Bất động sản

BĐS tuần qua: Thu 2 lô 'đất vàng' dùng sai mục đích của VNR, Vinhomes ra mắt sàn thương mại điện tử

(VNF) - Chính phủ bơm 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội; Thu 2 lô 'đất vàng' dùng sai mục đích của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Chính thức ban hành gói gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất 180.000 tỷ; Vinhomes ra mắt sàn thương mại điện tử, khẳng định khách hàng được mua nhà giá gốc; Bắt khẩn cấp 3 lãnh đạo Protrade liên quan vụ 43ha đất công Bình Dương chuyển nhượng ‘giá bèo’; ‘Soi’ năng lực tài chính chủ dự án sân golf quốc tế Thuận Thành... là những thông tin đáng chú ý về thị trường bất động sản trong tuần qua.

BĐS tuần qua: Thu 2 lô 'đất vàng' dùng sai mục đích của VNR, Vinhomes ra mắt sàn thương mại điện tử

Thanh tra Chính phủ yêu cầu VNR phải thu hồi hai lô đất "vàng" số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu về cho nhà nước

Bơm 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14;

Đồng thời bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100 để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV năm 2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thất, nhất là công nhân. (Xem thêm)

Chính thức ban hành gói gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất 180.000 tỷ

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, nghị định quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.

Nghị định này áp dụng với các đối tượng gồm doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế);

Sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; xây dựng...

Nghị định cũng nêu rõ việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (trừ thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu).

Cụ thể, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6/2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế quý I, quý II/2020 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức nêu trên. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn dẫn đến làm tăng số thuế giá trị gia tăng phải nộp và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung. (Xem thêm)

Thu 2 lô 'đất vàng' dùng sai mục đích của VNR

Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra số 2222/2016 của Tổng Thanh tra Chính phủ  về việc chấp hành quy định của pháp luật đối với quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Theo đó, Thanh tra Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, VNR và UBND TP. Hà Nội xử lý các sai phạm liên quan đến việc VNR góp vốn kinh doanh ngoài ngành, bằng quyền cho thuê đất và tài sản trên đất đối với lô đất số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu. Trong đó, yêu cầu VNR thu hồi tài sản về cho Nhà nước, giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan theo quy định pháp luật.

“Cạnh đó, Bộ GTVT cùng Bộ Tài chính lập phương án sử dụng hai lô đất trên đảm bảo hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước…”, Thanh tra Chính phủ đề nghị.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ GTVT và VNR thực hiện kiểm điểm xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc góp vốn  kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản trên đất đối với hai lô đất trên. (Xem thêm)

Vinhomes ra mắt sàn thương mại điện tử, khẳng định khách hàng được mua nhà giá gốc

Ngày 9/4, Công ty Cổ phần Vinhomes chính thức ra mắt sàn thương mại điện tử (Vinhomes Online). Đây là bước đi tất yếu của Vinhomes sau khi công ty này dừng chính sách phân phối qua các đại lý.

Vinhomes Online được mô tả là mô hình kinh doanh bất động sản trực tuyến, ứng dụng công nghệ cao, kết nối trực tiếp giữa chủ đầu tư và khách hàng thông qua màn hình máy tính hoặc điện thoại.

Theo Vinhomes, sàn thương mại điện tử bất động sản Vinhomes Online sẽ cung cấp các thông tin về vị trí, quy hoạch, chính sách bán hàng, chương trình ưu đãi đặc quyền và giá bán của các dự án.

"Khách hàng sẽ được mua nhà giá gốc với chi phí thấp nhất, trong thời gian ngắn nhất và tiện lợi nhất, chỉ qua 4 thao tác: đăng ký/đăng nhập -  tìm kiếm sản phẩm -  lựa chọn sản phẩm phù hợp - tiến hành đặt cọc/đặt mua là hoàn tất giao dịch", Vinhomes nhấn mạnh. (Xem thêm)

Sẽ thanh tra nội dung gì trong thương vụ chuyển nhượng dự án 69 Nguyễn Du?

Ngày 8/4, tại trụ sở Thanh tra Chính phủ (TTCP), Phó Tổng TTCP Bùi Ngọc Lam đã chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra một số nội dung đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra một số nội dung đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trong đó tập trung làm rõ việc chỉ định thầu đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; việc bổ sung Dự án vào danh mục các dự án nguồn điện cấp bách để thực hiện theo Quyết định số 2414/QĐ- TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ; việc quyết định chủ trương, phê duyệt đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; việc điều chỉnh dự án, tăng tổng mức đầu tư dự án, điều chỉnh giá trị Hợp đồng EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2;

Đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Thời kỳ thanh tra là từ khi chuẩn bị thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đến 30/3/2020; thời gian thực hiện việc chuyển nhưởng quyền sử dụng đất vài tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du; khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ trên.

