Tiêu điểm

‘Bên cạnh rủi ro thông thường, doanh nghiệp Việt còn phải đối mặt rủi ro pháp lý’

(VNF) – Đó là nhận xét của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nêu ra tại tọa đàm “Phát triển kinh tế Việt Nam – Rào cản và giải pháp” do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức sáng nay (5/10).

‘Bên cạnh rủi ro thông thường, doanh nghiệp Việt còn phải đối mặt rủi ro pháp lý’

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM

Theo TS Nguyễn Đình Cung, muốn nhận định về kinh tế tư nhân trước hết phải đánh giá lại vai trò của khu vực kinh tế này.

“Các con số thống kê cho biết khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 9% GDP. Con số này kéo dài từ khi có Luật Doanh nghiệp đến hiện tại. Từ năm 2000, con số này chỉ tăng 1 điểm %. Tôi hoàn toàn nghi ngờ con số này”, ông Cung nói.

Ông Cung cho rằng chúng ta phải đánh giá lại để thay đổi những nhận định chính trị, vì những nhận định đó là các rào cản căn bản đối với phát triển đất nước nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng. Các con số doanh thu, lợi nhuận đều cao, nhưng đóng góp GDP lại thấp.

“Sự đóng góp của GDP của khu vực này đã có sự tăng trưởng, nhưng khu vực này vẫn nhỏ so với nền kinh tế thị trường. Vấn đề là tại sao? Từ năm 1991 đến nay, từ lúc Luật Doanh nghiệp tư nhân thừa nhận về mặt pháp lý sự tồn tại kinh tế tư nhân ở Việt Nam, mới xuất hiện 4 tỷ phú. Con số này vẫn rất nhỏ so với thế giới và chưa có doanh nghiệp nào ngấp nghé ở tốp các doanh nghiệp hàng đầu. Lý do có thể tự do kinh doanh nhưng cũng do không có an toàn trong hoạt động kinh doanh.

“Môi trường kinh doanh của chúng ta có nhiều rủi ro về mặt thể chế. Doanh nghiệp Việt, bên cạnh các rủi ro thông thường, phải đối mặt rủi ro pháp lý.  Điều này đến từ hệ thống pháp luật không cụ thể, không rõ, không minh bạch, không hiệu lực, không hiệu quả. Với sự áp dụng tùy ý, tùy tiện, với một doanh nhân, họ không thể tính toán được lâu dài. Cách tốt nhất là họ làm nhỏ và không lớn, không chính thức. Càng không chính thức ở Việt Nam, càng rủi ro.

“Mặt khác, với những doanh nghiệp muốn lớn, họ không lớn được. Với một doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh tốt, họ cần nguồn lực để phát triển, nguồn lực đó không thể đến từ vốn gia đình, bạn bè hay vốn của mình. Việt Nam phân bố nguồn lực theo xin – cho, thay vì dựa trên tiêu chí chất lượng ai làm tốt? Có thể lấy thí dụ, giao dịch chuyển nhượng đất đai chủ yếu là hành chính, chưa hẳn là thị trường; thị trường vốn méo mó, thị trường trái suất chưa phải là thị trường huy động và phân bố nguồn lực”, ông Cung phân tích.

Tin mới lên