Bất động sản

BĐS tuần qua: 'Cò đất' đổ xô về sân bay Phan Thiết, Bình Định điều chỉnh dự án du lịch nghìn tỷ

(VNF) - Bình Định điều chỉnh dự án du lịch nghìn tỷ từng giao cho Vingroup; 'Cò đất' đổ xô về dự án sân bay Phan Thiết, chính quyền phát công văn cảnh báo; Hà Nội sẽ duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6/2021; Siêu dự án Hạ Long Xanh 10 tỷ USD đang chờ Thủ tướng phê duyệt... là những thông tin về thị trường địa ốc được quan tâm nhất trong tuần qua.

BĐS tuần qua: 'Cò đất' đổ xô về sân bay Phan Thiết, Bình Định điều chỉnh dự án du lịch nghìn tỷ

BĐS tuần qua: 'Cò đất' đổ xô về sân bay Phan Thiết, Bình Định điều chỉnh dự án du lịch nghìn tỷ

Bình Định điều chỉnh dự án du lịch nghìn tỷ từng giao cho Vingroup

UBND tỉnh Bình Định ra quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu du lịch Hải Giang Merry Land do Công ty Cổ phần dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn làm chủ đầu tư.

Theo phê duyệt, khu vực quy hoạch thuộc một phần phân khu 4 và phân khu 5, khu kinh tế Nhơn Hội (xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn), với giới cận như sau: phía bắc giáp vịnh Mai Hương (phân khu 4); phía nam giáp Biển Đông; phía đông giáp núi Chóp Vung, núi San Hô và Mũi Yến thuộc dãy núi Phương Mai; phía tây giáp núi Phương Mai.

Tổng diện tích điều chỉnh quy hoạch là 623,7ha, giảm 33ha so với quy hoạch được duyệt trước đó.

Theo tìm hiểu, tháng 9/2013, UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Vingroup đã tổ chức khởi công xây dựng khu du lịch Vinpearl Hải Giang. Đây là tổ hợp du lịch khá lớn với tổng diện tích quy hoạch 655ha, tổng vốn đầu tư gần 3.500 tỷ đồng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ, tỉnh Bình Định đã nỗ lực giải phóng mặt bằng sạch, di dời toàn bộ hơn 200 hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án.

Dự kiến đến năm 2015, dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động giai đoạn 1. Tuy nhiên, sau gần 5 năm khởi công, dự án vẫn chỉ dừng ở san lấp mặt bằng, tiến độ thực hiện không như cam kết.

Sau nhiều năm “án binh bất động”, đến tháng 8/2018, Trung tâm xúc tiến đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định cho biết, Công ty Cổ phần dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn đang tái khởi động dự án khu du lịch Hải Giang Merry Land tại thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải. Cùng lúc đó, dự án này được Trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. (Xem thêm)

'Cò đất' đổ xô về dự án sân bay Phan Thiết, chính quyền phát công văn cảnh báo

Ngày 11/3, Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết có văn bản gửi Công an TP. Phan Thiết, Phòng TN-MT và UBND xã Thiện Nghiệp yêu cầu có ngay các biện pháp cấp bách để ngăn chặn tình trạng “cò đất” tập trung bất thường khu vực sân bay Phan Thiết.

Theo nội dung công văn, trong vài ngày trở lại đây, báo chí đưa tin cuối tháng 3, cảng hàng không Phan Thiết (sân bay Phan Thiết, ở xã Thiện Nghiệp) sẽ được triển khai thi công.

Trên địa bàn xã Thiện Nghiệp, các quán cà phê, các ngõ đường vào dự án sân bay Phan Thiết bất ngờ xuất hiện rất nhiều xe ô tô và người từ các địa phương khác đến để trao đổi, thực hiện giao dịch mua bán đất đai. Tình hình này đã tạo nên dấu hiệu mất an ninh trật tự, an toàn giao thông khi có lượng lớn xe ô tô đổ về xã Thiện Nghiệp một cách bất thường.

Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết yêu cầu UBND xã Thiện Nghiệp phải tăng cường công tác quản lý về an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt là phải quản lý chặt, ngăn chặn ngay tình trạng bao chiếm, lấn đất đai của nhà nước khu vực gần dự án sân bay Phan Thiết nhằm sang nhượng, mua bán bất hợp pháp; yêu cầu Công an TP. Phan Thiết tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất đai bất hợp pháp, nhất là tình trạng lừa đảo trong mua bán đất đai. (Xem thêm)

Hà Nội sẽ duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6/2021

Chiều 10/3, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội họp, cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy đã nghe báo cáo, ý kiến thẩm định của Văn phòng Thành ủy, trao đổi thảo luận của các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy về việc thực hiện quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Qua xem xét, Ban Thường vụ Thành ủy đã nhất trí cao về chủ trương giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đồng thời xin ý kiến Bộ NN&PTNT về các nội dung liên quan đến quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ liên quan; xin ý kiến Bộ Xây dựng đối với việc cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô...

Được biết, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (tỷ lệ 1/5000) được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km, từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000ha; thuộc địa bàn của 55 phường, xã của 13 quận, huyện; dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 đến 320.000 người. (Xem thêm)

Novaland xin gia hạn thời gian hoạt động dự án NovaWorld Phan Thiết 5 tỷ USD

Dự án tổ hợp khu du lịch thung lũng Đại Dương (NovaWorld Phan Thiết) được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy phép chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 4/7/2008 và cấp quyết định chủ trương đầu tư thay thế cho các giấy phép đầu tư vào ngày 16/4/2019.

NovaWorld Phan Thiết do Tập đoàn Novaland làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 986ha và tổng mức đầu tư 5 tỷ USD thuộc địa bàn xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết. Đây là dự án đầu tư lớn nhất ở địa phương này.

Thời gian cho thuê của dự án là 50 năm nhưng phải trải qua 11 năm thực hiện đền bù, giải tỏa mặt bằng. Hơn nữa, tính đến tháng 3/2021, UBND tỉnh Bình Thuận mới ban hành quyết định cho thuê đất với tổng diện tích 946ha.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận, ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Novoland, cho biết quá trình triển khai dự án đã gặp nhiều vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án.

Vì vậy, Tập đoàn Novoland kiến nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ giải quyết dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đồng thời xem xét cho phép tập đoàn điều chỉnh thời gian hoạt động của dự án tương ứng với thời gian chậm bồi thường, giải phóng mặt bằng vừa qua.

Ngoài ra, đại diện tập đoàn cũng đề nghị xem xét việc xác định giá thuê đất cụ thể nhằm đảm bảo hiệu quả của dự án, chấp thuận chủ trương cho tập đoàn lập thủ tục điều chỉnh mục tiêu, điều chỉnh quy hoạch của dự án theo hướng chuyển một phần diện tích của dự án sang đất ở lâu dài để đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch… (Xem thêm)

Siêu dự án Hạ Long Xanh 10 tỷ USD đang chờ Thủ tướng phê duyệt

Sau thời gian lấy ý kiến tham gia đóng góp, các bộ, ngành liên quan đều cơ bản đồng thuận với nội dung đề xuất của nhà đầu tư cũng như của tỉnh đối với khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh. Tháng 1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mọi phương pháp đánh giá chỉ có tính chất thời điểm, tổng vốn đầu tư thực hiện dự án rất lớn, thời gian thi công kéo dài (10 năm), tình hình tài chính của nhà đầu tư sẽ có nhiều biến động trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao UBND tỉnh Quảng Ninh đưa ra các giải pháp giám sát quá trình triển khai của nhà đầu tư đảm bảo đủ khả năng tài chính để thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã cam kết.

UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết hiện đã sẵn sàng các điều kiện cần thiết để hỗ trợ nhà đầu tư sớm khởi công dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh có tổng diện tích đất sử dụng dự kiến trên 4.109ha, gồm khoảng 3.186ha thuộc các xã, phường Tân An, Hà An, Hoàng Tân, Liên Hòa (TX. Quảng Yên), trên 923ha thuộc các phường Hà Khẩu, Đại Yên (TP. Hạ Long).

Liên danh Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần Vinhomes làm chủ đầu tư dự án với tổng mức đầu tư khoảng 232.369 tỷ đồng (tương đương khoảng 10 tỷ USD), trong đó vốn chủ sở hữu khoảng 34.855 tỷ đồng (khoảng 15%), vốn huy động khoảng 197.514 tỷ đồng (khoảng 85%). (Xem thêm)

Khánh Hòa khai tử loại hình 'đất ở không hình thành đơn vị ở'

UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định hủy bỏ Quyết định số 2718 ngày 14/9/2016 về việc cho phép Công ty Cổ phần Du lịch Nhật Minh chuyển mục đích sử dụng đất, đồng thời chuyển từ đất thuê sang giao đất có thu tiền tại dự án ở số 18 đường Trần Hưng Đạo.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, lý do hủy bỏ quyết định trên là vì ngày 17/12/2020, UBND tỉnh đã có văn bản hủy bỏ chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thương mại dịch vụ sang “đất ở không hình thành đơn vị ở”.

Liên quan đến dự án Ariyana, tháng 9/2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định cho Công ty Nhật Minh thuê hơn 2.541m2 đất ở số 18 đường Trần Hưng Đạo để sử dụng vào mục đích thực hiện dự án khu liên hợp dịch vụ thương mại, khách sạn, căn hộ du lịch và văn phòng cho thuê Luna (tên thương mại là Ariyana). Thời hạn sử dụng đất đến ngày 15/5/2064.

Đến tháng 9/2016, UBND tỉnh này tiếp tục có quyết định cho phép công ty này được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở đô thị (đất ở không hình thành đơn vị ở), đồng thời chuyển từ hình thức thuê đất, trả tiền thuê đất một lần sang giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với hơn 1.116m2 tại số 18 đường Trần Hưng Đạo. Thời hạn sử dụng sau khi chuyển mục đích sử dụng đất đến ngày 1/10/2064.

Như vậy, dự án Ariyana từ chỗ được cho phép chuyển đổi đất thương mại dịch vụ sang hình thức sử dụng lâu dài thì nay áp dụng lại thời hạn sử dụng đất chính thức là 50 năm. (Xem thêm)

Đà Nẵng cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm của dự án Mường Thanh từ ngày 6/4

Ngày 10/3, UBND quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch về việc cưỡng chế tháo dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng tại công trình Tổ hợp Khách sạn Mường Thanh và Căn hộ cao cấp Sơn Trà nằm trên địa bàn phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Dự án do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư.

Theo đó, phạm vi thực hiện cưỡng chế tháo dỡ gồm phần công trình vi phạm tại các tầng 2, 3, 4, 5, 35, 41, 42 và 2 tầng kỹ thuật, tầng mái của khối chung cư thuộc dự án trên.

Công tác tổ chức cưỡng chế theo 2 giai đoạn, dự kiến 180 ngày. Giai đoạn 1 cưỡng chế tháo dỡ từ tầng 2 đến tầng 5, thời gian từ 6/4 đến 30/6. Giai đoạn 2 cưỡng chế tháo dỡ tại tầng 35, 41, 42 và 2 tầng kỹ thuật, áp mái, thời gian từ 1/7 đến hết 30/9.

Kế hoạch này đi cùng thông báo thực hiện các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước và các dịch vụ truyền thông tại các căn hộ vi phạm. Cụ thể, toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế tháo dỡ do chủ đầu tư chịu trách nhiệm chi trả theo quy định. (Xem thêm)

Vỡ bong bóng 'sân bay Téc Ních', nhà đầu tư bất động sản học được gì?

