Bất động sản

Bất động sản nghỉ dưỡng không ‘náu mình đợi thời’, lên kế hoạch tăng tốc cuối năm

(VNF) - Thay vì ngồi im chờ đợi, nhiều doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng đang liên tục thay đổi chiến lược kinh doanh, phương thức bán hàng để thích nghi và “sống chung với dịch”, đồng thời lên kế hoạch tăng tốc cuối năm để bù lại những tháng giãn cách xã hội.

Bất động sản nghỉ dưỡng không ‘náu mình đợi thời’, lên kế hoạch tăng tốc cuối năm

Doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng không ‘náu mình đợi thời’, lên kế hoạch tăng tốc cuối năm. Ảnh minh họa.

Flamingo tự tin áp dụng mô hình “hộ chiếu vaccine”

Tập đoàn Flamingo cho biết ở những thời điểm xuất hiện ca mắc Covid-19 tại địa phương hoặc tình hình dịch trong nước phức tạp, tập đoàn đã ngưng nhận khách sử dụng dịch vụ cho đến khi có thông báo mới của chính quyền. Do đó, thiệt hại không nhỏ về kinh tế song đây cũng là dịp để rà soát lại hệ thống, duy tu, bảo trì và nâng cao chất lượng phục vụ, sẵn sàng cho sự trở lại.

Doanh nghiệp bày tỏ đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức chưa từng có trong lịch sử, đặt tất cả các doanh nghiệp trước bài toán mang tính “sống còn”. Thực tế trong suốt thời gian qua, tập đoàn đã phải liên tục thay đổi chiến lược kinh doanh và phương thức bán hàng để phù hợp với tình hình mới.

Ngoài ra, tập đoàn xác định chung sống lâu dài với dịch và các khủng hoảng liên quan tới Covid-19. Trong thời điểm dịch, doanh nghiệp tập trung truyền thông mạnh và phát triển xu hướng du lịch “hai trong một” là nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe.

Đặc biệt, Flamingo nhấn mạnh đến thời điểm hiện tại có thể tự tin áp dụng mô hình “hộ chiếu vaccine” sau khi Phú Quốc được triển khai thành công.

“Chúng tôi thực hiện kế hoạch test nhanh Covid cho cán bộ nhân viên định kỳ nhằm nhanh chóng phát hiện vấn đề để xử lý kịp thời. Ngoài ra, chúng tôi cũng cố gắng để cán bộ nhân viên được tiếp cận và tiêm vaccine sớm theo quy định của Chính phủ, đảm bảo an toàn cho hệ thống và khách hàng”, lãnh đạo Flamingo cho hay.

Nói về chiến lược vận hành và kinh doanh của Flamingo trong giai đoạn hiện tại và sắp tới, vị lãnh đạo nhấn mạnh 3 yếu tố “an toàn - sức khỏe - vui vẻ”. Đây cũng là xu hướng du lịch chính yếu nhất của du khách sau đại dịch.

Các dự án BĐS nghỉ dưỡng đã và đang triển khai của Flamingo hiện vẫn đang đảm bảo đúng tiến độ thi công, đưa vào sử dụng

Novaland lên kế hoạch tăng tốc 3 tháng cuối năm

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bị tê liệt vì dịch bệnh, nhưng ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup vẫn bày tỏ sự lạc quan.

“Dịch bệnh chỉ gây ra những khó khăn trong ngắn hạn nhưng nếu nhìn tổng quan về một chu kỳ dài hơi của thị trường, từ 3-10 năm thì khó khăn này không ảnh hưởng đến khả năng thu hồi lợi nhuận của doanh nghiệp”, ông Phiên nói.

Ông Phiên dẫn chứng tại 2 dự án trọng điểm do Novanland đang triển khai là Novaworld Hồ Tràm và Novaworld Phan Thiết vẫn bán hàng tốt.

