Bất động sản

BĐS tuần qua: Ecopark xin xóa chợ xây lại tập thể Thành Công, Onsen Fuji tấn công bờ biển Hà Tĩnh

(VNF) - Onsen Fuji xin làm dự án khu du lịch biển Wyndham Costa Hà Tĩnh gần nghìn tỷ; Ecopark đề xuất được dùng đất chợ thay vì lấp hồ Thành Công để xây khu tập thể; Vụ 200 căn biệt thự 'xây chui, bán lủi': Hưng Yên kiểm điểm cán bộ vi phạm; FLC muốn tài trợ kinh phí lập quy hoạch khu đô thị sinh thái Thiên Cầm ở Hà Tĩnh; 'Đại bàng' Foxconn muốn rót hơn 7.300 tỷ xây nhà cho công nhân tại 3 tỉnh ở Việt Nam... là những thông tin bất động sản được quan tâm nhất tuần qua.

BĐS tuần qua: Ecopark xin xóa chợ xây lại tập thể Thành Công, Onsen Fuji tấn công bờ biển Hà Tĩnh

Ecopark đề xuất được dùng đất chợ thay vì lấp hồ Thành Công để xây lại khu tập thể

'Đại bàng' Foxconn muốn rót hơn 7.300 tỷ xây nhà cho công nhân 

Foxconn đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng Việt Nam đề xuất việc xây dựng 3 dự án nhà ở xã hội tại Bắc Giang, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc để giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở cho công nhân.

Cụ thể, dự án thứ nhất là dự án nhà ở xã hội Golden Park tại xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh do Công ty TNHH MTV công trình Kim Xương Trí đầu tư, quy mô sử dụng đất 6,3ha, vốn đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng (tương đương 125,8 triệu USD).

Dự án thứ hai là dự án nhà ở xã hội Vân Trung, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Dự án do Công ty TNHH Fugiang đầu tư (chủ đầu tư hạ tầng KCN Vân Trung), quy mô sử dụng đất 16,7ha, tổng vốn đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD).

Dự án thứ ba là dự án Khu nhà ở công nhân và công trình dịch vụ công cộng Phoenix Town. Dự án do Công ty TNHH Fuchuan (chủ đầu tư hạ tầng KCN Bình Xuyên II) đầu tư gần KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, rộng 9,9ha, vốn đầu tư hơn 1.060 tỷ đồng (gần 50 triệu USD).

Cả 3 dự án nhà ở xã hội này đều gắn với 3 khu công nghiệp mà các công ty con của Foxconn đã rót vốn đầu tư, gồm khu công nghiệp Quế Võ, khu công nghiệp Vân Trung và khu công nghiệp Bình Xuyên. (Xem thêm)

Onsen Fuji muốn làm dự án du lịch biển nghìn tỷ ở Hà Tĩnh

Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), dự án có diện tích 66,15ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 952 tỷ đồng do Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Onsen Fuji làm chủ đầu tư.

Khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa dự kiến được xây dựng tại thôn Đông Văn, xã Thạch Văn và thôn Toàn Thắng, xã Thạch Trị.

Ranh giới cụ thể: phía đông giáp Biển Đông, phía nam giáp địa giới hành chính xã Thạch Hội, phía tây giáp đất cồn cát chưa sử dụng và đất ở của các hộ dân, phía bắc giáp vũng quy hoạch nuôi trồng thủy sản xã Thạch Trị.

Quy mô đầu tư dự án như sau: tại các lô đất ký hiệu DVT-01, DVT-02 sẽ xây dựng khu khách sạn du lịch cung cấp các căn hộ du lịch nghỉ dưỡng do Wyndham Hotel Group (Mỹ) quản lý với khoảng 1.000 phòng và các khu thương mại dịch vụ cung cấp dịch vụ vui chơi, giải trí…;

Cùng với đó đầu tư xây dựng khu shoptel cung cấp các lô nhà thương mại, dịch vụ kết hợp lưu trú, du lịch nghỉ dưỡng với khoảng 500 lô do Wyndham Hotel Group quản lý.

