Bất động sản

BĐS tuần qua: 'Vua hàng hiệu' chốt xây khu phi thuế quan, Bình Thuận ‘bật đèn xanh’ cho dự án nghìn tỷ

(VNF) - Hậu Giang: Trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án 4.000 tỷ của Đất Xanh; Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chốt xây khu bán hàng miễn thuế gần 7.000 tỷ; Bình Thuận ‘bật đèn xanh’ cho dự án du lịch nghìn tỷ của Công ty Danh Việt; Cảnh báo chiêu trò 'thổi' giá bất động sản ăn theo bảng giá đất mới; Cắt nghĩa cơn 'sốt đất' tại nhiều địa phương... là những thông tin về thị trường địa ốc được quan tâm tuần qua.

BĐS tuần qua: 'Vua hàng hiệu' chốt xây khu phi thuế quan, Bình Thuận ‘bật đèn xanh’ cho dự án nghìn tỷ

Bình Thuận ‘bật đèn xanh’ cho dự án du lịch nghìn tỷ của Công ty Danh Việt

Cắt nghĩa cơn 'sốt đất' tại nhiều địa phương

Ông Nguyễn Văn Đính đánh giá, việc tăng giá đất một phần do khung giá đất được chính quyền các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng từ 15-20%.

Mặt khác, nhu cầu ở vẫn rất mạnh trên toàn thị trường nhưng việc phê duyệt đầu tư các dự án BĐS, tạo nguồn cung vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Vì vậy, nguồn cung trên thị trường không được cải thiện, vẫn thiếu. Đặc biệt là các dự án nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội và dự án đất nền.

Thứ 2, phải thừa nhận lĩnh vực BĐS vẫn là một kênh đầu tư hiệu quả, vì thế, nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh, đột biến do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả bởi dịch bệnh.

Hiện tại, lãi xuất ngân hàng đã giảm sâu cộng với việc đầu tư ngắn hạn thời gian vừa qua vào chứng khoán và vàng có lãi lớn nên nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lãi và găm giữ bằng đất.

Như vậy, có thể nói, cầu đầu tư tăng trong khi lượng hàng khan hiếm khiến giá đất tăng mạnh. Đồng thời, xuất hiện nhiều hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật. (Xem thêm)

Hậu Giang: Trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án 4.000 tỷ của Đất Xanh

UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 549 phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án khu đô thị mới Mái Dầm, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành.

Dự án có quy mô dự kiến khoảng 96,79ha, trong đó, đất thuộc phạm vi mở rộng tuyến đường Nam Sông Hậu (Quốc lộ 91C) là 3,53ha, đất thuộc khu đô thị mới Mái Dầm là 93,26ha. Tiến độ thực hiện dự án 5 năm kể từ khi hoàn thành thủ tục giao đất cho nhà đầu tư.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 4.000 tỷ đồng, từ vốn đầu tư tự có của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động khác theo quy định pháp luật. Hình thức thực hiện là nhà nước thu hồi đất, nhà đầu tư ứng tiền giải phóng mặt bằng.

UBND tỉnh Hậu Giang cho biết duy nhất một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Đất Xanh cùng các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nêu trên theo đúng quy định. (Xem thêm)

FLC tài trợ kinh phí lập quy hoạch khu đô thị gần 400ha ở Phú Yên

UBND tỉnh Phú Yên đã có Quyết định số 412 phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị mới phường Phú Lâm và phường Phú Thạnh, TP. Tuy Hòa với diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 393,6ha và quy mô dân số dự kiến 19.861 người.

Đáng chú ý, đơn vị tài trợ sản phẩm quy hoạch là Tập đoàn FLC và đơn vị tư vấn lập quy hoạch là Công ty Cổ phần Kiến trúc Highend.

Theo phê duyệt, ranh giới khu vực nghiên cứu lập quy hoạch có phía đông giáp đường Phạm Đình Quy; phía tây nam giáp đường quy hoạch rộng 50m (đường tiếp cận Cảng Hàng không Tuy Hòa); phía đông nam giáp đường sắt Bắc - Nam; phía bắc giáp đường Lạc Long Quân.

Mục tiêu của quy hoạch nhằm cụ thể hóa từng bước quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. (Xem thêm)

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chốt xây khu bán hàng miễn thuế gần 7.000 tỷ

Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết đã được UBND tỉnh Kiên Giang chọn là nhà đầu tư chủ lực nhiều dự án tại thành phố Phú Quốc. Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt và lựa chọn IPPG là nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu phi thuế quan Phú Quốc.

Dự án có quy mô 101 ha với tổng mức đầu tư 6.830 tỷ đồng gồm 12 hạng mục chính, bao gồm khu phi thuế quan (hàng rào cứng) và khu thương mại, dịch vụ nằm ngoài khu phi thuế quan.

Cụ thể, dự án sẽ bao gồm trung tâm bán hàng giảm giá (Factory Outlets), khu vực siêu thị miễn thuế, cửa hàng miễn thuế, khu thương mại dịch vụ ăn uống (F&B), khu vui chơi giải trí, các hạng mục và cơ sở hạ tầng khác…

Theo ban lãnh đạo IPPG, Factory Outlets là mô hình kinh doanh đã phát triển thành công tại Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… IPPG đang có lợi thế nắm giữ độc quyền hơn 100 thương hiệu quốc tế và đủ khả năng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng khu mua sắm có không gian mở, đa dạng về hàng hóa này.

