Tài chính quốc tế

Bất chấp rào cản từ Mỹ, Nga sẽ bàn giao S-400 cho Ấn Độ theo đúng lộ trình

(VNF) - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 9/1 tuyên bố nước này sẽ bàn giao hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Ấn Độ theo đúng lộ trình trong hợp đồng đã được ký kết trước đó.

Bất chấp rào cản từ Mỹ, Nga sẽ bàn giao S-400 cho Ấn Độ theo đúng lộ trình

Hệ thống tên lửa phòng không S-400.

"Các cam kết của chúng tôi theo hợp đồng này sẽ được thực thi đầy đủ. Ấn Độ sẽ tiếp nhận các hệ thông này đúng thời điểm đã được nhất trí và không có bất cứ sự trì hoãn nào. Do đó, an ninh quốc gia của các bạn sẽ được củng cố”, ông Ryabkov tuyên bố trước báo giới.

Trước đó, hãng thông tấn PTI ngày 2/1 đưa tin Ấn Độ sẽ bắt đầu tiếp nhận các hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf của Nga từ tháng 10/2020 và sẽ hoàn tất kế hoạch này vào tháng 4/2023.

Theo truyền thông Nga, trong năm 2018, Ấn Độ trở thành khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga. Hồi tháng 10/2018, Moskva và New Delhi đã ký kết thỏa thuận về việc Nga cung cấp cho Ấn Độ 5 trung đoàn tên lửa S-400 trị giá 5,43 tỷ USD. Đây là thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử cơ quan xuất khẩu vũ khí của Nga (Rosoboronexport). Đặc biệt, hai bên đã chọn hình thức thanh toán bằng đồng ruble.

Động thái này của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Ấn Độ rằng việc nước này mua hệ thống quân sự hiện đại của Nga có thể hủy hoại hợp tác quốc phòng và chia sẻ công nghệ giữa Washington và New Delhi, cũng như khả năng tương tác giữa lực lượng vũ trang hai nước.

Giới phân tích cho rằng, việc Ấn Độ tiếp tục triển khai hợp đồng mua bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga có nguy cơ sẽ khiến mối quan hệ giữa nước này và Mỹ trở nên căng thẳng.

Vào năm 2017, Mỹ đã tìm cách ngăn chặn Ấn Độ ký kết thỏa thuận mua bán các hệ thống S-400 Triumf của Nga bằng việc ban hành Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA), cho phép Washington trừng phạt kinh tế nhằm vào những quốc gia thực hiện hợp đồng mua bán vũ khí quy mô lớn với Moscow.

Cách đây ít lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) 2019, trong đó đặt ra tình huống miễn trừ áp dụng CAATSA đối với các thương vụ mua bán vũ khí chưa tới 15 triệu USD. Tuy nhiên, hợp đồng S-400 Triumf giữa Nga và Ấn Độ lại quá lớn và thiết bị vũ khí được mang ra giao dịch cũng quá tối tân để có thể được hưởng “sự ưu ái” này từ Mỹ.

Trước đó, vào tháng 9/2018, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Cục phát triển trang thiết bị thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc vì đã mua tên lửa phòng không S-400 Triumf và các máy bay chiến đấu đa chức năng hai động cơ thuộc thế hệ thứ tư Su-35S do Nga sản xuất.

Xem thêm >> Nhật kêu gọi Nga, Mỹ cùng hợp tác để đối phó với Trung Quốc

Tin mới lên