Tài chính

Bế tắc dự án PPP, áp lực đè ngân sách

Hàng loạt bế tắc không được khơi thông khiến 3 - 4 năm trở lại đây, không có dự án PPP hạ tầng giao thông đường bộ nào được triển khai.

Bế tắc dự án PPP,  áp lực đè ngân sách

Chỉ mới các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam vốn đầu tư công được khởi công

Các dự án BOT, PPP đều xin điều chỉnh theo hướng tăng phần vốn góp ngân sách hoặc chuyển hẳn sang đầu tư công.

Ồ ạt xin chuyển đầu tư công

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo hình thức PPP (đối tác công tư), loại hợp đồng BOT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 12/2019. Tổng mức đầu tư dự án hơn 3.200 tỷ đồng, trong đó khoảng 500 tỷ đồng vốn ngân sách T.Ư, gần 2.800 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và vốn vay tín dụng, địa phương hỗ trợ hơn 10 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Tháng 7/2020, dự án được UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư, nhưng hết thời điểm đóng thầu không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự tuyển.

“Ế thầu”, để đảm bảo tiến độ dự án, tỉnh Tuyên Quang đã báo cáo Chính phủ chuyển đổi dự án sang hình thức đầu tư công, đồng thời phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đánh giá, việc chuyển đổi từ PPP sang đầu tư công sẽ đảm bảo chắc chắn triển khai thành công dự án.

Kịch bản này cũng từng xảy ra tại dự án cao tốc Bắc - Nam, 2 dự án thành phần hình thức PPP là QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu đã không tìm được nhà đầu tư sau khi kết thúc vòng sơ tuyển.

Cuối tháng 11/2020, Bộ GTVT đã phải báo cáo Chính phủ xem xét thông qua dự thảo báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển 2 dự án trên sang đầu tư công, để đẩy nhanh tiến độ dự án, giảm chi phí lãi vay, cũng như đảm bảo khả năng chắc chắn khởi công.

Tính tới nay, trong số 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, chỉ mới đoạn Nha Trang - Cam Lâm tìm được nhà đầu tư (Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải) theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Đáng chú ý, khi xây dựng dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, Bộ GTVT đề xuất 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP (trong 11 dự án thành phần), nhưng tới nay đã có 5 dự án phải chuyển từ PPP sang đầu tư công. Ngoài đoạn Nha Trang - Cam Lâm, 2 dự án PPP là Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo Bộ GTVT đang xem xét đánh giá hồ sơ dự thầu để chọn nhà đầu tư.

Không chỉ chuyển hẳn sang đầu tư công do “ế” nhà đầu tư, nhiều dự án BOT đã tìm được nhà đầu tư nhưng phải đề xuất tăng phần tham gia hỗ trợ của nhà nước lên tới 40 - 50%.

Đơn cử, tháng 9/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh dự án thành phần 2 cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng. Theo đó, dự án sẽ chuyển từ BOT không có vốn nhà nước sang hình thức PPP, loại hợp đồng BOT có sự tham gia của vốn nhà nước. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.600 tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 3.600 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương của Lạng Sơn 1.000 tỷ đồng và vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ dự án trọng điểm, cấp bách là 3.000 tỷ đồng.

Gỡ khó cho PPP ra sao?

Nếu trước đây 6 - 7 năm, dự án BOT giao thông như thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư, thì những năm gần đây đã chứng kiến việc nhà đầu tư “quay lưng” lại với các dự án, ngay cả với các dự án có báo cáo tài chính khá khả thi, đã được nhà nước hỗ trợ tới 40 - 50% nguồn vốn, kèm theo mặt bằng sạch.

Lý do khiến dự án PPP mất sức hút vẫn là những nguyên nhân cố hữu đã được nhận diện nhiều năm nay: ngân hàng không mặn mà cấp vốn do dư nợ tín dụng cho giao thông tới ngưỡng, nợ xấu tăng lên do nhiều dự án hụt thu hoặc vỡ phương án tài chính. Nhà đầu tư thì lo ngại chính sách thay đổi, đổ bể phương án tài chính, hoặc muốn tham gia nhưng không vay được vốn ngân hàng.

Mục tiêu trong 5 năm tới, ngành giao thông sẽ phải xây dựng thêm 3.000 km cao tốc. Nếu không tháo gỡ được các vướng mắc cố hữu về chính sách với các dự án PPP hiện nay, việc ngưng trệ kéo dài không triển khai được các dự án PPP mới hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, gánh nặng đầu tư hạ tầng giao thông sẽ dồn cả lên ngân sách, không thể đáp ứng nổi.

Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, để tháo gỡ nguồn tín dụng từ ngân hàng thương mại, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ để các ngân hàng yên tâm cho vay với các dự án PPP hạ tầng giao thông như nới hạn mức, hợp vốn liên ngân hàng, hoặc tính tới hình thành Quỹ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật như một số nước.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tổ chức đấu thầu PPP cao tốc Bắc - Nam vừa qua không thành công do luật PPP năm 2021 mới có hiệu lực. “Không có đầu tư theo hình thức PPP thì không thể hoàn chỉnh được hệ thống giao thông, vì nguồn vốn rất lớn, không ngân sách nào chịu được cả, kể cả các nước phát triển cũng đầu tư theo hình thức PPP”, ông Thể nói.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho hay, theo luật PPP, đầu tư của nhà nước không quá 50%, còn lại 50% phải huy động vốn của các nhà đầu tư, trong đó có vốn tín dụng ngân hàng. Một số dự án như cao tốc Bắc - Nam tại miền Trung, vốn nhà nước chiếm 50%. Nhưng tỷ lệ này nếu áp dụng cho các dự án thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long khó thực hiện, không thu hút được PPP, vì phải gia cố nền đất yếu rất nhiều, phần tham gia của nhà đầu tư lớn trong khi khả năng hoàn vốn nhỏ.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu một số vùng đặc thù để tham mưu cho Chính phủ các văn bản dưới luật để triển khai hiệu quả. Muốn thu hút vốn tư nhân thì khả năng thu hồi vốn phải đảm bảo. Bộ sẽ tập trung thực hiện luật PPP đúng quy định, cùng với một số cơ chế đặc thù phù hợp từng lĩnh vực đường bộ, đường thủy cũng như từng khu vực...”.

Tin mới lên