Tài chính quốc tế

Bất chấp phản đối từ Trung Quốc, New Zealand ủng hộ Đài Loan tham gia WHO

(VNF) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters ca ngợi phản ứng nhanh nhạy của Đài Loan trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đồng thời bảo lưu quan điểm ủng hộ Đài Loan trở thành quan sát viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bất chấp những phản đối gần đây của Trung Quốc.

Bất chấp phản đối từ Trung Quốc, New Zealand ủng hộ Đài Loan tham gia WHO

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters.

Đài Loan trong thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ từ một số nước, bao gồm Mỹ, về việc tham gia với tư cách quan sát viên tại Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết sách của WHO, dự kiến diễn ra tuần tới. 

Đài Loan từng tham gia WHA với tư cách quan sát viên từ năm 2009- 2016 khi quan hệ hai bờ eo biển ấm lên. Tuy nhiên, Trung Quốc đã ngăn Đài Loan tiếp tục vai trò này tại WHO từ năm 2016, sau khi bà Thái Anh Văn, người từ chối chính sách “Một Trung Quốc”, lên nắm quyền.

Trong cuộc họp báo ngày 7/5, Ngoại trưởng Peters gọi Đài Loan là “một câu chuyện thành công nổi bật trên thế giới về việc ứng phó với Covid-19” và lên tiếng ủng hộ Đài Loan tham gia WHO với tư cách quan sát viên. 

Người đứng đầu ngành ngoại giao New Zealand cho rằng chỉ khi đưa tất cả các quốc gia vào hệ thống y tế quốc tế mới có thể nâng cao lợi ích sức khỏe toàn cầu và bản thân ông đã giữ vững quan điểm này trong hơn 30 năm.

Trước sự ủng hộ của New Zealand dành cho Đài Loan, Trung Quốc ngày 11/5 đã yêu cầu các quan chức nước này "ngừng đưa ra những tuyên bố sai lầm" đồng thời hối thúc Wellington tuân thủ "nguyên tắc Một Trung Quốc" để tránh làm xói mòn mối quan hệ song phương.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12/5, đề cập tới phản ứng của Trung Quốc đối với quan điểm của New Zealand về Đài Loan, Ngoại trưởng Peters khẳng định: “Chúng ta phải tự đứng lên vì bản thân chúng ta.  Tình hữu nghị thực sự phải dựa trên sự bình đẳng trước bất cứ bất đồng nào”.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thì khẳng định lập trường của New Zealand đối với Đài Loan chỉ liên quan đến phản ứng y tế của họ đối với Covid-19.

"Chúng tôi luôn luôn áp dụng chính sách 'Một Trung Quốc', và điều đó vẫn tiếp tục trong trường hợp này”, bà Ardern khẳng định.

Từ cuối tháng 12/2019, khi những báo cáo đầu tiên về sự xuất hiện của một loại "virus corona" bí ẩn từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Băc, Trung Quốc) xuất hiện, Đài Loan đã triển khai kiểm tra y tế bắt buộc cho toàn bộ khách du lịch đến từ Vũ Hán. Bất cứ ai có kết quả dương tính sẽ lập tức được đưa đi cách ly. Những người có tiếp xúc với bệnh nhân cũng được kiểm tra ngay lập tức.

Sau khi sàng lọc người đến từ Vũ Hán, từ đầu tháng 2, Đài Loan bắt đầu ngăn người đến từ Trung Quốc đại lục. Đồng thời, nhà chức trách cũng tăng cường sản xuất vật tư y tế và đưa vào hoạt động Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch bệnh trung ương (CECC).

Khi số người nhiễm tăng cao vào đầu tháng 3, nhà chức trách liền cho thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu đối với tất cả người nhập cảnh.

Trên trang web của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đài Loan, mọi người đều có thể dễ dàng theo dõi tình hình dịch bệnh, số lượng xét nghiệm được thực hiện, số lượng nhiễm bệnh và số người cách ly được trình bày một cách thông minh và khoa học. Chính sự minh bạch này đã tạo nên niềm tin cho người dân Đài Loan.

Cho tới nay, Đài Loan ghi nhận 440 ca nhiễm Covid-19, trong đó chỉ có 6 ca tử vong, ít hơn rất nhiều so với nhiều nơi khác trên thế giới.

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ và đang đẩy mạnh chiến dịch chống lại tuyên bố độc lập của hòn đảo này. Bắc Kinh đã yêu cầu nhiều công ty nước ngoài chú thích Đài Loan thuộc Trung Quốc trên trang điện tử chính thức, đồng thời ngăn chặn Đài Loan tham gia nhiều diễn đàn quốc tế.

Từ khi bà Thái Anh Văn trở thành lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016, Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh chiếc dịch cô lập vùng lãnh thổ này.

Xem thêm >> Nga: Ông Putin ban lệnh dỡ phong tỏa dù số ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục

Tin mới lên