.

Ngoài các công sở, giai đoạn 2 cho phép các quán ăn có không gian ngoài trời mở lại, các cửa hiệu bán hàng, các dịch vụ cắt, làm tóc và dịch vụ bất động sản được bắt đầu hoạt động.

Bùng phát từ cuối năm ngoái, đại dịch Covid-19 hiện đã lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ khiến gần 9,2 triệu người nhiễm và hơn 473.000 người tử vong. Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 2,3 triệu ca nhiễm và 122.595 ca tử vong.

Xem thêm >> Vì sao ông Trump trì hoãn trừng phạt quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương?

Tin mới lên