Khi xây dựng xong, Factory Outlets sẽ là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Phú Quốc, tương tự như ở các thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới. (Xem thêm)

Bình Thuận ‘bật đèn xanh’ cho dự án du lịch nghìn tỷ của Công ty Danh Việt

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt.

Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án.

Theo Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định ĐTM, dự án khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt được thực hiện tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Tổng diện tích sử dụng đất 72ha được chia làm 2 hợp phần: hợp phần 1 có diện tích 25,6ha và hợp phần 2 có diện tích 46,3ha.

Tổng quy mô dân số 10.438 người, trong đó hợp phần 1 dân số khoảng 7.626 người và hợp phần 2 có số lượng khách du lịch khoảng 2.812 người. Mục tiêu dự án nhằm xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, kinh doanh biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ du lịch biển gắn với quyền sử dụng đất lâu dài. (Xem thêm)

Cảnh báo chiêu trò 'thổi' giá bất động sản ăn theo bảng giá đất mới

Khi Chính phủ ban hành Nghị định 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 về khung giá đất, UBND các tỉnh, thành phố đã xây dựng và có quyết định ban hành bảng giá đất của địa phương áp dụng cho giai đoạn 2020 - 2024. Các địa phương cũng có quyết định ban hành hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng trong năm 2021. Theo đó, giá đất được các địa phương ban hành có mức tăng bình quân khoảng 15 - 20% so với bảng giá đất giai đoạn 5 năm trước.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, chi phí về đất của một dự án bất động sản được căn cứ trực tiếp từ giá đất trong bảng giá đất được ban hành thì việc tăng giá đất khoảng 15 - 20% của các địa phương cũng chỉ làm tăng giá thành bất động sản nhà ở khoảng 1,5 - 5%.

Mặt khác, việc áp dụng khung giá đất, bảng giá đất mới tại các địa phương chưa lâu (sớm nhất là từ 1/1/2020). Nhưng các dự án được hoàn thành và có sản phẩm chào bán ra thị trường trong năm 2020 chủ yếu là dự án thực hiện và áp dụng giá đất theo khung giá, bảng giá đất trước đó.

Do vậy, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản khẳng định, hiện tượng tăng giá bất động sản ở nhiều địa phương trong thời gian qua không phải là nguyên nhân chính do ban hành bảng giá đất mới tăng hơn trước. (Xem thêm)

Vụ xây chui hơn 200 biệt thự ở Hưng Yên: Bộ Xây dựng có chỉ đạo gì mới?

Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên về đề nghị hướng dẫn hợp thức hoá dự án khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden của Công ty Cổ phần thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (Công ty Đại Hưng).

Trả lời về đề nghị hợp thức hóa dự án nói trên, Bộ Xây dựng cho biết theo quy định tại Điều 14 của Luật Nhà ở 2014 thì dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và có trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng giai đoạn.

Khoản 2 Điều 22 và Điều 23 của Luật Nhà ở 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật Đầu tư số 61/2020/QH14) đã quy định cụ thể về các hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại.

Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 cũng thống nhất một thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Do đó, việc điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư dự án này được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở và pháp luật khác có liên quan.

Căn cứ theo các quy định trên, Bộ Xây dựng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên đối chiếu quy định của pháp luật nhà ở, pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan để hướng dẫn Công ty Đại Hưng thực hiện điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư dự án này theo đúng quy định của pháp luật. (Xem thêm)

Quảng Ngãi: Rà soát lại quy hoạch 9 dự án của FLC

Được biết, trong 2 năm 2018 và 2019, Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi đã cấp chủ trương đầu tư cho FLC thực hiện 9 dự án với tổng diện tích 160ha.

Trong 9 dự án này có 4 dự án đô thị, 4 dự án du lịch và 1 dự án lưỡng dụng cả đô thị và du lịch. Đến thời điểm này, 2 dự án khu đô thị Vạn Tường 7 và khu đô thị Vạn Tường 8 đã bồi thường hơn 2,3ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã nêu ra 3 nguyên nhân chính dẫn tới 9 dự án của FLC chậm triển khai thực hiện.

Thứ nhất, theo ông Minh, thời gian qua do dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn, điều kiện đi lại của nhà đầu tư gặp khó khăn nên tiến độ dự án rất chậm so với kế hoạch được phê duyệt.

Thứ hai, để thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh thống nhất chủ trương để Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư 9 dự án cho FLC. Tuy nhiên, việc cấp phép chưa đảm bảo quy định của pháp luật.

Thứ ba, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là vấn đề khó khăn, phức tạp, các cơ quan liên quan chưa có sự phối hợp tốt cũng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án.

Để triển khai các dự án đầu tư tại khu kinh tế Dung Quất và các dự án của FLC nói riêng, ông Minh yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu đầy đủ các quy định hiện hành để sớm tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ những vướng mắc các dự án. (Xem thêm)

Tin mới lên