Bất động sản

BĐS tuần qua: Bộ Công an phản đối chuyển condotel thành nhà ở, Dream City của Vinhomes chờ Thủ tướng chấp thuận

(VNF) - Siêu dự án Dream City gần 38.000 tỷ của Vinhomes đang chờ Thủ tướng chấp thuận; Bộ Công an đề xuất không hợp thức hóa condotel thành nhà ở; Chủ tịch HoREA: 'Nhồi nhét một khu dân cư vào condotel sẽ làm biến dạng quy hoạch'; Quảng Ninh kêu gọi đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho 30 dự án... là những thông tin bất động sản đáng chú ý tuần qua.

BĐS tuần qua: Bộ Công an phản đối chuyển condotel thành nhà ở, Dream City của Vinhomes chờ Thủ tướng chấp thuận

Bộ Công an đề xuất không hợp thức hóa condotel thành nhà ở

KĐT Dream City gần 38.000 tỷ của Vinhomes đang chờ Thủ tướng chấp thuận

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá hồ sơ dự án khu đô thị sinh thái Dream City của Vinhomes đủ điều kiện quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án khu đô thị sinh thái Dream City trên địa bàn huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên của Công ty Cổ phần Vinhomes.

Theo báo của Bộ, dự án khu đô thị sinh thái Dream City có tổng mức đầu tư gần 38.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 15% tổng vốn đầu tư, 85% còn lại là vốn vay và vốn huy động.

Dự án nằm tại địa bàn xã Long Hưng và xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang với diện tích khoảng 445,4ha, dân số dự kiến 65.000 người. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm.

Tiến độ thực hiện dự án 8 năm kể từ khi phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án này có tổng mức đầu tư 38.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng. Trường hợp dự án phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc UBND tỉnh Hưng Yên.

Tuy nhiên, tại báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên vào hồi tháng 4, tỉnh này đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này. (Xem thêm)

Quảng Ninh kêu gọi đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho 30 dự án

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Quyết định số 2383/QĐ-UBND về danh mục 30 dự án kêu gọi, thu hút đầu trên địa bàn tỉnh năm 2020 và định hướng đến năm 2021.

Theo quyết định trên, tỉnh Quảng Ninh kêu gọi đầu tư 30 dự án về 5 lĩnh vực, gồm: lĩnh vực hạ tầng giao thông, logistics; lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo các dự án thứ cấp trong khu công nghiệp; lĩnh vực dịch vụ thương mại, đô thị; lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp.

Cụ thể, về lĩnh vực hạ tầng giao thông, Quảng Ninh kêu gọi đầu tư vào 4 dự án với tổng mức đầu tư là khoảng 8.544 tỷ đồng, trong đó dự án bến cảng tổng hợp Hòn Con Ong (phường Cẩm Thịnh và Cửa Ông, TP. Cẩm Phả) có tổng mức đầu rất lớn khoảng 7.000 tỷ đồng, diện tích 101ha.

Ba dự án còn lại gồm: bến cảng Mũi Chùa tại xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên (505 tỷ đồng, 10ha); trung tâm logistics (216 tỷ đồng, 27ha) và dự án đầu tư hạ tầng khu phi thuế quan (823 tỷ đồng, 50ha) cùng thuộc khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn và dự án đầu tư hạ tầng khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu Hoàng Mô - Đồng Văn của huyện Bình Liêu.

Về đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, Quảng Ninh kêu gọi số vốn 4.250 tỷ đồng để triển khai hạ tầng 2 khu công nghiệp mới trên địa bản tỉnh. (Xem thêm)

Bộ Công an đề xuất không hợp thức hóa condotel thành nhà ở

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công an đề xuất không hợp thức hóa các dự án condotel, biệt thự du lịch, officetel thành nhà ở, đồng thời kiến nghị thanh tra, xử lý sai phạm trong đầu tư condotel tại một số địa phương.

Bộ Công an cho rằng bất cập thứ nhất là chưa xác định rõ đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là condotel, biệt thự du lịch. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn xác định đất xây dựng condotel, officetel, biệt thự biển là đất thương mại, dịch vụ; các căn này có đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật Kinh doanh bất động sản.

Dù vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa hướng dẫn rõ việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản condotel, officetel, biệt thự du lịch sẽ được cấp cho chủ đầu tư dự án hay cho từng người mua căn hộ.

Vấn đề thứ hai được Bộ Công an chỉ ra là quy định về kinh doanh condotel, officetel, biệt thự du lịch còn nhiều bất cập, chưa cụ thể dẫn đến rủi ro cho người mua.

Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định 2 loại hình kinh doanh bất động sản là kinh doanh bất động sản có sẵn và kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai.

Tuy nhiên, Bộ Công an nhấn mạnh quy định điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai còn lỏng lẻo, chưa rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.

“Nhiều chủ đầu tư mở bán condotel, officetel khi chưa đủ điều kiện, rủi ro cho người mua, nhất là khi không thực hiện được cam kết với người mua đã phát sinh tranh chấp, phức tạp về an ninh trật tự”, cơ quan này nêu. (Xem thêm)

Chủ tịch HoREA: 'Nhồi nhét một khu dân cư vào condotel sẽ làm biến dạng quy hoạch'

Trao đổi với VietnamFinance, ông Lê Hoàng Châu cho biết ông ủng hộ quan điểm của Bộ Công an về việc không hợp thức hóa condotel thành nhà ở.

