Bất động sản

BĐS tuần qua: Người Trung Quốc sở hữu nhiều lô đất ven biển, Bầu Hiển muốn làm siêu dự án 5.600ha

(VNF) - Người Trung Quốc sở hữu các lô đất biên giới, ven biển tại Đà Nẵng; Khách hàng Cocobay Đà Nẵng đối thoại với Thành Đô; Hà Nội nghiên cứu xây trung tâm thương mại ngầm tại Mỹ Đình; Bầu Hiển muốn làm siêu dự án 5.600ha tại Thái Nguyên; Khách sạn Mường Thanh Phú Quốc hoạt động dù chưa có giấy phép xây dựng; Aeon Mall sẽ làm bãi đỗ xe kết hợp với trung tâm thương mại.... Đây là những thông tin bất động sản thu hút sự quan tâm trong tuần qua.

BĐS tuần qua: Người Trung Quốc sở hữu nhiều lô đất ven biển, Bầu Hiển muốn làm siêu dự án 5.600ha

Bầu Hiển muốn làm siêu dự án 5.600ha tại Thái Nguyên

Người Trung Quốc sở hữu nhiều lô đất ven biển ở Đà Nẵng

Gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, cử tri TP. Hải Phòng bày tỏ quan ngại về tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và thu mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh hiện nay.

Trả lời về việc người Trung Quốc sở hữu đất có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc phòng cho biết từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc.

Những cá nhân, doanh nghiệp này đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND thành phố Đà Nẵng tại các vị trí: dọc các khu đô thị ven biển; ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn; khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang, quận Sơn Trà.

Cụ thể, về cá nhân, có 2 trường hợp: Ông Liang Zhipei (Lương Chí Bồi), sinh năm 1975, quốc tịch Trung Quốc, từng là Kế toán trưởng, nay là Trưởng bộ phận giám sát công trình Công ty TNHH ĐT&PT Silver Shores, trụ sở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn; Ông Chiu Cheng Tai (A Chiu), sinh năm 1959, quốc tịch Đài Loan, Phó Giám đốc Công ty TNHH Pu Fong, trụ sở tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.

Hai trường hợp trên, từ năm 2011 đến 2015 đã đầu tư tiền cho 08 người (trong đó 06 người Việt gốc Hoa) đứng tên mua 84 lô đất với diện tích khoảng 20.000 m2, giá trị giao dịch khoảng trên 100 tỷ đồng.

Còn về doanh nghiệp, Bộ Quốc phòng cho biết có 7 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc sở hữu một số lô đất ven biển và thuê đất 50 năm, gồm: Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nguyên Thịnh Vượng, năm 2014 đã nhận quyền sử dụng đất đối với 10 lô đất trên mặt đường Hoàng Sa; Công ty TNHH Thương mại du lịch và dịch vụ SiiverPark, đứng tên mua 04 lô đất ở dải đất ven tường rào sân bay Nước Mặn; Công ty TNHH Silver Sea Triệu Nghiệp, đứng tên sử dụng 02 lô đất ở dải đất ven tường rào sân bay Nước Mặn.

Công ty TNHH Thương mại Du lịch & Dịch vụ Hoàng Gia Trung, sử dụng 13 lô đất mặt đường Võ Nguyên Giáp; Công ty TNHH MTV Golden Wynn Đà Nẵng, sử dụng 01 lô đất ở mặt đường Hoàng Sa; Công ty TNHH Thương mại - Du lịch và dịch vụ V.N. Holiday, doanh nghiệp đã chuyển nhượng mua lại từ các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam sở hữu 20 lô đất ở dải đất ven tường rào sân bay Nước Mặn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

Công ty TNHH Silver Shores Hoàng Đạt, được UBND thành phố Đà Nẵng cho thuê 200.000 m2 đất, thời gian thuê 50 năm (đến ngày 21/6/2056), đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 21/3/2017.

Để sở hữu các lô đất ở Đà Nẵng, người Trung Quốc thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, họ góp vốn thấp hơn, sau một thời gian, bằng nhiều cách phía Trung Quốc tăng vốn giành quyền điều hành doanh nghiệp; do phía Việt Nam tài sản góp vốn là đất nên quyền sở hữu các lô đất rơi vào tay người Trung Quốc.

