Bất động sản

BĐS tuần qua: Bầu Đức rót nghìn tỷ vào Kon Tum làm học viện bóng đá, Fecon muốn làm khu đô thị tại Hưng Yên

(VNF) - Hoàng Anh Gia Lai muốn rót 7.000 - 8.000 tỷ đồng tư tại tỉnh Kon Tum; Fecon muốn làm khu đô thị 219ha tại Hưng Yên; loạt dự án BT của Văn Phú, Him Lam, Bitexco, Geleximco... bị dừng triển khai... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.

BĐS tuần qua: Bầu Đức rót nghìn tỷ vào Kon Tum làm học viện bóng đá, Fecon muốn làm khu đô thị tại Hưng Yên

Hoàng Anh Gia Lai muốn rót 8.000 tỷ đầu tư vào Kon Tum, tính làm học viện bóng đá.

Hoàng Anh Gia Lai muốn rót 8.000 tỷ đầu tư vào Kon Tum

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum cũng đã có buổi làm việc với tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai về chủ trương thu hút đầu tư các dự án trên địa bàn huyện Ngọc Hồi và Kon Plông.

Tại buổi làm việc này, lãnh đạo tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đề xuất nguyện vọng xem xét đầu tư 3 dự án tại huyện Ngọc Hồi và huyện Kon Plông với tổng vốn đầu tư 7.000 - 8.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tại huyện Ngọc Hồi, doanh nghiệp này muốn triển khai thực hiện dự án trồng rừng gỗ lớn với diện tích khoảng 2.000ha rừng và dự án nhà máy điện sinh khối công suất 100 MW.

Tại huyện Kon Plông, doanh nghiệp này dự kiến triển khai đầu tư dự án bất động sản. Ngoài ra, Hoàng Anh Gia Lai cũng muốn đầu tư các dự án phát triển du lịch; xây dựng học viện đào tạo bóng đá trẻ giống như đã làm ở Gia Lai và xây dựng bệnh viện trên diện tích khoảng 80ha.

Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến sẽ triển khai dự án trồng rừng cây gỗ lớn với tổng diện tích khoảng 2.000ha và xây dựng nhà máy điện sinh khối công suất 100 MW (nhà máy này sử dụng nguyên liệu chính là gỗ trồng rừng, gỗ còn thừa sau khi chế biến và các phế phẩm nông nghiệp để phát điện); xây dựng nhà máy chế biến gỗ, sản xuất viên nén... với tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. (Xem thêm)

Sun Group điều chỉnh giảm hơn 700ha diện tích tại "siêu dự án" Bến En

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã phê duyệt quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En tại huyện Như Thanh.

Đây là dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) làm chủ đầu tư, được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận tại Quyết định số 3774/QĐ-UBND ngày 29/9/2016, điều chỉnh tại Quyết định số 4545/QĐ-UBND ngày 23/10/2020.

Tại quyết định điều chỉnh lần này, quy mô diện tích của dự án được điều chỉnh giảm xuống còn 767,58ha, tức giảm gần một nửa so với diện tích được phê duyệt ban đầu (1.492,68ha).

Theo đó, các hạng mục của dự án thay đổi như sau: diện tích khu trung tâm du lịch - khu A giảm còn 153,41ha; khu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng cao cấp - khu B là 200,74ha; khu du lịch sinh thái, dịch vụ văn hóa - khu C là 63,59ha; đường giao thông giảm còn 45,12ha; đất mặt nước giảm còn 101,59ha; đất núi đá và cây xanh là 203,13ha. (Xem thêm)

Đồng Nai điều chỉnh quy hoạch "siêu dự án" hơn 12.600 tỷ của DIC Corp

UBND tỉnh Đồng Nai mới dây đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị du lịch Long Tân tại huyện Nhơn Trạch. Quy mô lập quy hoạch gần 332ha, dự kiến dân số đến năm 2035 là 13.900 người.

Theo quyết định, khu đô thị du lịch Long Tân sẽ được quy hoạch thành hai phân khu chức năng là khu đô thị du lịch và khu hành lang cách ly đường vành đai 3.