Theo ông Châu, việc điều chỉnh từ condotel sang nhà ở không chỉ là điều chỉnh cơ cấu sản phẩm mà còn liên quan đến cả việc điều chỉnh quy hoạch.

Ông Châu phân tích: condotel là một sản phẩm nằm trong khu du lịch nghỉ dưỡng, được xây dựng trên đất có chức năng sản xuất kinh doanh dịch vụ chứ không có chức năng đất ở. Đất trong khu vực quy hoạch phát triển du lịch nghỉ dưỡng chỉ có quyền sử dụng phổ biến 50 năm, tối đa 70 năm.

“Đất du lịch mà nhồi nhét một khu dân cư vào sẽ làm biến dạng và làm giảm đi giá trị, sự hấp dẫn đầu tư phát triển du lịch. Điều chỉnh quy hoạch từ condotel sang căn hộ chung cư mà không có căn cứ khoa học và thực tiễn là bóp méo quy hoạch, là tai họa về quy hoạch”, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh. (Xem thêm)

Quy hoạch 133ha xây dựng trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng Vũng Áng

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) về quy hoạch chi tiết Trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng Vũng Áng theo tỷ lệ 1/500 .

Theo Portcoast, quy hoạch Trung tâm logistics tại Vũng Áng đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và tỉnh Hà Tĩnh đồng ý duyệt đề án "Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030".

Theo đề xuất, vị trí lập quy hoạch tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh có tổng diện tích sử dụng 133,32 ha. Tổng kinh phí hình thành Trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng Vũng Áng dự kiến khoảng 1.393 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 453 tỷ đồng, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng là 940 tỷ đồng.

Trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng Vũng Áng sẽ phục vụ toàn bộ cụm cảng Vũng Áng bao gồm 11 cụm cảng, đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng, cho thuê đất hoặc nhà kho tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp logistics, đáp ứng nhu cầu của các nhà cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ hàng container. (Xem thêm)

Thị trường bất động sản Việt Nam lần đầu tiên lọt vào nhóm 'bán minh bạch'

Việt Nam liên tục thăng hạng trong hai năm qua trên bảng xếp hạng chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu (GRETI) của Jones Lang LaSalle (JLL). Trong năm nay, nhờ sự phát triển của hai đô thị Hà Nội và TP. HCM, độ minh bạch Việt Nam được xếp hạng 56 trên toàn cầu, bước vào nhóm các nước "bán minh bạch" lần đầu tiên sau một thập kỷ.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, nhận định: "Không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam đã chuyển mình từ đất nước ’kém minh bạch’ sang ‘bán minh bạch’ trong bảng xếp hạng chỉ số minh bạch mới nhất của chúng tôi. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã từng bước trở thành điểm đến hàng đầu cho ngành công nghiệp sản xuất tại Đông Nam Á và thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể. Việt Nam sẽ cần tiếp tục cải thiện tăng thứ hạng nếu muốn thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài".

Theo JLL, các thị trường mới nổi một lần nữa cho thấy sự tiến bộ lớn nhất trong bảng xếp hạng, nổi bật là 6 thị trường châu Á - Thái Bình Dương: Trung Quốc đại lục (thứ 32), Thái Lan (thứ 33), Ấn Độ (thứ 34), Indonesia (thứ 40), Philippines (thứ 44). Singapore tăng một vị trí lên hạng 14, dẫn đầu nhóm các nước có tính minh bạch cao.

Bảng xếp hạng chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu 2020 được phát hành ra vào thời điểm kinh tế và xã hội toàn cầu bị gián đoạn, vì vậy nhu cầu về quy trình minh bạch, dữ liệu chính xác và kịp thời cùng các tiêu chuẩn đạo đức cao đang được chú trọng hơn. (Xem thêm)

Cải tạo khu tập thể Đại học Thủy Lợi: Tập đoàn T&T đề xuất gì?

TP Hà Nội đã giới thiệu về đề xuất ý tưởng quy hoạch cải, xây dựng lại khu tập thể đại học Thủy Lợi do Tập đoàn T&T thực hiện. Trong đó, Tập đoàn T&T đã đưa ra 2 phương án cải tạo.

Cụ thể, phương án 1, dự án cải tạo khu tập thể Đại học Thủy Lợi được thực hiện theo định hướng quy hoạch chung, quy định, quy chế được duyệt và quy hoạch phân khu đang hoàn chỉnh. Phương án này cho phép chiều cao tối đa của các tòa chung cư là 24 tầng.

Với phương án này, tổng dân số tại đây sẽ được tăng lên gần 6.900 người, tăng thêm hơn 3.000 so với dân số hiện tại. Tổng diện tích sàn đạt được là hơn 200.000m2. Trong đó, diện tích sàn thương mại là hơn 22.000m2, diện tích sàn chung cư hơn 151.000m2 và diện tích sàn văn phòng hơn 31.000m2.

Về phương án 2, việc cải tạo khu tập thể sẽ được tính toán cân đối hiệu quả đầu tư, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và nhà nước. Phương án này cho phép chiều cao tối đa các tòa chung mới lên 35 tầng.

Tổng diện tích sàn đạt được nếu thực hiện phương án 2 là hơn 270.000m2, trong đó, diện tích sàn thương mại đạt hơn 21.000m2, diện tích sàn chung cư đạt hơn 202.000m2 và diện tích sàn văn phòng đạt gần 46.000m2.

Đáng chú ý, nếu cải tạo theo phương án 2, dân số tại đây sẽ tăng lên khoảng 8.300 người, cao gấp 2 lần so với dân số hiện tại. (Xem thêm)

Tin mới lên