Bất động sản

BĐS tuần qua: Nóng quy hoạch sông Hồng, BRG muốn đầu tư loạt dự án ở Thái Nguyên

(VNF) - Tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga muốn đầu tư loạt dự án ở Thái Nguyên; Quy hoạch sông Hồng: Bỏ 2 khu dân cư, bảo vệ hành lang thoát lũ; Thanh Hóa: Chưa chấp thuận đầu tư sân golf hơn 72ha tại Quảng Xương; Sai phạm trong quản lý tiền đất, Kiểm toán Nhà nước chỉ tên hàng loạt địa phương; Thanh tra Chính phủ công bố kết quả kiểm tra về khu đô thị mới Thủ Thiêm...

BĐS tuần qua: Nóng quy hoạch sông Hồng, BRG muốn đầu tư loạt dự án ở Thái Nguyên

Tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga muốn đầu tư loạt dự án ở Thái Nguyên

Quy hoạch sông Hồng: Bỏ 2 khu dân cư, bảo vệ hành lang thoát lũ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội cho ý kiến về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Bộ NN&PTNT nhất trí với nhiều nội dung của quy hoạch, nhưng cắt bỏ một số đề xuất của thành phố về cao trình 2 tuyến đường ven sông, không nhất trí giữ lại hai khu dân cư Bắc Cầu và Bồ Đề…

Đối với giải pháp quy hoạch về đê và đường ven sông (nâng cấp đê hiện có thành đường chính khu vực và xây dựng 2 tuyến đường ven sông, chạy dọc sông tại các khu vực dân cư được tồn tại, bảo vệ và các khu vực được nghiên cứu xây dựng mới), Bộ NN&PTNT thống nhất với đề nghị của thành phố về việc nâng cấp đê hiện có đảm bảo an toàn chống lũ, kết hợp đáp ứng yêu cầu về giao thông.

Đồng thời thống nhất giải pháp quy hoạch xây dựng về đường giao thông trên nguyên tắc không thu hẹp không gian thoát lũ, không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới. Tuy nhiên, theo bản đồ quy hoạch, phương án đề xuất xây dựng 2 tuyến đường ven sông được kết hợp chức năng là đê ngăn lũ với cao trình mặt đường +12,0 (trên mức lũ báo động 3) tương tự việc hình thành đê bối mới là không phù hợp.

Đối với đề nghị không di dời các khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề, Bộ NN&PTNT cho rằng, Quy hoạch 257 đã xác định một số khu dân cư nằm sát bờ sông, thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn, khi có lũ cần phải di dời, trong đó có khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề.

Mặt khác, trong quá trình thành phố rà soát điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết trên địa bàn, đã xác định các khu dân cư trên cần từng bước di dời để đảm bảo an toàn. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị thực hiện theo Quy hoạch 257. (Xem thêm)

Thanh tra Chính phủ công bố kết quả kiểm tra về khu đô thị mới Thủ Thiêm

Theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình kiểm tra, rà soát, đơn vị này đã được UBND TP. HCM cung cấp một số bản đồ do nguyên Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Viết Thanh lưu giữ về quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Các bản đồ này được đóng dấu của kiến trúc sư trưởng, Sở Xây dựng và Công ty Dịch vụ Phát triển đô thị. Qua kiểm tra, đối chiếu, bản đồ do ông Võ Viết Thanh lưu giữ với 2 bản đồ mà các cơ quan của UBND TP. HCM cung cấp cho Thanh tra Chính phủ trùng khớp với nhau về ranh quy hoạch.

Thanh tra Chính phủ xác định có cơ sở khẳng định các bản đồ do nguyên Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Viết Thanh lưu giữ và 2 bản đồ do các cơ quan của UBND TP. HCM cung cấp cho Thanh tra Chính phủ là bản đồ xác định về ranh quy hoạch được UBND TP. HCM trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 367 về phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Về xác định vị trí, ranh giới, số thửa đất của các hộ dân 5 khu phố thuộc 3 phường, Thanh tra Chính phủ cho hay: căn cứ vào bản đồ hành chính quận 2 (cũ) để xác định số thửa, vị trí, ranh giới nhà, đất của từng hộ dân, trên cơ sở đối chiếu với ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, có thể thấy vị trí, ranh giới nhà, đất của các hộ dân khiếu nại đều nằm trong ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đối với tài liệu các hộ dân 5 khu phố thuộc 3 phường căn cứ để khiếu nại, Thanh tra Chính phủ xác định việc người dân căn cứ vào những việc làm không đúng của UBND TP. HCM về sơ đồ khu vực không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn quận 2 kèm theo Quyết định số 255/QĐ-UB-QLĐT để khiếu nại về ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm là không có cơ sở để xem xét giải quyết.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16/9/1998 của kiến trúc sư trưởng TP. HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2000 có sự sai sót về vị trí giới hạn.

