Bất động sản

Bất động sản Tây Nam Bộ ‘cất cánh’ nhờ các tuyến đường mới

(VNF) - Thị trường bất động sản Tây Nam Bộ được dự báo sôi động khi hàng loạt tuyến đường cao tốc đã và đang được quyết tâm triển khai. Bên cạnh đó, với quỹ đất rộng và giá còn tương đối “mềm”, Tây Nam Bộ sẽ ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư lớn.

Bất động sản Tây Nam Bộ ‘cất cánh’ nhờ các tuyến đường mới

Bất động sản Tây Nam Bộ ‘cất cánh’ nhờ các tuyến đường mới

Hạ tầng giao thông “trải đường băng” cho bất động sản

Trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ tập trung nguồn lực cho Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn. Đơn cử như, đến thời điểm này, 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thống nhất để tập trung vào phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc.

Hiện cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 90km đường cao tốc và 30km đường cao tốc nữa đang được triển khai. Cũng trong giai đoạn trên, sẽ có thêm 400km đường cao tốc nữa sẽ hoàn thành kết nối TP. HCM - Cần Thơ, TP. Cần Thơ đến mũi Cà Mau.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai 11 dự án lĩnh vực đường bộ với tổng mức đầu tư dự kiến trên 100.000 tỷ đồng, trong đó, có 2 dự án quan trọng quốc gia là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau với tổng chiều dài 109km, dự kiến khởi công vào cuối năm 2022; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài hơn 188km (tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng), dự kiến khởi công trong năm 2023, hoàn thành vào năm 2026.

Ngoài ra, 3 dự án cao tốc dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2023 là cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (tổng mức đầu tư gần 5.886 tỷ đồng); cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (tổng mức đầu tư 4.770 tỷ đồng); xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 (tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng).

Đáng chú ý, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang lập thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường kết nối khu bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, đồng thời kêu gọi đầu tư các bến cảng Trần Đề với tổng mức đầu tư 30.800 tỷ đồng.

Ngoài đường thủy và đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ tập trung phát triển vận tải biển, đường sắt, kết nối TP. HCM với Đồng bằng sông Cửu Long. Đối với đường hàng không, ngoài sân bay Cần Thơ, Bộ đang nghiên cứu nâng cấp 3 sân bay là Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá.

Hạ tầng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên giá trị của bất động sản, giao thông càng phát triển ở đâu thì nơi đó càng thu hút đầu tư. Có thể thấy sự quan tâm đặc biệt về hạ tầng giao thông “giai đoạn vàng” này sẽ đánh thức vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một vùng kinh tế phát triển, phát huy được tiềm năng và lợi thế vốn có, từ đó thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với khu vực này.

Thị trường địa ốc “cất cánh”

Theo báo cáo thị trường bất động sản Tây Nam Bộ 6 tháng đầu năm 2022, bà Nguyễn Thị Hoàng Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ, cho biết nguồn cung bất động sản trong vùng đạt 6.500 sản phẩm; số lượng giao dịch là 2.550 sản phẩm; tỷ lệ hấp thu là 39%.

Nguồn cung mới theo các loại hình sản phẩm trong khu vực gồm: đất nền chiếm 45%, nhà phố chiếm 27%, căn hộ chiếm 25% và shophouse chiếm 4%. Trong đó, mức giá cao nhất là shophouse dao động từ 26-80 triệu đồng/m2; nhà phố có giá từ 25-65 triệu đồng/m2; căn hộ có giá từ 18-35 triệu đồng/m2 và đất nền có giá từ 9-45 triệu đồng/m2.

So với các vùng khác, bà Hoa nhận xét giá đất ở vùng Tây Nam bộ còn tương đối “mềm”. Cụ thể, giá đất nền trong dự án ở Cần Thơ dao động từ 35-60 triệu đồng/m2, ở TP. Vĩnh Long từ 9-20 triệu đồng/m2, TP. Long Xuyên (An Giang) từ 17-23 triệu đồng/m2…

Bà Hoa đánh giá thị trường bất động sản Tây Nam Bộ còn nhiều tiềm năng để phát triển. Lý do là vùng đang được trung ương quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông như: tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thông xe vào tháng 4/2022; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023, cảng biển Trần Đề được quy hoạch định hướng đầu tư trở thành cảng nước sâu cửa ngõ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang được triển khai đầu tư và nhiều tuyến cao tốc khác được quy hoạch xây dựng theo trục dọc - ngang kết nối nội vùng, liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Cùng với đó, những đặc thù về điều kiện tự nhiên, khí hậu cũng như tiềm năng phát triển nông nghiệp, xuất khẩu thủy hải sản và thu hút FDI lĩnh vực công nghiệp, năng lượng sạch, logistics… thị trường bất động sản Tây Nam Bộ sẽ là điểm đến hấp dẫn dành cho nhà đầu tư cả nước, trong ngắn hạn và trung hạn.

Theo phân tích của bà Hoa, với các ưu thế đó, vùng Tây Nam Bộ có tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp và nhà ở phụ cận khu công nghiệp; bất động sản sinh thái miệt vườn; đại đô thị đa tiện ích cần nhiều quỹ đất và căn hộ chung cư cao cấp trung tâm các thành phố lớn.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng đồng tình với quan điểm cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như thị trường bất động sản.

Điều này thấy rõ sau khi Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hay như trước đó, Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1… cũng đã mở ra những cơ hội phát triển mới cho vùng.

Tuy nhiên, để tận dung cơ hội, đối với doanh nghiệp bất động sản, TS Cấn Văn Lực gợi ý ngoài tín dụng, doanh nghiệp cần lưu tâm, linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác. Bên cạnh đó, hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết, chuẩn hóa đội ngũ quản lý và nhân sự bán hàng, dịch vụ… Ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp tích cực, chủ động kiến nghị, phản biện chính sách.

Tin mới lên