Cụ thể, khu đô thị du lịch có quy mô hơn 326ha, bao gồm đất ở (hơn 79 ha) với các loại hình nhà ở như nhà phố, nhà liên kế, biệt thự, chung cư cao tầng, nhà ở xã hội và nhà tái định cư. 

Ngoài ra, còn gồm đất thương mại dịch vụ hỗn hợp (hơn 25,8ha); đất công trình dịch vụ đô thị (hơn 13,8ha); đất dịch vụ du lịch (hơn 33ha); đất cây xanh, thể thao (hơn 97ha), đất giao thông (hơn 75ha); đất hạ tầng kỹ thuật (gần 3ha) và đất tôn giáo (1.502m2). Còn lại, khu hành lang cách ly đường vành đai 3 có diện tích hơn 5,7ha.

Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh Đồng Nai giao chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Cổ phần đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, HoSE: DIG) phối hợp với UBND huyện Nhơn Trạch, các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành công bố công khai nội dung quy hoạch, đồng thời, tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt hồ sơ nhiệm vụ cắm mốc giới theo quy định. (Xem thêm)

Fecon muốn làm khu đô thị 219ha tại Hưng Yên?

UBND tỉnh Hưng Yên mới đây đã ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu đô thị Mỹ Hào Garden City.

Theo đó, quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 218,96ha, thuộc địa bàn các phường Phan Đình Phùng, Nhân Hoà và xã Cẩm Xá, thị xã Mỹ Hào. Phía bắc giáp đường ĐH.30 và khu dân cư hiện có; phía nam giáp khu dân cư hiện có; phía đông giáp đường quy hoạch và đất canh tác; phía tây giáp đường trục kinh tế Bắc - Nam.

Dự báo dân số trong khu vực lập quy hoạch là 15.000 - 17.000 người. Mục tiêu của đồ án nhằm đề xuất giải pháp quy hoạch khu đô thị để ở kết hợp thương mại du lịch, góp phần tạo quỹ nhà ở đáp ứng nhu cầu ở cho người dân.

Trước đó, hồi cuối năm 2019, Công ty Cổ phần Fecon (HoSE: FCN) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên đề xuất được giao nghiên cứu, khảo sát, tài trợ kinh phí lập quy hoạch và đề xuất thực hiện dự án khu đô thị Mỹ Hào Garden City.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, nghiên cứu, Fecon muốn được tài trợ kinh phí lập quy hoạch và thực hiện dự án đầu tư xây dựng một khu đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với định hướng là khu đô thị sinh thái. (Xem thêm)

Loạt dự án BT của Văn Phú, Him Lam, Bitexco, Geleximco... bị dừng triển khai

Hà Nội đã dừng hàng loạt dự án BT trên địa bàn, trong số đó có nhiều dự án của các doanh nghiệp lớn như: T&T Group, Văn Phú, Him Lam, Lã Vọng, Geleximco, Nam Cường...

UBND TP. Hà Nội cho biết việc dừng triển khai các dự án BT trên địa bàn thành phố là do Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021) đã quy định dừng triển khai dự án BT mới, dừng thực hiện dự án BT chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Trong danh mục các dự án dừng triển khai, dừng thực hiện nói trên, có 2 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa ký hợp đồng gồm: dự án cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển quy mô 7,5 km do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (HoSE: VPI) - Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú CIC - Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú số 1 - Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ - Công ty TNHH An Quý Hưng thực hiện.

Tiếp đó là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai với quy mô 23,1km do liên danh Công ty Cổ phần Sông Đà - Tổng công ty Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) - Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi Nhà Mới - Công ty Cổ phần Đại An thực hiện.

Danh sách cũng có 11 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi gồm: dự án vành đai 3,5 - xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long do Công ty Cổ phần Him Lam thực hiện; dự án đường 70 đoạn từ Nhổn đến đại lộ Thăng Long - Hà Đông do Công ty Cổ phần Bất động sản Thái An thực hiện; dự án vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 32 do liên danh Công ty Gia Long - Công ty Xuất nhập khẩu Thăng Long thực hiện... (Xem thêm)

Tin mới lên