Việc làm không đúng, thiếu trách nhiệm nêu trên của kiến trúc sư trưởng TP. HCM không làm thay đổi thực tế ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được kết luận tại Thông báo số 1483/TB-TCT ngày 4/9/2018 của Thanh tra Chính phủ.

“Việc xác định ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận và được công khai tại Thông báo số 1483/TB-TTCP cho thấy chỉ có khoảng 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2 (nay là khu phố 1, phường An Khánh, thành phố Thủ Đức theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. HCM). (Xem thêm)

Tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga muốn đầu tư loạt dự án ở Thái Nguyên

Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên mới đây đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn BRG về việc đề xuất thực hiện một số dự án tại TP. Thái Nguyên và TX. Phổ Yên. 

Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG bà Nguyễn Thị Nga cho biết, BRG hiện là tập đoàn đa ngành nghề, cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ trong các lĩnh vực như: golf, bất động sản, khách sạn, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, sản xuất công, nông nghiệp công nghệ cao. Đơn vị có khoảng 22.000 người lao động.

Trên cơ sở đó, phía tập đoàn đề xuất thực hiện một số dự án liên quan đến xây dựng khu đô thị dịch vụ thương mại, khu nghỉ dưỡng và sân golf, khu nhà ở cao tầng, thấp tầng, khu nhà ở hỗn hợp, khu đô thị sinh thái trên địa bàn TP. Thái Nguyên và TX. Phổ Yên. Tập đoàn mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm về quy hoạch đô thị đối với tỉnh Thái Nguyên... (Xem thêm)

Thanh Hóa: Chưa chấp thuận đầu tư sân golf hơn 72ha tại Quảng Xương

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn về đề xuất đầu tư dự án sân golf quốc tế cao cấp tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương của Công ty Cổ phần sân gôn BRG. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đồng ý với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chưa xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án sân golf quốc tế cao cấp tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương của Công ty Cổ phần sân gôn BRG.

Cùng với đó, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cũng giao UBND huyện Quảng Xương chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát nguồn gốc đất tại địa điểm đề xuất thực hiện dự án nêu trên, xác định rõ việc liền vùng, liền thửa đối với phần diện tích đất do UBND xã Quảng Nham quản lý đủ hay không đủ điều kiện để thực hiện dự án sân golf độc lập.

Liên quan đến đề xuất trên của Công ty sân gôn BRG, trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (NN&PTNT) cho biết, khu vực đầu tư dự án sân golf tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương có tổng diện tích 72,56 ha, được xác định tại tờ bản đồ số 04, bản đồ địa chính xã Quảng Nham, đo vẽ năm 1994.

Khu đất bao gồm đất ở, đất bằng trồng cây hàng năm khác, đất lâm nghiệp của hộ gia đình, cá nhân sử dụng; một phần đất lâm nghiệp, đất mặt nước chuyên dùng, đất bãi rác, đất giao thông do UBND xã Quảng Nham quản lý.

Sở NN&PTNT cho biết thêm theo quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2025 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3230/QĐ-UBND ngày 29/8/2017, khu vực đề xuất thực hiện dự án có khoảng 21,4ha quy hoạch đất rừng sản xuất, còn lại khoảng 51,1ha là đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp. (Xem thêm)

Sai phạm trong quản lý tiền đất, Kiểm toán Nhà nước chỉ tên hàng loạt địa phương

Kiểm toán Nhà nước cho biết một số địa phương gồm Đà Nẵng, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu… chưa điều chỉnh lại đơn giá thuê đất khi hết thời gian ổn định đơn giá thuê. Còn tỉnh Long An chưa thực hiện kê khai đầy đủ, kịp thời tiền thuê đất phải nộp một lần.

Trong khi đó, TP. Hải Phòng, Đà Nẵng và tỉnh Bắc Giang sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuê đất, hợp đồng thuê đất. Bên cạnh đó, một số tỉnh chưa hoặc chậm lập bộ theo dõi quản lý thu đối với các đơn vị đã có hợp đồng thuê đất như Thái Bình (có 3 doanh nghiệp); Nam Định (14 hộ, 1 tổ chức và 2 doanh nghiệp).