Tại các lô đất ký hiệu DVS-01, DVS-02, DVS-03 sẽ đầu tư xây dựng khu biệt thự du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với hơn 300 căn do Wyndham Hotel Group quản lý; xây dựng khu shoptel cung cấp các lô nhà thương mại, dịch vụ kết hợp lưu trú, dịch vụ nghỉ dưỡng với khoảng 200 lô; xây dựng các khu thương mại dịch vụ cung cấp các dịch vụ vui chơi, giải trí, nhà hàng…

Còn tại các lô đất ký hiệu DV-01, DV-02, DV-03, DV-04, DV-05, DV-06, DT-01, DT-02, chủ đầu tư xây dựng khu shoptel cung cấp các lô nhà thương mại, dịch vụ kết hợp lưu trú, du lịch nghỉ dưỡng với khoảng hơn 600 lô do Wyndham Hotel Group quản lý. (Xem thêm)

Ecopark đề xuất được dùng đất chợ để xây lại khu Thành Công

Theo đề xuất của Ecopark, vị trí khu vực nghiên cứu dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập tập thể Thành Công có quy mô diện tích 23ha, trong đó gồm 72 chung cư và 1,2ha nhà liền kề xen kẽ với chung cư không rõ về pháp lý.

Ecopark cho biết hiện trạng khu vực nghiên cứu có nhiều nhà phố có điều kiện pháp lý không rõ ràng xen lẫn trong khu vực tập thể khiến cho việc tập trung đất đai để triển khai xây dựng mới trở nên khó khăn.

Về phương án thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Thành Công, Ecopark đề xuất sử dụng khu vực chợ Thành Công để khởi động dự án vì khu vực này có nhiều thuận lợi. Cụ thể, việc sử dụng khu vực chợ sẽ có ngay khoảng 3.000m2 để khởi động dự án mà không phải tổ chức tạm cư.

Dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Thành Công sẽ bao gồm các hạng mục như nhà ở tái định cư, nhà ở thưởng mại thấp tầng, nhà ở hiện hữu, công trình công cộng, thương mại, trường học, công viên cây xanh, mặt nước.

Như vậy, với phương án đề xuất của Ecopark thì khu vực hồ Thành Công sẽ không bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án. (Xem thêm)

Vụ 200 căn biệt thự 'xây chui, bán lủi': Hưng Yên kiểm điểm cán bộ vi phạm

Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên cho biết vừa qua, Thanh tra tỉnh đã tổ chức hội nghị công bố kết luận thanh tra, qua đó đã chỉ ra các sai phạm liên quan đến trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương và phía chủ đầu tư dự án Vườn Vạn Tuế là Công ty Cổ phần thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng.

"Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là yêu cầu các cơ quan và cá nhân có liên quan đến sai phạm, điển hình như các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, UBND huyện Văn Giang, UBND xã Phụng Công phải tiến hành kiểm điểm", ông Cử nói.

Ông Cử nhấn mạnh trách nhiệm của các sở ban ngành đến đâu, của tập thể, cá nhân như thế nào thì sẽ kiểm điểm, xử lý đến đấy.

Cũng theo ông Cử, sau những vi phạm ở dự án Vườn Vạn Tuế, tỉnh đã rút ra được một số kinh nghiệm. Thứ nhất là về mặt thủ tục pháp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa hướng dẫn kịp thời để cho nhà đầu tư thực hiện thủ tục. Trong quá trình thực hiện thủ tục cũng phát sinh các vấn đề vướng mắc, khó khăn, các sở, ngành cũng chưa tập trung bàn, họp để tháo gỡ.

Thứ hai là khi xảy ra vi phạm chậm phát hiện kịp thời, khi phát hiện cũng không có biện pháp xử lý ngay, triệt để dẫn đến các vi phạm. (Xem thêm)

FLC muốn tài trợ kinh phí lập quy hoạch khu đô thị sinh thái Thiên Cầm 

UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã có văn bản số 369 đề nghị được tài trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị, du lịch sinh thái Thiên Cầm giai đoạn 1 tại thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên.

Trước đề xuất của FLC, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thực trạng khu đất doanh nghiệp đề xuất lập quy hoạch chi tiết xây dựng, xác định cụ thể hiện trạng sử dụng đất, sự phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh và các quy hoạch liên quan, nhu cầu phát triển đô thị và du lịch sinh thái của thị trấn Thiên Cầm;

Đồng thời đề xuất quy mô lập quy hoạch chi tiết xây dựng, trình tự thực hiện theo quy định của pháp luật; tham mưu, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 1/7. (Xem thêm)

Thanh Hoá: Kỳ lạ KĐT Đông Hương hơn một thập kỷ vẫn chưa xong thủ tục

Dự án Khu đô thị mới (KĐT) Đông Hương tại thành phố Thanh Hóa từ năm 2009, nhưng đến nay, Chủ đầu tư là Công ty Công Thanh vẫn chưa được bàn giao mặt bằng để xây dựng kinh doanh vì nhiều lý do.

