Bất động sản

BĐS tuần qua: Loạt sai phạm tại TCT Địa ốc Sài Gòn, chủ dự án casino Hồ Tràm xin lùi tiến độ

(VNF) - Hầu hết các dự án có bóng dáng của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn bị thanh tra đều chậm tiến độ thực hiện và thi công, đồng thời doanh nghiệp tùy tiện sử dụng vốn nhà nước, quản lý vốn chưa chặt... dẫn đến khó thu hồi nợ 1.473 tỷ đồng. Đây là thông tin về thị trường bất động sản được chú ý nhất trong tuần qua.

BĐS tuần qua: Loạt sai phạm tại TCT Địa ốc Sài Gòn, chủ dự án casino Hồ Tràm xin lùi tiến độ

Thanh tra TP. HCM vạch loạt sai phạm tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn

Thanh tra TP. HCM vạch loạt sai phạm tại Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn

Theo kết luận của Thanh tra TP. HCM, trong năm 2017, 2018, doanh thu của Tổng công ty chỉ đạt lần lượt 545,8 tỷ đồng (đạt 76,9%) và 555,4 tỷ đồng (đạt 72,46%) kế hoạch năm do UBND TP giao. Trong khi đó, chi phí thực hiện trong 2 năm đều vượt kế hoạch (141,34% và 158,42%).

Kết quả thanh tra cũng cho thấy Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn chưa áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi nợ và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tại thời điểm thanh tra (ngày 20/5/2019), doanh nghiệp còn 1.473,88 tỷ đồng nợ phải thu, chưa thu hồi được, trong đó có 304,43 tỷ đồng là cổ tức, lợi nhuận được chia, tạo điều kiện cho các đơn vị khác chiếm dụng vốn.

Qua thanh tra điển hình 6 dự án gồm: dự án căn hộ Felisa Riverside tại số 99 Bến Bình Đông, phường 11, quận 8; dự án tại 557 Bến Bình Đông, phường 13, quận 8; dự án trung tâm thương mại Bình Đăng tại Quốc lộ 50, phường 6, quận 8; dự án đầu tư xây dụng khu cao ốc văn phòng tại số 257 Điện Biên Phủ - quận 3; dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư An Hội, Phường 14 và dự án chung cư - Nguyễn Kim B, quận 10, kết luận thanh tra ghi nhận hầu hết đều chậm tiến độ thực hiện dự án và chậm tiến độ thi công.

Đáng chú ý có một số dự án từ khi phê duyệt dự án đến nay đã hơn 10 năm nhưng chưa được đưa vào khai thác sử dụng, ảnh hưởng đến nguồn vốn doanh nghiệp, gây lãng phí tài sản nhà nước, lãng phí đất đai và có những sai phạm, hạn chế, thiếu sót trong việc chỉ định thầu không đúng quy định, tự thực hiện các gói thầu dự án không đảm bảo năng lực thực hiện; chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng. (Xem thêm)

Vướng đại dịch Covid-19, chủ dự án Hồ Tràm 4 tỷ USD lại xin lùi tiến độ

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết khó khăn đối với dự án Hồ Tràm của Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm.

Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí phức hợp Hồ Tràm gồm 6 phân khu trong đó quy định tiến độ đưa vào hoạt động của khu C2 là tháng 12/2019 (khu C gồm C1, C2 và hiện C1 đang hoạt động).

Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty Dự án Hồ Tràm kiến nghị tỉnh lùi thời gian hoàn thành và đi vào hoạt động khu C2 chậm nhất vào cuối quý IV/2020.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận đề nghị của Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm và giao tỉnh này điều chỉnh tiến độ thực hiện khu C2 và điều chỉnh thời hạn về điều kiện của nhà đầu tư đối với hoạt động khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. (Xem thêm)

Tạm ứng 17 tỷ đồng để phá dỡ giai đoạn II công trình 8B Lê Trực

UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết dự kiến sẽ phá dỡ tầng 18 của tòa nhà 8B Lê Trực vào giữa tháng 5 tới, với chi phí tạm tính khoảng 17 tỷ đồng. Việc tháo dỡ thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội và đến nay đã cơ bản đầy đủ các thủ tục.