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tỉnh Bến Tre và Thanh Hóa cho hộ cá nhân thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất sử dụng cho thương mại, dịch vụ chưa đúng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013. TP. Hải Phòng, Long An, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của một số dự án chưa phù hợp quy định. Huyện Trà Cú của tỉnh Trà Vinh chuyển mục đích sử dụng đất chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Cũng theo kiểm toán, dù đã hết thời hạn thuê đất theo hợp đồng đơn vị thuê vẫn đang quản lý sử dụng nhưng địa phương chưa xử lý đất cho thuê theo quy định. Cụ thể, tại Đà Nẵng có 4 doanh nghiệp; Quảng Ngãi có 10 doanh nghiệp; Kiên Giang có 8 đơn vị thuê đất tại thành phố Rạch Giá. (Xem thêm)

Tập đoàn FLC nghiên cứu quy hoạch khu đô thị rộng 487ha ở Hậu Giang

UBND tỉnh Hậu Giang vừa có văn bản gửi Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan về việc điều chỉnh chủ trương lập đồ án quy hoạch phân khu quần thể khu đô thị mới, dịch vụ thể thao và du lịch nghỉ dưỡng Châu Thành.

Theo đó, UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất chủ trương giao UBND huyện Châu Thành tổ chức lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu đô thị mới 927C với quy mô khoảng 487,7ha, thuộc địa bàn xã Đông Phú, xã Phú Hữu và thị trấn Mái Dầm.

Thời gian thực hiện lập đồ án quy hoạch là 6 tháng kể từ ngày UBND tỉnh Hậu Giang chấp thuận chủ trương điều chỉnh; nguồn vốn thực hiện việc lập đồ án quy hoạch từ nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.

UBND tỉnh Hậu Giang cũng thống nhất cho Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC nghiên cứu, tiếp cận đồ án quy hoạch nêu trên. (Xem thêm)

Phú Yên: Vinaconex, Hano-vid, IDJ Việt Nam... bị bêu tên vì không báo cáo thông tin dự án

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên hồi tháng 4/2021, Sở Xây dựng Phú Yên đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư dự án nêu trên thực hiện chế độ báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo Nghị định số 117/2015 của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay nhiều chủ đầu tư dự án vẫn chưa thực hiện chế độ báo cáo cung cấp thông tin theo quy định.

Sở Xây dựng Phú Yên cho biết có đến 40 dự án chưa thực hiện báo cáo theo quy định, gồm: dự án tòa nhà hỗn hợp The Light Phú Yên của Công ty Cổ phần Conric Phú Yên; dự án khu dân cư phố chợ Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng 72; dự án nhà ở xã hội Nam Hùng Vương của Công ty TNHH Bích Hợp; dự án khu nhà ở hỗn hợp cao cấp tại khu đất phía Nam đường N3, đường Hùng Vương (TP Tuy Hòa) của Công ty Cổ phần bất động sản Hano-vid;

Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Condotel Resort ven biển Tuy Hòa của Tổng công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam; dự án tổ hợp căn hộ dịch vụ và thương mại IDJ Sunshine Phú Yên của Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam; dự án công trình thương mại, dịch vụ, du lịch tổng hợp tại lô đất ký hiệu B4 và 133 đường Độc Lập, TP. Tuy Hòa của Công ty Cổ phần NDMREAL;

Dự án xây dựng công trình hỗn hợp tại số 77 - 79 Nguyễn Du, phường 7, TP. Tuy Hòa của Công ty Cổ phần Biển Phú Yên; dự án khu du lịch sinh thái Sao Việt của Công ty TNHH Du lịch Sao Việt; dự án khu du lịch sinh thái Bãi Ôm của Công ty TNHH Đầu tư Xuân Phú; dự án làng du lịch quốc tế Bắc Âu của Công ty TNHH Bắc Âu Biệt thự & Resort... (Xem thêm)

Dự án BT 6.000 tỷ, mới làm 2.500 tỷ thì dừng không lý do

Kết quả kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, BLT, Kiểm toán Nhà nước phát hiện các hạn chế, sai sót chung trong quá trình đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT.

Đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (dự án BT), Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều nơi chưa công bố danh mục đầu tư dự án; lập và phê duyệt tổng mức đầu tư chưa chính xác.

Đơn cử dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc (khu chức năng số 3 và số 4) và hoàn thiện trục Bắc - Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ) trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng.

Ngoài ra, không kịp thời cập nhật chỉ số giá để tính lại chi phí dự phòng làm tăng tổng mức đầu tư. Đó là dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, tăng tổng mức đầu tư gần 351 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều vấn đề tại dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ). Theo đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không xây dựng lịch trình thực hiện dự án, không xây dựng và thống nhất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kế hoạch, tiến độ huy động vốn phù hợp với tiến độ của dự án BT. Nhà đầu tư góp vốn không đủ theo hợp đồng BT. Cụ thể, dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây góp vốn đạt 27,13% (165 tỷ đồng/608 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây mới bố trí 2.429 tỷ đồng/6.076 tỷ đồng, thiếu 3.647 tỷ đồng.

Đáng nói, tại dự án này, UBND TP. Hà Nội cho phép dừng không thi công 21,5km đường còn lại tương đương 2.448 tỷ đồng nhưng không nêu lý do, thời gian và phương án xử lý. (Xem thêm)

Tin mới lên