Tài chính quốc tế

Bất ngờ cắt nguồn cung khiến giá khí đốt châu Âu tăng vọt, Nga nói gì?

(VNF) - Nga khẳng định việc ngừng cung ứng khí đốt tới Đức qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu là "hoàn toàn mang tính chất thương mại” chứ không hề mang động cơ chính trị và không liên quan gì đến dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Bất ngờ cắt nguồn cung khiến giá khí đốt châu Âu tăng vọt, Nga nói gì?

Ảnh minh họa.

Trước đó, lượng khí trung chuyển qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu đã giảm xuống chỉ còn 6% công suất thiết kế trong ngày 18/12 rồi giảm dần còn 0% trong sáng 21/12.

Động thái này đã lập tức ảnh hưởng tới giá khí đốt châu Âu. Trong phiên giao dịch ngày 21/12, giá hợp đồng khí đốt giao tháng 1/2022 tại trung tâm TTF ở Hà Lan tăng hơn 10% lên mức đỉnh lịch sử là 171,4 euro (khoảng 193,46 USD)/MWh).

Trước động thái này của Nga, có nhiều luồng ý kiến cho rằng Nga muốn tạo áp lực lên châu Âu nhằm sớm phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Trong cuộc họp báo ngày 21/12, khi được hỏi liệu việc cung cấp khí đốt cho phần còn lại của châu Âu bị dừng lại có phải do tình hình hiện tại liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2 hay không, người phát ngôn điện Kremlin cho biết: "Việc này hoàn toàn mang tính chất thương mại. Còn về những lý do cụ thể, xin mời hỏi Gazprom".

Ông Peskov cũng khẳng định động thái này không hề liên quan tới vấn đề chính trị hay liên quan tới việc đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thành nhưng vẫn chưa được cấp phép để hoạt động.

Việc Nga dừng hoàn toàn việc cung ứng khí đốt tới Đức qua tuyến đường ống này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tại Nga và châu Âu đều tăng cao giữa tháng cao điểm mùa đông.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu vào năm 2021 cực kỳ biến động, đặc biệt là do sự không chắc chắn về khối lượng và tính thường xuyên của nguồn cung từ Nga.

Nga có khả năng sản xuất nhiều khí đốt tự nhiên hơn đáng kể so với sản lượng hiện nay, nhưng theo Tổng thống Vladimir Putin, nước này chưa sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD vào việc mở rộng sản xuất và nâng công suất cho đến khi các bên mua của EU sẵn sàng ký hợp đồng dài hạn hơn.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.

Hiện tại, quá trình cấp giấy chứng nhận cho Nord Stream 2 AG, công ty vận hành dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đang được tiến hành. Toàn bộ quá trình, theo yêu cầu pháp lý, có thể mất vài tháng.

Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 16/11, Cơ quan Quản lý năng lượng Đức (Bundesnetzagentur) lại đưa ra kết luận rằng Dòng chảy phương Bắc 2 chưa tuân thủ luật pháp Đức.

Tân Ngoại trưởng Đức cho biết việc nước này chưa cấp phép cho "Dòng chảy phương Bắc 2" là bởi tuyến đường ống này không đáp ứng các yêu cầu về luật năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) và điều đáng lo ngại nhất đó là báo cáo về tính an toàn của dự án vẫn đang được xem xét.

Xem thêm >> Ít nhất 106 quốc gia ghi nhận ca nhiễm Omicron, WHO cảnh báo về ‘kỳ nghỉ sinh tử’

Tin mới lên