Về vụ sốt đất tại tỉnh Bình Phước, TS Sử Ngọc Khương đánh giá sân bay Téc Ních không phải là "cây đũa thần" làm cho nền kinh tế của tỉnh và thị trường bất động sản khởi sắc chỉ trong một thời gian ngắn như thế.

Có thể dễ dàng nhìn thấy việc xây dựng một sân bay không thể là một bước ngoặt cho kinh tế toàn tỉnh. Thứ nhất, đây chỉ mới dừng lại ở mức chủ trương đang đợi xem xét và phê duyệt. Thứ hai, giá thị trường bất động sản tại tỉnh Bình Phước có tăng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.

Theo ông Khương, ngoài những thông tin quy hoạch thì những thông tin liên quan đến nền kinh tế về tín dụng hay diễn biến có tác động đến nền kinh tế đều có thể làm tăng giá trị tài sản và tạo ra động lực thúc đẩy thị trường. Tuy nhiên, tất cả những yếu tố này có thể hoặc không có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản. Vì thế việc bùng nổ về giá chỉ vì một lý do như câu chuyện tại Bình Phước thật sự cần được cân nhắc một cách thực tế và kỹ càng.

TS Khương giả định nếu sân bay sẽ được hoàn thành, theo một góc nhìn thực tế thì việc này cần ít nhất 5-7 năm để hoàn thành kế hoạch và được phê duyệt, rồi xây dựng sẽ mất thêm 3-5 năm nữa. Như vậy, từ lúc khảo sát đến lúc khánh thành cũng gần 10 năm nếu mọi việc diễn ra thuận lợi.

"Tuy nhiên, để vận hành trơn tru và thật sự thu hút đầu tư đáng kể thì cần 5-10 năm nữa”, ông nói. (Xem thêm)

Vụ lùm xùm dự án KĐT Mỹ Hưng-Cienco 5: Cienco 5 chỉ còn nắm 3% vốn tại Cienco 5 Land

VietnamFinance trước đó đã có loạt bài viết về việc UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định 5269 ngày 25/11/2020 điều chỉnh một số nội dung ghi tại Quyết định số 3123 ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây trước đây.

Cụ thể, quyết định đã điều chỉnh thay đổi chủ đầu tư khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 từ Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land, doanh nghiệp dự án) sang cho nhà đầu tư Tổng công ty Xây dựng giao thông 5 - CTCP (Cienco 5). 

Trước diễn biến vụ việc trên, Kiểm toán Nhà nước đã có Công văn số 327/KTNN-TH về việc báo cáo kiểm toán dự án đầu tư xây dựng đường trục phía nam tỉnh Hà Tây theo hình thức Hợp đồng BT. 

Theo đó, tại mục 2.2 về việc chấp hành chế độ tài chính, kế toán, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ: “Theo quy định tại điều 3, Hợp đồng BT, nhà đầu tư có nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu bằng 10% vốn đầu tư dự án BT (tương đương 608 tỷ đồng), thời gian thực hiện dự án là 60 tháng”.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, dự án BT đã bị chậm tiến độ khoảng 84 tháng nhưng dòng vốn của nhà đầu tư đã tham gia vào dự án BT mới chỉ đạt 165,413 tỷ đồng, trong đó bao gồm: vốn góp cổ phần tại doanh nghiệp dự án là 20 tỷ đồng; trực tiếp thanh toán một số chi phí đầu tư là 145,413 tỷ đồng (tỷ lệ góp mới đạt 27,13% tổng vốn đã cam kết).

Đáng chú ý, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết đến nay, giá trị vốn cổ phần của nhà đầu tư tại Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 chỉ còn nắm giữ là 20 tỷ đồng/600 tỷ đồng (tương đương 3%). (Xem thêm)

Tin mới lên