Tài chính quốc tế

Bị chỉ trích vì tích cực mua dầu giá rẻ của Nga, Ấn Độ nói gì?

(VNF) - Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar khẳng định rằng việc nước này tăng cường nhập khẩu dầu của Nga không đồng nghĩa với việc tài trợ cho chiến sự tại Ukraine.

Bị chỉ trích vì tích cực mua dầu giá rẻ của Nga, Ấn Độ nói gì?

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar.

Phát biểu tại Diễn đàn an ninh toàn cầu 2022 (GLOBSEC 2022) được tổ chức tại thủ đô Bratislava của Slovakia, Bộ trưởng Jaishankar cho rằng thật không công bằng khi chỉ có Ấn Độ bị chỉ trích về việc nhập khẩu khí đốt từ Nga trong khi châu Âu cũng làm việc tương tự.

Theo ông Jaishankar, các gói trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU) đưa ra là nhằm đảm bảo lợi ích của một số quốc gia châu Âu. Điều quan trọng là phải hiểu cuộc xung đột Ukraine đang tác động như thế nào đến các nước đang phát triển.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Ấn Độ cho biết lượng dầu nhập khẩu từ Nga chỉ chiếm một phần nhỏ so với nhu cầu tổng thể của đất nước. 

Ông Jaishankar cũng cho rằng, mặc dù giá dầu trên thị trường thế giới đã tăng gấp nhiều lần do tác động của xung đột Nga-Ukraine, tuy nhiên các quốc gia phương Tây và Mỹ vẫn không cho phép hai quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn là Iran và Venezuela giao dịch dầu mỏ.

"Nếu các quốc gia ở châu Âu, phương Tây và Mỹ lo ngại đến vậy, tại sao họ không cho phép Iran, Venezuela bán dầu ra thị trường? Họ đã vắt kiệt mọi nguồn dầu khác mà chúng tôi có", ông nói thêm.

Sáng 3/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe được giao dịch ở mức 120,26 USD/thùng, tăng 3,39 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 8/2022 cũng tăng 3,66 USD/thùng lên mức 121,27 USD/thùng,

Giá dầu tăng vọt sau khi EU thông qua gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong đó có lệnh cấm vận dầu.

Cụ thể, các biện pháp hạn chế mới bao gồm cấm "mua, nhập khẩu hoặc chuyển dầu thô và một số sản phẩm dầu mỏ từ Nga vào EU", với thời hạn áp dụng từ sáu tháng đối với dầu thô và tám tháng đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác.

EU cho biết gói trừng phạt mới sẽ tạm thời miễn trừ cho các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào dầu Nga qua đường ống và không có phương án thay thế khả thi nào do tình hình địa lý của các nước này. Theo đó, EU cho phép họ tiếp tục nhận dầu thô chuyển từ Nga.

Ngoài ra, Bulgaria và Croatia cũng sẽ được miễn trừ tạm thời lệnh cấm đối với việc nhập khẩu dầu thô bằng đường biển và dầu nhớt của Nga.

"Điều này sẽ đặc biệt làm khó Nga trong việc tiếp tục xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của họ tới phần còn lại của thế giới", Hội đồng châu Âu khẳng định.

Lệnh cấm vận dầu Nga mà châu Âu đưa ra được cho là sẽ áp lực lớn lên nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, việc một số khách hàng châu Âu không muốn mua dầu Nga đã tạo cơ hội cho Moscow tìm được những khách hàng khác ở khu vực châu Á để bù đắp. Trong đó khách hàng lớn nhất là Ấn Độ.

Hãng tin Reuters hôm 30/5 dẫn dữ liệu cho thấy Ấn Độ đã nhập 34 triệu thùng dầu với mức chiết khấu cao từ Nga kể từ tháng 2, thời điểm Nga bắt đầu đưa quân tới Ukraine, gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Xem thêm >> Chuyên gia: Giá Bitcoin có thể lao dốc xuống 14.000 USD trong năm nay

Tin mới lên