Tài chính quốc tế

Bất chấp đại dịch Covid-19, ngành vũ khí toàn cầu ghi nhận doanh thu kỷ lục

(VNF) - Trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định mức suy giảm kinh tế toàn cầu lên tới 3,1%, doanh thu của 100 tập đoàn vũ khí hàng đầu thế giới vẫn tăng 1,3% lên mức kỷ lục 531 tỷ USD, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Bất chấp đại dịch Covid-19, ngành vũ khí toàn cầu ghi nhận doanh thu kỷ lục

Bất chấp đại dịch Covid-19, ngành vũ khí toàn cầu ghi nhận doanh thu kỷ lục (Ảnh minh họa).

Cụ thể, trong báo cáo được công bố ngày 6/12, SIPRI cho biết các công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận năm thứ 6 liên tiếp.

Doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới đạt tổng cộng 531 tỷ USD vào năm 2020. Đặc biệt, doanh thu bán vũ khí của 41 tập đoàn sản xuất vũ khí Mỹ đạt mức 285 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 54%. Kể từ năm 2018, 5 công ty đứng đầu trong bảng xếp hạng đều có trụ sở tại Mỹ.

Riêng tập đoàn hàng không vũ trụ và vũ khí quốc phòng Mỹ Lockheed Martin đã củng cố vị trí số một với doanh thu 58,2 tỷ USD nhờ các sản phẩm bán chạy nhất như máy bay chiến đấu F-35 và nhiều loại tên lửa khác nhau.

Trong bối cảnh đại dịch, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có nhiều biện pháp nhằm tăng cường hỗ trợ cho ngành công nghiệp vũ khí nước này, như đảm bảo công nhân các hãng vũ khí được miễn trừ khỏi lệnh phong tỏa ngăn Covid-19. Họ cũng đưa ra một số đơn đặt hàng để nguồn vốn được chuyển sớm hơn tới các công ty quốc phòng, giúp các tập đoàn này có thêm "bước đệm" về tài chính.

Trong đánh giá thường niên về các công ty sản xuất vũ khí, SIPRI cho biết các công ty sản xuất vũ khí thường được hưởng lợi từ nhu cầu bền vững của chính phủ về các dịch vụ và hàng hóa quân sự, các gói chính sách bơm tiền mặt rộng rãi vào các nền kinh tế, cũng như các biện pháp cụ thể được thiết kế để giúp các công ty sản xuất vũ khí, như đẩy nhanh tiến độ thanh toán hoặc đặt hàng.

Một số nước thậm chí đã thông qua các biện pháp nhằm trợ giúp các công ty vũ khí lớn của mình. Bên cạnh đó, các hợp đồng mua bán quân sự thường kéo dài nhiều năm nên doanh thu của các công ty không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng.

Dù vậy, cũng theo SIPRI, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận của cá tập đoàn vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2019-2020 đã chậm lại đáng kể, do các biện pháp nhằm kiềm chế dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp sản xuất vũ khí giống như toàn bộ nền kinh tế.

Xem thêm >> Giá Bitcoin rơi thẳng đứng rồi đi ngang, chưa vượt được ngưỡng 50.000 USD

Tin mới lên