Thời gian thanh tra là 15 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kê từ ngày công bố quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, lễ theo quy định). (Xem thêm)

Bắt khẩn cấp 3 lãnh đạo Protrade liên quan vụ 43ha đất công Bình Dương

Ngày 7/4, Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố bị can đối với các ông: Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ, Huỳnh Thanh Hải về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219, Bộ luật Hình sự.

Đồng thời, Công an tỉnh ra lệnh bắt bị can để tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với các ông: Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Huỳnh Thanh Hải. Cùng với đó, Công an tỉnh Bình Dương đã ra lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc của các bị can.

Kết quả điều tra xác định khu đất có diện tích 43ha tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là tài sản nhà nước giao cho Protrade để thực hiện dự án khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú nằm trong Khu liên hợp dịch vụ đô thị thương mại Bình Dương được Chính phủ phê duyệt.

Trong quá trình quản lý, sử dụng năm 2016, Protrade đã chuyển nhượng khu đất này cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) với giá là 250 tỷ đồng (giá do các bên tự thỏa thuận).

Việc chuyển nhượng 43ha đất do Protrade thực hiện không đúng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản theo Điều 27, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, gây thất thoát số tiền 126,8 tỷ đồng so với bảng giá đất quy định của UBND tỉnh Bình Dương tại thời điểm chuyển nhượng năm 2016.

Hành vi sai phạm nêu trên do các cá nhân gồm: ông Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch Hội đồng thành viên); ông Trần Nguyên Vũ (Thành viên Hội đồng thành viên, hiện nay là Tổng giám đốc Protrade); ông Huỳnh Thanh Hải (nguyên là thành viên Hội đồng thành viên đại diện phần góp vốn của Protrade tại Công ty Tân Phú, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương). (Xem thêm)

‘Soi’ năng lực tài chính chủ dự án sân golf quốc tế Thuận Thành

Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xin ý kiến thẩm định thực hiện dự án sân golf quốc tế Thuận Thành ngay cạnh sông Đuống tại xã Đình Tổ (huyện Thuận Thành) do liên danh Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản Hudland và Công ty Cổ phần tư vấn và thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư.
Đóng góp ý kiến về dự án trên, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo các tài liệu tài chính kiểm toán của Công ty Hudland và Công ty Thăng Long thì 2 doanh nghiệp này đang nợ lớn và kinh doanh thua lỗ liên tiếp nhiều năm.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết tại thời điểm 30/6/2019, vốn chủ sở hữu của Công ty Hudland là 418 tỷ đồng (trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 200 tỷ đồng là cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết, quỹ đầu tư phát triển là 80,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 137,2 tỷ đồng).

Nợ phải trả của công ty là 359,6 tỷ đồng trong đó nợ phải trả ngắn hạn là 314,27 tỷ đồng (chiếm 87,4% nợ phải trả); nợ phải trả dài hạn là 45,4 tỷ đồng; bất động sản đầu tư là 78 tỷ đồng.
Đối với Công ty Thăng Long, Bộ Tài chính cho biết tại thời điểm ngày 31/12/2018, vốn chủ sở hữu của công ty là 87,3 tỷ đồng (trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 100 tỷ đồng là cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 12,6 tỷ đồng...).

Nợ phải trả của Công ty Thăng Long là 5,18 tỷ đồng, không có nợ dài hạn. Tài sản ngắn hạn là 57,2 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền là 211 triệu đồng; phải thu ngắn hạn là 56,3 tỷ đồng, chiếm 98,4% tài sản ngắn hạn. Đầu tư tài chính dài hạn là 33,7 tỷ đồng, chiếm 95,6% tài sản dài hạn.
Đối với Công ty Thăng Long, Bộ Tài chính cho biết tại thời điểm ngày 31/12/2018, vốn chủ sở hữu của công ty là 87,3 tỷ đồng (trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 100 tỷ đồng là cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 12,6 tỷ đồng...).

Nợ phải trả của Công ty Thăng Long là 5,18 tỷ đồng, không có nợ dài hạn. Tài sản ngắn hạn là 57,2 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền là 211 triệu đồng; phải thu ngắn hạn là 56,3 tỷ đồng, chiếm 98,4% tài sản ngắn hạn. Đầu tư tài chính dài hạn là 33,7 tỷ đồng, chiếm 95,6% tài sản dài hạn.

Trong giai đoạn từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2018, Công ty Thăng Long không phát sinh doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2018 kinh doanh thua lỗ (-) 917 triệu đồng, lỗ lũy kế đến thời điểm ngày 31/12/2018 là (-) 12,7 tỷ đồng. (Xem thêm)

Tin mới lên