Thị trường

BĐS Đà Nẵng nguy cơ suy thoái: Môi giới than '4 tháng chỉ bán được 1 lô'

(VNF) - Nhiều văn phòng giao dịch bất động sản đóng cửa, môi giới chuyển nghề, giá đất nền giảm nhưng vẫn không có người mua… là thực trạng của thị trường bất động sản Đà Nẵng hiện nay trước nguy cơ suy thoái.

Giao dịch trầm lắng

Dạo quanh các dự án khu đô thị trên địa bàn TP. Đà Nẵng, khung cảnh tại các văn phòng giao dịch bất động sản trở nên ảm đạm, đìu hiu. Nhiều văn phòng bất động sản đóng cửa im lìm, một số văn phòng mở cửa nhưng không có người ra vào giao dịch.

Anh Hùng, chủ một văn phòng giao dịch bất động sản trên địa bàn phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng), cho biết tình trạng này diễn ra nhiều tháng nay.

Theo anh Hùng, thị trường bất động sản thời điểm này gần như "đóng băng", giá mỗi lô đất nền giảm 200-300 triệu đồng nhưng không có người mua.

“Như lô đất 2 mặt tiền, diện tích 164m2 ở Hòa Xuân, trước đây tôi chào giá công khai 5,7 tỷ đồng, giờ còn 5,4 tỷ nhưng không có người mua. Bốn tháng nay tôi mới chỉ bán được một lô mấy trăm triệu ở Quảng Nam, còn Đà Nẵng không bán được lô nào”, anh Hùng nói và cho biết, nhiều môi giới bất động sản phải bỏ nghề vì không trụ được.

Nhiều văn phòng giao dịch bất động sản trên địa bàn TP. Đà Nẵng đóng cửa vì ế ẩm.

Chị Thảo, một môi giới bất động sản ở quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng), chia sẻ thông thường vào thời điểm cuối năm, thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ rất sôi động nhưng năm nay thị trường rất trầm lắng.

“Thị trường trầm lắng nhưng không hẳn là không có giao dịch. Những người mua nhà, đất thời điểm này là những người có nhu cầu thực sự”, chị Thảo nói.

Theo chị Thảo, hiện giá đất nền đang giảm mạnh so với mấy tháng trước đây, trong đó khu vực Hòa Xuân có lô giảm đến 500 triệu đồng, các khu vực khác giảm 100-200 triệu đồng.

“Khu vực Hòa Xuân là khu vực chủ yếu mua để đầu tư, còn người có nhu cầu thực sự về nhà ở không nhiều. Mà đầu tư thì khi người ta cần tiền là người ta bán. Còn những người không cần, họ vẫn giữ nguyên giá thị trường, ai mua được thì mua”, chị Thảo nói.

Một số văn phòng giao dịch bất động sản mở cửa nhưng không thấy giao dịch.

Thị trường trầm lắng nên nhiều nhân viên sales của các dự án hàng ngày gọi điện khắp nơi để chào mời khách hàng. Nhiều công ty bất động sản phải cắt giảm nhân sự.

Anh Lịch, chủ một quán ăn ở quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng), tâm sự năm 2021, vợ chồng anh cùng 2 người em từ Bình Thuận ra Đà Nẵng thuê nhà nấu cơm cho một tập đoàn bất động sản trên địa bàn quận Hải Châu.

Thời điểm năm 2021, mỗi ngày quán ăn của anh Lịch cung cấp cho tập đoàn bất động sản này 400 suất ăn. Tuy nhiên, qua năm 2022, số suất ăn hàng ngày giảm dần và hiện nay mỗi ngày chỉ còn vài chục suất.

“Vợ chồng tôi đang tính thanh lý quán để về quê, chứ buôn bán thế này sao trụ nổi”, anh Lịch rầu rĩ.

Cơ hội cho nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản Đà Nẵng, cho biết dưới tác động của chính sách tiền tệ, sự “khủng hoảng niềm tin” trên thị trường tài chính, trái phiếu, chứng khoán đã tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản Đà Nẵng.