Cách thức khác để sở hữu lô đất ở Đà Nẵng, là người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người Việt gốc Hoa) để mua đất. Cơ quan chức năng đã phát hiện một số trường hợp kinh tế khó khăn nhưng đứng tên sở hữu nhiều lô đất (10 đến 12 lô...). Hầu hết các lô đất đều ở vị trí đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.

'Đánh lớn' vào Hà Tĩnh, tập đoàn TH xin đầu tư loạt dự án

Sau quá trình khảo sát thực tế, Tập đoàn TH đã đề xuất với UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện đầu tư 2 dự án du lịch nghỉ dưỡng và 1 dự án nông nghiệp trên địa bàn.

Theo đó, TH đã đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh thực hiện 3 dự án gồm: Dự án nghỉ dưỡng và du lịch lòng hồ Kẻ Gỗ; Dự án trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ kết hợp du lịch trang trại; Dự án trồng dược liệu dưới tán rừng kết hợp du lịch trang trại.

Bên cạnh đó, tập đoàn TH dự kiến sẽ liên kết với các hộ nông dân thông qua mô hình hợp tác xã chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Hà Tĩnh.

Để việc triển khai thực hiện các bước tiếp theo, tập đoàn TH đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh cung cấp quy hoạch và hiện trạng đất thuộc khu vực khảo sát dự án. (Xem thêm)

Hà Nội: Nghiên cứu xây trung tâm thương mại ngầm dưới quảng trường sân Mỹ Đình

Thành ủy Hà Nội đã ban hành thông báo kết luận của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Quận ủy Nam Từ Liêm.

Theo kết luận, Bí thư Thành ủy đồng ý về chủ trương cho phép quận Nam Từ Liêm triển khai mô hình chợ đêm tại khu vực Mễ Trì gắn với một phần (theo tỷ lệ 5%) ô đất cây xanh Mễ Trì làm khu công cộng dịch vụ, khai thác lợi thế có khoảng 10.000 người Hàn Quốc cư trú trên địa bàn.

Đáng chú ý, Bí thư Thành ủy cũng đồng ý về chủ trương và cho phép đầu tư cải tạo, hoàn thiện quảng trường Mỹ Đình thành quảng trường văn hóa - thể thao - thanh niên của thành phố tại ô đất 5B2 và không gian xung quanh.

"Nghiên cứu thêm phương án xây dựng trung tâm thương mại ngầm quy mô lớn dưới quảng trường sân vận động Mỹ Đình nhằm phát huy tối đa lợi thế, thế mạnh và tạo thành hệ thống đồng bộ gồm trung tâm thể thao - văn hóa, quảng trường, khách sạn và khu mua sắm xung quanh khu vực Trung tâm Thể thao quốc gia Mỹ Đình", Bí thư đề nghị. (Xem thêm)

Bầu Hiển muốn làm siêu dự án 5.600ha tại Thái Nguyên

Tập đoàn T&T và đơn vị tư vấn lập quy hoạch đã có báo cáo tóm tắt đồ án quy hoạch khu đô thị sinh thái Đông Tam Đảo với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. 

Theo báo cáo, tổng thể diện tích quy hoạch xây dựng khu đô thị sinh thái này là 5.600ha, trong đó đất phát triển chương trình sinh thái 2.410ha (chiếm 42,7%); phát triển dân cư 1.946ha (chiếm 34,5%); phát triển công dân 290ha (chiếm 5,1%); chương trình kinh doanh 212ha (chiếm 3,8%) và phần đường bộ giao thông 786ha (chiếm 13,9%).

Về ý tưởng, siêu dự án được quy hoạch để hình thành "không gian nghỉ dưỡng Bắc Âu giao lưu với văn hóa Việt".

Khu đô thị được quy hoạch kết nối về hạ tầng, không gian văn hóa với vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), nhằm phát triển kinh tế xã hội của xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. (Xem thêm)

Mường Thanh Phú Quốc hoạt động dù chưa có giấy phép xây dựng

Đây là một nội dung được đề cập đến trong kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011-2017 của Thanh tra Chính phủ.

Khách sạn 5 sao Mường Thanh Phú Quốc tại tổ 3, ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư. Theo Thanh tra Chính phủ, dự án này đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng hiện nay chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng.

Được biết, năm 2015, Tập đoàn Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thản đã đầu tư xây khách sạn Mường Thanh Luxury Phú Quốc 5 sao với hơn 400 phòng ở Bãi Dài.