Theo đó, ngày 12/3/2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 754/QĐ-UBND do Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến ký, về việc giao đất có thu tiền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh tại Khu đô thị mới Đông Hương, thành phố Thanh Hóa.

Quyết định trên phê duyệt cho Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh 17.963m2 đất để sử dụng vào mục đích xây dựng Khách sạn 5 sao, Văn phòng làm việc, Văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại, tại xã Đông Hương, thành phố Thanh Hóa.

Đáng chú ý, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở tài nguyên Môi trường thông báo cho Công ty Công Thanh thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất và UBND thành phố Thanh Hóa phải kiểm tra giám sát việc sử dụng đất, đầu tư xây dựng và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Công ty Công Thanh tại dự án trên.

Tuy nhiên, mãi đến ngày 3/5/2017, Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn đã có văn bản số 4651/UBND-CN về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch dự án Khu trung tâm thương mại – văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao Công Thanh. Như vậy, sau 8 năm, pháp lý của dự án trên lại được bắt đầu lại từ đầu bằng việc điều chỉnh cục bộ.

Sau đó, Công ty Công Thanh đã ráo riết thực hiện thủ tục để hoàn tất thủ tục triển khai dự án nói trên. (Xem thêm)

Siết dự án nhà ở cao tầng tại trung tâm TP. HCM

Theo đề án “Xây dựng chương trình nhà ở giai đoạn 2021 - 2030” mà Sở Xây dựng TP. HCM mới trình UBND Thành phố, thì đến năm 2025 các quận trung tâm sẽ hạn chế phát triển các dự án nhà ở cao tầng mới nếu chưa được đầu tư hệ thống hạ tầng tương ứng.

Đối với khu vực trung tâm Quận 1, Quận 3, Thành phố không chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển nhà ở nếu không có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng; ưu tiên tăng chỉ tiêu dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng… cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tạo lập, xác định rõ quỹ đất phát triển nhà ở theo dự án của từng giai đoạn 5 năm.

Đối với các quận 4, 5, 6, 11, Phú Nhuận có dân số giảm trong 10 năm trở lại đây sẽ hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp. Riêng các quận 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để kêu gọi đầu tư dự án nhà ở tại những khu vực có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp.

Bên cạnh đó, 6 quận nội thành phát triển gồm 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân sẽ ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn như tuyến metro số 1, các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng, ưu tiên phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo.

Chưa được giao đất, cao ốc 24 tầng vẫn sừng sững mọc lên giữa Thủ đô

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP. Hà Nội) vừa có văn bản gửi UBND quận Bắc Từ Liêm yêu cầu cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến dự án xây dựng nhà ở để bán, văn phòng cho thuê kết hợp dịch vụ thương mại (dự án An Bình Tower) tại thửa đất BTL 0164 phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm.

Liên quan đến dự án, cơ quan này đang xác minh tin báo về tội phạm của Kiểm toán Nhà nước.

Kết quả xác minh của Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết, từ tháng 9/2007, UBND TP. Hà Nội có công văn chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Công ty Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội) được nghiên cứu lập và thực hiện “dự án xây dựng nhà ở để bán, văn phòng cho thuê kết hợp dịch vụ thương mại” trên diện tích đất doanh nghiệp đang quản lý tại thửa đất BTL 0164 xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) và công ty có trách nhiệm chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Cũng theo Cơ quan cảnh sát điều tra, đến nay chủ đầu tư chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất phi nông nghiệp sang đất ở, UBND TP chưa có quyết định cho phép chuyển đổi mục đích từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội, chưa giao đất cho chủ đầu tư.

Thế nhưng, từ năm 2014 đến quý I/2016, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Tây Hồ (Công ty Đầu tư và phát triển Tây Hồ) - đơn vị liên doanh, liên kết thay thế Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ tổng hợp An Bình đã triển khai xây dựng toà nhà 24 tầng trên khu đất, ký hợp đồng bán căn hộ, bàn giao cho người mua nhà vào sử dụng vi phạm nghị định số 182 (năm 2004) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Tin mới lên