Hiện quận Ba Đình đã ban hành kế hoạch tổ chức cưỡng chế để xử lý giai đoạn II công trình sai phạm 8B Lê Trực, quyết định thành lập các tổ công tác phục vụ cưỡng chế, làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam để xây dựng biện pháp, dự toán kinh phí thực hiện tháo dỡ giai đoạn II.

Nguồn kinh phí tạm tính để phá dỡ giai đoạn II tòa nhà 8B Lê Trực là khoảng 17 tỷ đồng, tạm ứng từ ngân sách quận.

UBND quận Ba Đình cũng đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép chỉ định thầu đơn vị thi công tháo dỡ là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam. Dự kiến thời gian lắp dựng cẩu tháp, vận thăng từ ngày 22/4 tới 12/5 và tổ chức tháo dỡ giai đoạn II tòa nhà 8B Lê Trực từ ngày 15/5. (Xem thêm)

'Tuýt còi' dự án nghỉ dưỡng 5 sao bán khách sạn thành nhà ở thương mại

Sở Xây dựng Bình Thuận đã có kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản (BĐS), phòng chống rửa tiền đối với 14 dự án đầu tư xây dựng đô thị, dự án nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh.

Trong số này có dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né (phường Mũi Né, TP. Phan Thiết) do Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ Investment). Theo đó, thời điểm thanh tra chủ đầu tư đã san nền, xây dựng hệ thống điện, đường giao thông tạm phục vụ công tác khảo sát, thi công 1 cọc thử tải…

Được biết, tại Quyết định số 9725/QĐ-UBND ngày 21/12/2018 của UBND TP. Phan Thiết về việc phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất 45.876,4m2 tại phường Mũi Né, TP. Phan Thiết và hợp đồng thuê đất số 20/HĐTĐ ngày 28/1/2019 giữa IDJ Investment và UBND tỉnh Bình Thuận là đất thương mại, dịch vụ.

“Đây không phải là dự án xây dựng nhà ở thương mại, việc huy động vốn tại dự án này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở, việc mua bán căn hộ không đúng theo nguyên tắc mua bán nhà, công trình xây dựng tại Khoản 1, Điều 19, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Qua kiểm tra hồ sơ, Sở Xây dựng Bình Thuận phát hiện quá trình thực hiện dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né, chủ đầu tư và các đơn vị môi giới chưa thực hiện đầy đủ các quy định về kinh doanh BĐS, trong đó Công ty Cổ phần Dịch vụ và Đầu tư BĐS Cland và Công ty Cổ phần BĐS Khải Hoàn Land chưa thực hiện các quy định về phòng, chống rửa tiền.

'Không có chuyện bán tháo bất động sản, giá sẽ tăng sau dịch'

Từ giữa tháng 3 trở lại đây, trên các diễn đàn bất động sản, trang giao dịch buôn bán liên tục xuất hiện những thông tin bán “cắt lỗ” căn hộ, đất nền do ảnh hưởng dịch Covid-19. 

Trao đổi về vấn đề này tại buổi họp trực tuyến công bố báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam quý I/2020, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh cho biết, theo nghiên cứu ở một số thị trường tương đồng với Việt Nam, trong giai đoạn dịch bệnh hoặc khủng hoảng thì lượng giao dịch sẽ giảm, song thị trường sẽ phục hồi rất nhanh và ổn định sau 2-3 quý sau, còn giá bất động sản thường có xu hướng giữ giá thậm chí sẽ tăng.

“Xu hướng này bắt nguồn từ việc giá bất động sản đã tăng khá lớn từ các giai đoạn trước nên chi phí đầu tư vào của chủ đầu tư và người mua khá cao, do đó họ sẽ không giảm giá giai đoạn này”, ông Anh cho hay.

Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định: “Chúng tôi không nhìn thấy xu hướng bán tống, bán tháo mà nhà đầu tư sẽ giữ giá và có thể tăng nhẹ, còn giao dịch sẽ phục hồi dần dần”. (Xem thêm)

HoREA ‘xin’ ngân hàng giảm 30% lãi vay trong 1 năm cho các DN địa ốc

Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp bất động sản được giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 1 năm…

Theo HoREA, trước khi Chính phủ có Nghị định 41/2020, Nghị quyết 41/2020 và Nghị quyết 42/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ra Thông tư 01/2020 (ngày 13/3). Thông tư này chưa xác định bất động sản là lĩnh vực chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nên chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng.

Vì lẽ đó, trong 2 tháng qua, hầu như các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về việc cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn...

Người vay mua nhà cũng chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. (Xem thêm)

Nhộn nhịp chuẩn bị đầu tư nhiều dự án bất động sản ở tỉnh lẻ

Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Tiền Giang... là những địa phương vừa mời gọi đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế vào loạt dự án mới. Việc đấu thầu rộng rãi sẽ giúp các địa phương này lựa chọn được các nhà đầu tư thực sự có năng lực và nguồn lực tài chính, đồng thời hạn chế được các nhà đầu tư thứ cấp, năng lực yếu.

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định về việc phê duyệt danh mục 3 dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh năm 2020 và kêu gọi nhà đầu tư thực hiện 3 dự án.

Theo đó, dự án Khu đô thị Hadaland Bảo Ninh Green City tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, có diện tích đất quy hoạch 26ha; tổng mức đầu tư dự kiện 1.800 tỷ đồng. Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng khu đô thị mới với các chức năng gồm nhà ở, công trình thương mại, dịch vụ…

Tiếp đó là dự án tổ hợp thương mại dịch vụ và nhà ở Đồng Hới tại đường Hữu Nghị, TP. Đồng Hới (tên thương mại Đồng Hới Complex). Dự án có diện tích đất quy hoạch 58.150m2, tổng mức đầu tư dự kiến 800 tỷ đồng. Mục tiêu quy hoạch dự án là xây dựng khu nhà ở liền kề thấp tầng và nhà chung cư cao tầng kết hợp các chức năng hỗn hợp.

Cuối cùng là dự án khu đô thị Eurowindow Grand City tại phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới. Dự án có diện tích đất quy hoạch 15.000m2, tổng mức đầu tư dự kiến 440 tỷ đồng. Theo định hướng quy hoạch, khu đất sẽ được xây dựng khu đô thị hẹp, bao gồm nhà ở liền kề, nhà ở kết hợp kinh doanh, công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông. (Xem thêm)

Đà Nẵng sắp có thêm 3 khu công nghiệp gần 14.000 tỷ đồng

Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng vừa có thông báo mời sơ tuyển 3 dự án khu công nghiệp cùng nằm tại huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng với tổng chi phí thực hiện gần 14.000 tỷ đồng.

Dự án thứ nhất sơ tuyển nhà đầu tư là khu công nghiệp Hoà Ninh tại xã Hoà Ninh, huyện Hòa Vang có diện tích hơn 400ha, tổng chi phí thực hiện dự án hơn 6.083 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 2.578 tỷ đồng).

Dự án thứ hai là khu công nghiệp Hoà Nhơn tại xã Hoà Nhơn, huyện Hòa Vang có diện tích 360ha, tổng chi phí làm dự án 5.657 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 2.500 tỷ đồng).

Thứ ba là dự án khu công nghiệp Hoà Cầm - Giai đoạn 2 tại phường Hoà Thọ Tây, quận Cẩm Lệ và xã Hoà Nhơn, huyện Hòa Vang. Dự án có diện tích 120ha, tổng chi phí thực hiện hơn 2.232 tỷ đồng. (Xem thêm)

Tin mới lên