Mường Thanh đã mua lại 1 lô đất thuộc Dự án Sonasea Villas & Resort do CTCP CEO Group là chủ đầu tư để xây dựng khách sạn Mường Thanh Phú Quốc. Sau hơn một năm xây dựng, tháng 12/2016 khách sạn đã đi vào hoạt động và thường xuyên đạt công suất khai thác 70%. (Xem thêm)

Khách hàng Cocobay Đà Nẵng đối thoại với Thành Đô 

Buổi đối thoại giữa khách hàng mua bất động sản tại dự án Cocobay Đà Nẵng và chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô và Ngân hàng tài trợ vốn đã chốt xong biên bản làm việc vào chiều 21/5. Biên bản có chữ ký của đại diện chủ sở hữu, đại diện phía Thành Đô và ngân hàng.

Tại buổi đối thoại, ban đại diện chủ sở hữu cho biết khoảng 470 nhà đầu tư đã uỷ quyền, yêu cầu chủ đầu tư và ngân hàng làm rõ nhiều nội dung.

Nội dung thứ nhất, nếu chọn phương án thanh lý thì bao giờ sẽ được nhận lại tiền.

Thứ hai, nếu chọn phương án nhận nhà hoặc chuyển đổi căn hộ condotel thành chung cư thì bao giờ nhận và lúc nào được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Thứ ba, nếu chọn phương án tiếp tục đồng hành cùng chủ đầu tư thì cơ sở nào để tin tưởng Thành Đô có thể trả được mức thu nhập cam kết 6%/năm.

Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư cũng yêu cầu ngân hàng khoanh nhóm nợ cho đến khi Thành Đô hoàn thành chi trả thu nhập cam kết còn nợ từ 2019 và thực hiện nghĩa vụ giải quyết quyền lợi. (Xem thêm)

Hà Nội đề nghị thu hồi và khôi phục điều tra 3 khu 'đất vàng' của TD Group

UBND TP. Hà Nội kiến nghị thu hồi và phục hồi điều tra sai phạm tại 3 khu "đất vàng" thuộc khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) của Công ty Cổ phần đầu tư Thuỳ Dương (TD Group) do chậm triển khai nhiều năm gây lãng phí tài nguyên đất và không có cơ sở pháp lý để cho phép nhà đầu tư tiếp tục triển khai.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, dự án đã được điều chỉnh quy hoạch và được tách ra thành 3 dự án: tòa nhà hỗn hợp, siêu thị, dịch vụ thương mại và căn hộ để ở; tổ hợp thương mại, dịch vụ công cộng hàng ngày, phòng khám đa khoa và công trình xã hội hóa khu chợ thương mại thấp tầng.

Năm 2011, UBND TP. Hà Nội đã giao 3 lô đất B9/CC1, B9/CC3 và C3/CC2 (khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy) với tổng diện tích 18.328m2 cho Công ty Cổ phần đầu tư Thùy Dương (TD Group) làm dự án tổ hợp bãi đỗ xe, phòng khám y tế, dịch vụ công cộng, trung tâm thương mại và xây dựng công trình hỗn hợp siêu thị, chợ, văn phòng cho thuê.

Dự án trên có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.229 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuê đất và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 51,2 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ quý IV/2015 đến quý I/2018.

Sau khi được giao dự án, TD Group đã liên danh với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico), lập ra Công ty Cổ phần Handico - Thùy Dương. Tuy nhiên, đến ngày 7/8/2015, Handico bất ngờ xin rút khỏi liên danh, và được UBND TP. Hà Nội chấp thuận. (Xem thêm)

Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư khu phức hợp đô thị Phương Trang gần 4.000 tỷ

Trong kỳ họp thứ 14, HĐND TP. Đà Nẵng đã thông qua nhiều tờ trình về đầu tư các dự án giao thông, y tế, đô thị, môi trường.

Đáng chú ý, HĐND TP. Đà Nẵng đã thống nhất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu phức hợp đô thị, thương mại cao tầng Phương Trang (khu C5b, E, F) tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) với diện tích đất sử dụng hơn 266.000m2 (trong đó hơn 150.000m2 đất ở chia lô liền kề, 1.259 căn). Dự án này có tổng mức đầu tư là 3.990 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang làm chủ đầu tư.

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng khu đô thị với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch; bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở; chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở… (Xem thêm)

Tin mới lên