Bất động sản

BĐS tuần qua: Thủ tướng duyệt dự án hơn 32.600 tỷ của Vinhomes, 2 Bộ cùng vào cuộc chặn sốt đất

(VNF) - Hàng chục ha đất rừng ở Phú Quốc được chuyển thành đất du lịch; giá đất sôi sục khắp nơi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các tỉnh chấn chỉnh; Thủ tướng duyệt siêu dự án Đại An hơn 32.600 tỷ đồng của Vinhomes... là những thông tin về thị trường bất động sản được quan tâm trong tuần.

BĐS tuần qua: Thủ tướng duyệt dự án hơn 32.600 tỷ của Vinhomes, 2 Bộ cùng vào cuộc chặn sốt đất

Thủ tướng duyệt siêu dự án Đại An hơn 32.600 tỷ đồng của Vinhomes (ảnh minh họa)

Quy hoạch Phú Quốc: Hàng chục ha đất rừng được chuyển thành đất du lịch

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 486/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh cục bộ điều chỉnh quy hoạch chung đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.

Có tổng cộng 8 địa điểm được điều chỉnh quy hoạch, trong đó có 5 điểm được chuyển nhiều ha đất rừng, đất nông nghiệp thành đất du lịch. Cụ thể, địa điểm số 1 điều chỉnh 15,19ha bao gồm 5,38ha đất rừng phòng hộ và 9,81ha đất cây xanh cảnh quan tại khu vực Bãi Khem, thị trấn An Thới thành đất du lịch sinh thái;

Địa điểm số 3 điều chỉnh vị trí một số khu chức năng, tổ chức lại không gian tại khu vực phía Tây Nam thuộc khu đô thị An Thới. Quy mô điều chỉnh 84,31ha từ 15,39ha đất ở mật độ cao; 1,23ha đất ở mật độ thấp; 23,27ha đất công trình công cộng; 20,76ha đất cây xanh cảnh quan; 16,97ha đất rừng phòng hộ; 1,88ha đất bãi đá ven biển và 4,81ha đất giao thông chuyển sang 63,13ha đất đơn vị ở; 2,52ha đất trung tâm thương mại dịch vụ; 5,75ha đất cây xanh cảnh quan; 1,35ha đất trụ cáp - hành lang tuyến cáp treo và 11,55ha đất giao thông;

Địa điểm số 6 (khu vực Bãi Thơm, xã Bãi Thơm) điều chỉnh 143,5ha từ đất nông nghiệp và đất giao thông theo quy hoạch chung được duyệt thành 42,5ha đất ở làng nghề, 14,5ha đất giao thông, 86,5ha đất du lịch sinh thái;

Địa điểm số 7 (khu vực Đồng Cây Sao) điều chỉnh 203ha từ chức năng đất dịch vụ du lịch giải trí phức hợp và sân golf và đất nông nghiệp theo quy hoạch chung được duyệt thành chức năng đất tái định cư và đất đơn vị ở được quy hoạch đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, cây xanh phục vụ dân cư tại khu vực và lân cận.

Cụ thể điều chỉnh từ 176,8ha đất dịch vụ du lịch giải trí phức hợp và sân golf; 26,7ha đất nông nghiệp thành 50ha đất tái định cư; 105,44ha đất đơn vị ở; 6,62ha đất công trình công cộng; 28,46ha đất cây xanh và không gian mở và 12,98 ha đất giao thông;

Địa điểm số 8 điều chỉnh khu vực bãi Cửa Cạn, xã Cửa Dương quy mô 55,6ha từ chức năng đất nông nghiệp được duyệt sang chức năng đất du lịch sinh thái. (Xem thêm)

Giá thuê bất động sản công nghiệp tăng mạnh, lo 'đại bàng' bỏ chạy

Ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam, nhận định mức tăng giá thuê hiện nay và tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trọng điểm phía Bắc và Nam có thể gây e ngại với một số tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm địa điểm gần Hà Nội và TP. HCM.

Bất động sản công nghiệp ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình tăng mạnh từ 2018, đã dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu có thêm các khu công nghiệp mới trên một số địa bàn trọng yếu. Dữ liệu của Savills Việt Nam cho thấy trong năm 2020, tại khu vực phía Nam, tỷ lệ lấp đầy đạt 88% ở TP. HCM, 94% ở Đồng Nai, 99% ở Bình Dương, 84% ở Long An, 79% ở Bà Rịa Vũng Tàu. Cùng kỳ, tại phía Bắc, tỷ lệ này lần lượt đạt 90% ở Hà Nội, 95% ở Bắc Ninh, 89% ở Hưng Yên, 82% ở Hải Dương và 73% ở Hải Phòng.

Theo ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam, nhu cầu thuê đất, nhà xưởng và kho bãi tăng đột biến khiến giá thuê ở các khu công nghiệp gần các thành phố lớn leo thang. Giá cả tăng cao vẫn là mối lo ngại đối với các ngành sản xuất có giá trị thấp và tỷ suất lợi nhuận thấp như dệt may và nội thất. Tỷ giá ngoại tệ hiện tại vẫn ở mức chấp nhận được cho các nhà sản xuất đa quốc gia có giá trị cao, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, hỗ trợ công nghệ cao và máy móc tự động.

'Nếu giá thuê tiếp tục tăng theo cùng một quỹ đạo từ năm 2018, khả năng cạnh tranh về giá của Việt Nam có thể bị suy yếu, trừ phi có thêm nguồn cung đất công nghiệp được triển khai ở các khu vực kinh tế trọng điểm để đáp ứng đủ nhu cầu và ổn định giá cả", ông John Campbell nói.(Xem thêm)

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương vào cuộc chặn 'sốt đất'

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản tại các địa phương.

