Tài chính quốc tế

Bị áp hàng trăm lệnh trừng phạt, khả năng chống chịu của Nga đến đâu?

(VNF) - Dù là nền kinh tế có độ mở chưa cao nhưng Nga lại sở hữu những tài nguyên chiến lược quan trọng. Bên cạnh những đối tác “kém thân thiện”, Nga còn có các “đối tác thân thiện” như Ấn Độ, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ… là những nền kinh tế mới nổi, có quy mô lớn. Đó là những yếu tố giúp Nga vững vàng ứng phó với hàng trăm lệnh trừng phạt của phương Tây.

Bị áp hàng trăm lệnh trừng phạt, khả năng chống chịu của Nga đến đâu?

Kinh tế Nga gặp khó

Trong ba thập niên sau khi Liên Xô sụp đổ, dù quan hệ chính trị giữa Moscow và phương Tây thường xuyên căng thẳng, nhưng quan hệ kinh tế giữa hai bên vẫn bền chặt theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, sau khi Nga quyết định đưa quân vào Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã nhanh chóng áp đặt thêm hàng trăm lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có đối với nền kinh tế Nga.

Các biện pháp mà phương Tây áp dụng gồm đóng băng gần một nửa dự trữ tài chính của Nga, trục xuất một số ngân hàng lớn nhất của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, cấm tàu và máy bay Nga đi vào các cảng và không phận, đưa ra các hạn chế xuất khẩu đối với một số công nghệ tiên tiến và đặt lệnh cấm vận đối với dầu mỏ và than đá của Nga.

Hơn 1.200 công ty nước ngoài đã đình chỉ hoặc cắt giảm hoạt động của họ tại Nga kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra, theo cơ sở dữ liệu từ Viện lãnh đạo điều hành của Đại học Yale. Trong đó có thể kể đến những tên tuổi lớn như Apple, McDonald's, IKEA, Visa và MasterCard.

Nga đồng thời phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám do sự di cư hàng loạt của hơn 300.000 người Nga, chủ yếu là những người trẻ tuổi và nhiều người trong số họ là các chuyên gia trong ngành công nghệ. Những người yêu thích tự do đã tìm đến các nước như Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Hơn 50.000 chuyên gia công nghệ thông tin cũng đã rời Nga.

Tính đến tháng 9/2022, các lệnh trừng phạt mới đã mang lại nhiều kết quả trái chiều. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã giảm 4% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm tăng lên 7% trong quý 3.

Các hạn chế nguồn cung mới không chỉ khiến lạm phát leo lên mức hai con số, mà còn khiến các nhà sản xuất Nga bị tước đoạt các linh kiện nhập khẩu quan trọng để lắp ráp các sản phẩm cuối cùng của họ. Sản lượng ôtô của Nga đã giảm mạnh tới 61,8% trong sáu tháng đầu năm nay.

Nhiều quan chức Nga thừa nhận, sẽ đặc biệt khó khăn trong việc tìm kiếm sự thay thế cho một số linh kiện điện tử cao cấp, chẳng hạn như vi mạch, vốn vẫn đang được phát triển bởi công nghệ phương Tây.

Khả năng chống chịu của nền kinh tế nhiều tài nguyên

Nền kinh tế Nga đến nay đã chứng tỏ khả năng phục hồi lớn hơn so với dự kiến. Mặc dù mất hơn 30% giá trị vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3, đồng ruble đã tăng trở lại để trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất trong năm.

Lạm phát đã bắt đầu giảm dần trong những tháng gần đây, từ mức cao nhất 17,8% vào tháng 4 xuống 14,9% vào tháng 8. Trong khi đó, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đã tăng lên mức kỷ lục 167 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 7, tăng hơn gấp ba lần so với năm trước.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã thay đổi đánh giá triển vọng kinh tế với Nga vào năm 2022, dự đoán rằng GDP của nước này sẽ giảm 6% thay vì 8,5% dự kiến ban đầu.

Ông Anton Tabakh, nhà kinh tế trưởng tại tổ chức đánh giá tín dụng Expert RA có trụ sở tại Moscow, cho rằng có hai yếu tố đã thúc đẩy nền kinh tế Nga trong sáu tháng đầu tiên của chế độ trừng phạt mới.

Trước hết là sự gia tăng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là năng lượng. Theo một tài liệu của chính phủ mà hãng tin Reuters dẫn nguồn, Nga dự kiến sẽ kiếm được hơn 337 tỷ USD từ việc bán năng lượng trong năm nay, tăng 38% so với năm 2021. Thứ hai là sự gia tăng chi tiêu của chính phủ.

Tabakh cho biết sự bùng nổ xuất khẩu của Nga có thể đã lên đến đỉnh điểm do nhu cầu toàn cầu giảm và các lệnh cấm vận mới có hiệu lực. Đồng thời, ông lưu ý rằng nhập khẩu của Nga đã dần bắt đầu phục hồi sau khi giảm mạnh vào đầu năm nay.

“Câu hỏi quan trọng bây giờ là nền kinh tế Nga sẽ trải qua cái mà Ngân hàng Trung ương Nga gọi là quá trình chuyển đổi cơ cấu như thế nào. Chúng ta đang nói về việc người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm mới, sự xuất hiện của các chuỗi cung ứng mới, các trung gian tài chính, và các công ty thích ứng với các hạn chế mới”, ông Tabakh nhận định.

Đối với một số doanh nhân Nga, các lệnh trừng phạt đã trở thành một cơ hội bất ngờ. Ông Nikolai Dunaev, Phó chủ tịch của Opora Russia, hiệp hội quốc gia của các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết cuộc di cư ồ ạt của các đại gia đa quốc gia khỏi Nga đã tạo cơ hội cho các công ty trong nước mở rộng thị phần - đặc biệt là trong các lĩnh vực như thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, du lịch và xây dựng.

Ông nói: “Có sự sụt giảm tổng thể về nhu cầu ở người tiêu dùng, nhưng điều này không quá nghiêm trọng ở Nga vì phần lớn nhu cầu còn lại đã chuyển sang các nhà sản xuất trong nước”.

Các nền kinh tế ngoài phương Tây cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đáp trả các lệnh trừng phạt của Nga. Ví dụ, sự tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc và Trung Đông trong những thập niên gần đây đã giúp Nga dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm sản phẩm thay thế cho hầu hết các loại hàng hóa phương Tây.

Đồng thời, Moscow đã bắt đầu lấp đầy khoảng trống kinh tế của mình thông qua các chương trình nhập khẩu song song. Theo đó các công ty Nga nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu phương Tây bao gồm điện thoại thông minh, ôtô và quần áo từ các nước bên thứ ba và sau đó bán lại chúng trên thị trường Nga mà không nhất thiết phải có sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thách thức phía trước của Nga là bài toán “chuyển đổi cơ cấu” và tái thiết trong dài hạn, nếu không nền kinh tế Nga khó có thể chống đỡ được trước tình trạng suy giảm mạnh trong bối cảnh các lệnh trừng phạt ngày một dày đặc.

Xem thêm >> Ông Putin cáo buộc Mỹ phá hoại Dòng chảy phương Bắc để hưởng lợi

Tin mới lên