Tài chính

Bị ấn định thuế hơn 352 tỷ đồng, VEAM nói gì?

(VNF) - VEAM cho biết phần thuế phát sinh thêm khoảng 64 tỷ đồng (không bao gồm thuế VAT, phát sinh trong năm 2017 và sau ngày IPO) sẽ được VEAM hạch toán trực tiếp vào chi phí trên báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019. Ngoài ra, công ty đang làm việc với Cục Hải quan để xin không bị phạt do tính nhầm thuế (khoảng 35 tỷ đồng).

Bị ấn định thuế hơn 352 tỷ đồng, VEAM nói gì?

Bị ấn định thuế hơn 352 tỷ đồng, VEAM nói gì?

Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, UPCoM: VEA) gần đây đã nhận được quyết định của Cục Hải quan TP. Hà Nội về việc khai sai mã HS, diễn ra trong thời gian trước khi IPO.

Cụ thể, VEAM phải nộp tổng cộng 353 tỷ đồng do tính nhầm thuế nhập khẩu phụ tùng/linh kiện lắp ráp trong giai đoạn 2016-2017. Công ty đã nộp 173 tỷ đồng trong thời gian 2016-2017 và còn phải nộp 180 tỷ đồng trong quý này. Số thuế này đã có thuế VAT nhưng chưa bao gồm tiền phạt nộp chậm do khai sai thuế.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) vừa đưa ra cập nhật về diễn biến này.

Theo đó, trao đổi với HSC, phía VEAM cho biết phần thuế phát sinh thêm sẽ được hạch toán dưới hai hình thức khác nhau.

Cụ thể, phần thuế phát sinh thêm (xấp xỉ 90-100 tỷ đồng) trong năm 2016 (trước IPO) sẽ được hạch toán hồi tố trong bảng cân đối kế toán của VEAM năm 2016, trong đó điều chỉnh tăng các khoản phải thu Nhà nước và tăng thuế phải nộp. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016.

Trong khi đó, phần thuế phát sinh thêm khoảng 64 tỷ đồng (không bao gồm thuế VAT) (phát sinh trong năm 2017 và sau ngày IPO) sẽ được hạch toán trực tiếp vào chi phí trên báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019.

Ngoài ra, nhiều khả năng VEAM sẽ phải nộp tiền phạt chậm nộp thuế là 47 tỷ đồng và 35 tỷ đồng phạt do tính nhầm thuế.

Phía VEAM cho biết thêm, công ty đang làm việc với Cục hải quan để xin không bị phạt do tính nhầm thuế (khoảng 35 tỷ đồng). Về cách hạch toán, thì toàn bộ chi phí liên quan này sẽ được hạch toán vào chi phí quản lý quý I/2019.

Theo tính toán của HSC, trong kịch bản tốt nhất và xấu nhất, VEAM sẽ lần lượt phải hạch toán 110 tỷ đồng hoặc 145 tỷ đồng vào chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý I/2019, lợi nhuận của VEAM theo đó sẽ bị ảnh hưởng.

Tin mới lên