Bộ Xây dựng cho biết qua theo dõi và tổng hợp phản ánh của các cơ quan chức năng, các hiệp hội, các cơ quan truyền thông báo chí về tình hình thị trường bất động sản thời gian vừa qua cho thấy tại một số địa phương đã, đang xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn tại các địa phương… để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để lợi dụng trục lợi.

Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Trong đó, tập trung chỉ đạo tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. (Xem thêm)

Giá đất sôi sục khắp nơi, Bộ TNMT đề nghị các tỉnh chấn chỉnh

Sau Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất.

Theo Bộ, thời gian gần đây, tình trạng "sốt ảo" giá đất diễn ra ở một số địa phương, gây ra những hệ lụy không đáng có và làm ảnh hưởng việc triển khai các dự án đầu tư.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư và kinh doanh bất động sản; kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm các quy định của pháp luật.

"Việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch phải được thực hiện để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin; tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt", Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Cơ quan này cũng đề nghị thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất; xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. (Xem thêm)

Sốt đất từ Bắc chí Nam, có nên vay tiền để đầu cơ?

Ông Matthew Powell cho rằng việc tiếp cận dễ dàng các khoản tín dụng khuyến khích nhiều người vay vốn và đầu tư vào các loại hình bất động sản. Sự xuất hiện một số loại tín dụng trên thị trường bất động sản không hẳn là điều xấu nhưng rõ ràng là chúng ta đều kỳ vọng hoạt động cho vay tín dụng được kiểm soát.

Hệ quả dễ nhận thấy của hoạt động vay tín dụng thiếu kiểm soát là các hoạt động đầu tư không được nghiên cứu và tham khảo đầy đủ và đầu tư lướt sóng.

Nhìn thị trường bất động sản Việt Nam từ 15 năm kinh nghiệm và những chu kỳ nhất định, ông cho biết từng chứng kiến một số chu kỳ có lượng đầu cơ rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản nhà ở tại Hà Nội hay TP. HCM. Có thể nói, đã có những thời điểm nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy kinh tế thông qua các khoản vay ngắn hạn/dài hạn để thực hiện một lượng lớn các giao dịch ngắn hạn và đầu tư lướt sóng.

“Thị trường do đó trở nên rất sôi động, nhưng đồng nghĩa với việc người vay có thể mất khả năng trả nợ. Tiếp cận tín dụng tốt có thể thúc đẩy nền kinh tế, tuy nhiên, việc này cần được kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay, các giao dịch vẫn đang dựa nhiều trên vốn sở hữu cá nhân, vì vậy chúng tôi không quá lo ngại về hoạt động tín dụng trên thị trường”, ông cho hay. (Xem thêm)

Thủ tướng duyệt siêu dự án Đại An hơn 32.600 tỷ đồng của Vinhomes

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư khu đô thị Đại An, tỉnh Hưng Yên. Dự án do Công ty Cổ phần Vinhomes làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 32.661 tỷ đồng.

Theo phê duyệt, mục tiêu dự án nhằm xây dựng thành khu đô thị kiểu mẫu, văn minh, hiện đại đa dạng về sản phẩm nhà ở, làm việc lý tưởng cho người dân, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội và là động lực phát triển cho đô thị Văn Giang, Văn Lâm…

Siêu dự án Đại An có diện tích 293,96ha, nằm ở xã Tân Quang, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm và xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 32.661 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 15% tổng vốn đầu tư, 85% còn lại là vốn vay và vốn huy động.

Thời gian hoạt động dự án là 50 năm, tiến độ thực hiện trong 6 năm kể từ ngày phê duyệt chủ trương đầu tư.

Thủ tướng yêu cầu Vinhomes phải có trách nhiệm cam kết việc ứng vốn thực hiện giải phóng mặt bằng và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng giải phóng mặt bằng kịp thời, dứt điểm giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện bảo đảm hợp lý và tuân thủ theo các quy định của pháp luật, không để xảy ra phức tạp về đất đai trong quá trình giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án và kinh doanh. (Xem thêm)

TP. HCM: Dự án 'ma' rao trên đất xây trụ sở đội cảnh sát

UBND quận 10 vừa có văn bản số 1301/UBND-VX gửi Sở Thông tin -Truyền thông và Trung tâm Báo chí TP. HCM, liên quan đến các hoạt động quảng cáo không đúng quy định pháp luật tại lô B Khu C30 đường Thành Thái, phường 14, quận 10.

Văn bản nêu rõ, trong thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook, tài khoản tên Anh Pháp Company – bất động sản Miền Nam đã đăng tải thông tin về dự án đất nền tại lô B Khu C30 đường Thành Thái, phường 14, quận 10 với nội dung “Chỉ còn duy nhất 10 lô đất nền đường Thành Thái, quận 10, sổ hồng riêng từng nền, giá chỉ từ 3,25 tỷ/nền với đa diện tích, 5x12, 6x15, cơ hội đầu tư sinh lời cao,…” để giới thiệu, quảng cáo, rao bán sản phẩm đất nền cho các nhà đầu tư.

Theo UBND quận 10, qua công tác quản lý tại địa phương, khu đất nêu trên hiện nay thuộc Dự án xây dựng trụ sở làm việc của Đội Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ quận 10.

Do đó, UBND quận 10 đưa thông tin chính xác về khu đất nhằm ngăn chặn các hoạt động quảng cáo không đúng quy định, sai sự thật đối với khu đất nền nêu trên, giảm thiểu các thiệt hại, không để phát sinh tình trạng lôi kéo, phát triển khách hàng, nhà đầu tư, đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương. (Xem thêm)

Tin mới lên