Tiêu điểm

Bí ẩn việc chuyển tiền ra nước ngoài của ông chủ Nhật Cường

Tổng giám đốc Nhật Cường Bùi Quang Huy đang bỏ trốn nên chưa thể làm rõ vì sao lại thông qua hai tiệm vàng chuyển gần 2.500 tỷ đồng cho nhà cung cấp ở nước ngoài.

Bí ẩn việc chuyển tiền ra nước ngoài của ông chủ Nhật Cường

Tổng giám đốc Nhật Cường Bùi Quang Huy đang bỏ trốn.

Theo cáo buộc, đó là tiệm vàng Lộc Phát ở phố Hà Trung và Thuận Phát ở phố Hàng Dầu. Điều này căn cứ dữ liệu trên hệ thống ERP (phần mềm quản lý nội bộ của Nhật Cường) và lời khai của Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường.

Nhật Cường chuyển hơn 1.700 tỷ đồng qua tiệm vàng Lộc Phát bằng tiền mặt và chuyển khoản vào 21 tài khoản của nhiều nhân viên cửa hàng vàng. Chuyển hơn 795 tỷ đồng qua tiệm vàng Thuận Phát, trong đó hơn 300 tỷ đồng tiền mặt và số còn lại chuyển vào 14 tài khoản đứng tên các nhân viên.

Cơ quan điều tra cho hay hai chủ tiệm vàng thừa nhận có nhận tiền của Nhật Cường. Tuy nhiên họ khai sau khi nhận tiền đã chuyển cho khách hàng trong nước và hiện không nhỡ rõ đơn vị, cá nhân nào. Họ không thừa nhận chuyển tiền ra nước ngoài. Do Huy đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra chưa đủ cơ sở xác minh.

Trả lời thẩm vấn tại TAND Hà Nội chiều 5/5, là người được giao phụ trách tài chính, thu chi của công ty Nhật Cường, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc xác nhận việc chuyển tiền thanh toán cho các đối tác, đơn vị vận chuyển nước ngoài đều thông qua hai tiệm vàng.

"Công ty vừa chuyển tiền mặt, vừa thông qua nhiều tài khoản của các cá nhân khác nhau do tiệm vàng cung cấp. Bị cáo là đầu mối duy nhất chuyển tiền qua hai tiệm vàng này và do Bùi Quang Huy trực tiếp chỉ đạo", Ngọc nói và thừa nhận đã chuyển tiền thông qua hai tiệm vàng gần 2.500 tỷ đồng như công bố của chủ tọa.

Ngọc khai mọi việc đều làm theo chỉ đạo của Huy nên không biết Nhật Cường nhập hàng lậu. Sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam, Ngọc mới nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật. Trong vụ án này, Ngọc là người duy nhất bị xét xử về hai tội danh là Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều bị cáo khác sau đó cũng khai rằng mọi hoạt động mua bán của công ty đều cập nhật lên phần mềm nội bộ EPR, bởi vậy những dữ liệu trích xuất ra từ đây là chính xác.

Tại phiên toà ngày 5/5, bà Bùi Thanh Phượng, nhân viên tiệm vàng Thuận Phát, nhận là người điều hành chính còn chủ cửa hàng ít khi ở đó. Bà Phượng khai có nhận tiền mặt của Công ty Nhật Cường hoặc thông qua chuyển khoản song không rõ con số cụ thể. Khi cơ quan điều tra công bố là hơn 795 tỷ đồng, bà cũng chỉ "biết vậy".

"Tại sao tiệm vàng của bà lại nhận tiền của Công ty Nhật Cường?", chủ toạ truy vấn. Bà Phượng cho hay có khách đến nhờ thu tiền hộ tại Nhật Cường thì tiệm vàng đứng ra giúp. Thu xong khách sẽ trực tiếp đến lấy tiền mặt chứ không chuyển khoản. Mọi đầu mối ở Nhật Cường bà đều liên hệ qua bị cáo Ngọc.

Chủ toạ sau đó thắc mắc trụ sở Nhật Cường và tiệm vàng Thuận Phát chỉ "cách nhau có mấy bước chân mà lại làm việc khó hiểu như vậy". Bà Phượng đáp chính mình cũng không hiểu tại sao. Nói đến đây, chủ toạ lớn giọng cho hay: "Sẽ đề nghị cơ quan điều tra làm việc tiếp với bà Phượng cho rõ là tại sao".

Dự kiến trong một tuần từ 5/5, TAND Hà Nội xét xử 14 bị cáo liên quan sai phạm ở Nhật Cường về tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (một người đã chết trước khi hầu toà nên được đình chỉ điều tra).

Tổng giám đốc Bùi Quang Huy bị khởi tố ba tội danh, trong đó có Rửa tiền, có vai trò chủ mưu trong vụ án sai phạm ở Nhật Cường. Tuy nhiên, Huy đang bỏ trốn nên nhà chức trách phải đình chỉ điều tra.

Theo cáo buộc, từ 2014 đến tháng 5/2019, Nhật Cường mua 2.502 đơn hàng với 254.364 sản phẩm là điện thoại iPhone, máy tính, máy tính bảng,... của nhiều chủ hàng tại Mỹ, UAE, Singapore, Hong Kong. Công ty này không nhập khẩu điện thoại qua đường chính ngạch mà chi 72,9 tỷ đồng để thuê 9 đường dây vận chuyển hàng hoá trái phép từ Hong Kong về Việt Nam. Tổng trị giá hàng hoá và chi phí tiền công vận chuyển hơn 3.000 tỷ đồng, thu lợi hơn 221 tỷ đồng.

Các hoạt động mua bán hàng hoá từ nước ngoài của Nhật Cường không có hoá đơn. Huy chỉ đạo nhân viên chỉ theo dõi, giao dịch hàng hoá trên phần mềm quản lý nội bộ ERP. Khi hàng về kho, Huy chỉ đạo Đỗ Quốc Huy cho nhân viên nhập số IMEI (mã nhận dạng thiết bị di động quốc tế) với từng sản phẩm để tuồn ra bán cùng sản phẩm chính hãng.

Về hành vi vi phạm quy định về kế toán, Huy chỉ đạo lập hai hệ thống sổ sách kế toán theo dõi hoạt động công ty. Nhiều số liệu chỉ được ghi trên phần mềm để theo dõi nội bộ mà không đưa vào báo cáo thuế, gây thiệt hại cho nhà nước gần 30 tỷ đồng.

Tin mới lên