“Tỷ lệ hấp thụ tại dự án Novaworld Hồ Tràm khá tốt, nhiều phân khu mở bán từ đầu năm như Habana Island hiện đã bán hết 100%, thậm chí là bán hàng kể cả trong thời gian giãn cách xã hội. Đối với Novaworld Phan Thiết, những phân khu đã mở bán đều đạt tỷ lệ hấp thụ 90 - 95% và chúng tôi tiếp tục giới thiệu ra các phân khu tiếp theo của dự án”, Phó tổng giám đốc NovaGroup tiết lộ.

Nhiều phân khu mở bán tại dự án Novaworld Hồ Tràm từ đầu năm đã bán hết 100% thậm chí là bán hàng kể cả trong thời gian giãn cách xã hội.

Cũng theo vị này, giãn cách xã hội đã làm cho khách hàng không thể trực tiếp đến dự án tìm hiểu. Trong tình huống này, doanh nghiệp đã nhanh chóng kích hoạt các phương án ứng phó khẩn cấp để bảo đảm hoạt động công ty không bị gián đoán như tư vấn, kinh doanh online.

Thách thức Covid-19 chỉ là câu chuyện ảnh hưởng trong ngắn hạn, ông Phiên cho biết các doanh nghiệp bất động sản, trong đó có Novaland đã chuẩn bị kế hoạch rất chi tiết cho 3 tháng cuối năm để bù lại những tháng giãn cách xã hội chưa đạt KPI (tháng 6,7,8).

“Những tháng cuối cùng của năm 2021 sẽ là thời điểm doanh nghiệp phải rất tích cực trong mọi hoạt động. Doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch tung ra sản phẩm mới, kế hoạch tài chính, kế hoạch xây dựng… để chống chọi với làn sóng dịch thứ 4.

Mặt khác, việc có kế hoạch chi tiết, sẵn sàng trở lại khi hết dịch cũng giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội hồi phục thị trường trong những tháng cuối năm để làm bàn đạp cho các năm tiếp theo”, lãnh đạo NovaGroup chia sẻ.

Vị này cũng nhấn mạnh doanh nghiệp đã bỏ lỡ 3 tháng vì lý do khách quan nên phải gồng mình chạy hết công suất vào 3 tháng cuối năm. Ngoài ra, mọi nhân viên cũng phải vạch ra chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh, bù đắp cho 3 tháng đã mất. Đây là cơ hội vô cùng đáng quý, không thể bỏ lỡ của doanh nghiệp. Sau dịch, thị trường kỳ vọng sẽ bật tăng trở lại khi bị nén quá lâu.

BCG Land mong thiết lập “bản đồ du lịch vùng xanh”

Ông Võ Mạnh Tín, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BCG Land, cho hay đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng bị tác động mạnh đến kết quả kinh doanh và BCG Land cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên với kinh nghiệm chống dịch năm 2020, công ty đã kiểm soát được các hoạt động kinh doanh cũng như tiến độ xây dựng các công trình.

Ông Tín cho biết trong thời gian dịch bệnh bùng phát, toàn thể cán bộ, công nhân viên công ty đã được tiêm vaccine, đồng thời đảm bảo được tiến độ thi công tại các dự án. Đơn cử dự án Radisson Blu Hội An chuẩn bị tiến hành bàn giao giai đoạn 1 cho khách hàng theo đúng tiến độ; dự án Hoian D’Or đã hoàn tất 99% phần móng của 202 căn shophouse, sắp tới sẽ thi công phần thân và khu hạ tầng; dự án Casa Marina Premium đang trong giai đoạn thi công phần hạ tầng và Casa Marina Mũi Né đã hoàn tất thi công trên 90% hạ tầng nội khu, tiếp đến sẽ triển khai thi công đồng loạt các căn villa...

Dù vậy, trước tác động tiêu cực của đại dịch, ông Tín mong muốn được cơ quan chức năng cho gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất… nhằm thúc đẩy nhanh cải cách hành chính cũng như quá trình phê duyệt và cấp phép cho các dự án nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cùng nhau vượt khó.