Ngoài ra, đây là thời điểm mà thị trường du lịch rơi vào mùa thấp điểm nhất trong năm do yếu tố thời tiết. Tác động từ cú sốc do mưa bão và trận ngập lịch sử vừa qua càng làm cho thị trường thêm phần khó khăn.

Thanh khoản trên thị trường suy giảm nghiêm trọng ở nhiều phân khúc khác nhau, tuy nhiên mức giảm giá so với nhiều địa phương khác là còn thấp. Từ mốc đỉnh tháng 5 đến nay, giá cả ở phân khúc đất nền phổ biến giảm bình quân 10% -15%, cũng có trường hợp giảm sâu hơn nhưng không phổ biến. Nhà ở trung tâm ít chịu tác động hơn, tỷ lệ giảm giá ít hơn, thanh khoản vẫn thấp.

Theo ông Lập, tâm lý hoang mang là trạng thái chung trên thị trường và việc điều chỉnh theo hướng suy giảm là điều tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trên nhiều trang truyền thông xã hội hiện nay không thiếu những người lợi dụng điều này nhằm gây tác động hoang mang cho thị trường và hy vọng vào một cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản để thu lợi cho họ.

Theo các chuyên gia, đây là thời điểm tốt cho những nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi và những người có nhu cầu thực sự về bất động sản. 

Vẫn có nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn nên cần phải giảm giá sâu hơn mặt bằng chung để giải quyết vấn đề thanh khoản nhưng đây không phải là hiện tượng phổ biến. Nhiều môi giới, nhà đầu tư lấy thông tin đó để truyền thông và gây sức ép giảm giá cho thị trường nhưng chưa có nhiều tác dụng bởi lẻ hầu hết các sản phẩm bất động sản tại thị trường Đà Nẵng đã chuẩn chỉnh về pháp lý, hạ tầng đã khá hoàn chỉnh, nhiều dự án đã có tỷ lệ lấp đầy dân cư cao nên giá cả sát giá trị thật.

Nguồn cung bất động sản rất khan hiếm nên các nhà tạo lập không còn nhiều áp lực để “bơm thổi giá bán” để thúc đẩy khâu bán hàng nên giá nhìn chung ổn định quanh giá trị của bất động sản.

“Trong bối cảnh thị trường khó khăn, nhiều thông tin tiêu cực, giá cả đang đà suy giảm và lãi suất đang có chiều hướng tăng sẽ tạo áp lực cho người bán. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi hoặc những người có nhu cầu thật với nguồn tiền có sẵn. Họ có thể chờ đợi hoặc chủ động săn tìm các sản phẩm của những nhà đầu tư cần thanh khoản sớm, tâm lý hoang mang và sẵn sàng bán lại bất động sản với giá thấp thực sự”, ông Lập nói.

Ông Lập tin và mong rằng, Chính phủ sẽ sớm giải quyết các vấn đề kinh tế vĩ mô để đưa thị trường bất động sản quay về quỹ đạo phát triển ổn định, bình thường. Nếu trạng thái này kéo dài sẽ dễ gây nên khủng hoảng trầm trọng cho thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Ông Đặng Văn Thạnh, CEO DKRA Đà Nẵng, cũng cho rằng thị trường bất động sản hiện nay có nguy cơ khủng hoảng nếu không có giải pháp về tín dụng.

Theo ông Thạnh, hiện nay, thị trường đứng yên không có nghĩa là thị trường không có tiền mà rất nhiều nhà đầu tư có tiền nhưng họ đang nghe ngóng. Thời điểm này, nếu có tiền nhàn rỗi thì mua là rất tốt, còn dùng đòn bẩy thì phải tính toán kỹ.

Sắp tới cũng là cơ hội cho những dự án chuẩn, vị trí đắc địa, có số lượng giới hạn. “Sẽ có doanh nghiệp khó khăn nhưng cũng sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp có tiềm năng, pháp lý chuẩn, đảm bảo tiến độ xây dựng, đảm bảo thời gian bàn giao nhà bởi nhu cầu nhà, nhu cầu đầu tư lúc nào chẳng có”, ông Thạnh nói.

Tin mới lên