Bên cạnh đó đẩy mạnh các công tác phòng chống dịch như tăng tốc tiêm vaccine để đầy lùi dịch bệnh, đưa ra các giải pháp như “hộ chiếu vaccine” cho những du khách đã tiêm đủ các mũi theo quy định của cơ quan ban ngành có thẩm quyền.

Đặc biệt là quy hoạch “bản đồ du lịch vùng xanh” cho các doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng đủ tiêu chuẩn an toàn về phòng chống dịch cũng như đảm bảo đầy đủ các yếu tố theo tiêu chuẩn của cơ quan ban ngành.

Nói về mục tiêu trong năm 2021, Tổng giám đốc BCG Land tiết lộ doanh nghiệp dự kiến đạt doanh thu 3.000 tỷ đồng từ các dự án bất động sản đang triển khai. Với tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 hiện nay, ông kỳ vọng đến quý II/2022 Việt Nam sẽ đạt miễn dịch cộng đồng, ngành du lịch sẽ hồi phục trở lại đúng thời gian các dự án công ty đưa vào vận hành và khai thác.

Doanh nghiệp không còn “náu mình chờ thời”

Dưới góc nhìn là một trong những đơn vị phân phối dự án bất động sản lớn nhất miền Bắc, CEO Đất Xanh Miền Bắc ông Vũ Cương Quyết, nhấn mạnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang gặp cú sốc đầu tiên là vấn đề pháp lý cho condotel. Vấn đề chưa thể giải quyết lại đối mặt với đại dịch kéo dài hơn 1 năm nay khiến phân khúc này càng khó khăn hơn.

Theo ông Quyết, nếu như năm ngoái đại dịch bắt đầu ập đến, các doanh nghiệp và sàn giao dịch đều “ngủ đông” thì đến thời điểm hiện tại thay vì ngồi im chờ đợi họ đều có kế hoạch, chiến lược mới để “sống chung với dịch”.

Ông Quyết cho biết rất nhiều chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đã chuyển đổi sang mô hình mở bán online, tức là livestream toàn bộ các buổi mở bán và đưa những hình ảnh thực tế của dự án lên trình chiếu bằng công cụ quay phim, chụp hình. Nhiều khách hàng từng đến tham quan dự án chỉ cần những thước phim thực tế, hình ảnh thật và yếu tố pháp lý đầy đủ là họ xuống tiền ngay.

Hơn nữa, thời điểm này những chủ đầu tư lớn và uy tín được khách hàng lựa chọn nhiều hơn, ngược lại doanh nghiệp chưa có tên tuổi thì khách hàng chủ yếu thăm dò vì họ không thể đến trực tiếp để xem và sợ mua phải “dự án ma”.

Còn đối với các sàn phân phối dự án nghỉ dưỡng vẫn làm việc online và hoạt động bình thường, nhất là tập trung mạnh triển khai mở bán online.

“Thực tế thị trường không hẳn tê liệt hoàn toàn mà vẫn có giao dịch song lượng giao dịch giảm mạnh so với thị trường nhà ở thực. Một số dự án ở Phan Thiết, Quảng Bình, Thanh Hóa vẫn hoạt động mở bán online và có giao dịch”, ông Quyết cho hay.

Cũng theo ông Quyết, giới đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng hiện có 2 nhóm. Một nhóm khá rón rén, không dám đầu tư mạnh vào thời điểm này nhưng vẫn có một nhóm nhỏ khác chiếm 10-15% đối tượng khách hàng có dòng tiền nhàn rỗi và xác định dịch là thời điểm để đầu tư vì có nhiều chính sách ưu đãi từ chủ đầu tư.

Nhận định về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng những tháng cuối năm, CEO Đất Xanh Miền Bắc cho rằng để thị trường trở lại bình thường mới còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Khi dịch bệnh hết hoặc đỡ hơn, thị trường sẽ phục hồi rất nhanh vì nhu cầu đi du lịch rất lớn, khi du lịch bùng nổ sẽ kéo theo bất động sản nghỉ dưỡng.

Tin mới lên