Thị trường

Bị Covid-19 đẩy vào ngõ cụt, doanh nghiệp du lịch ứng phó thế nào?

(VNF) - Chưa kịp phục hồi sau hơn một năm điêu đứng vì đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch lại phải đối diện với nhiều khó khăn khi đợt dịch thứ 4 bùng phát chưa từng có.

Bị Covid-19 đẩy vào ngõ cụt, doanh nghiệp du lịch ứng phó thế nào?

Bị Covid-19 đẩy vào ngõ cụt, doanh nghiệp du lịch ứng phó thế nào?

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và cả ở Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều ngành kinh tế. Đặc biệt, các hoạt động du lịch gần như phải “ngủ đông” khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vào đầu mùa hè, mùa cao điểm du lịch nhất năm của ngành công nghiệp không khói, đẩy các công ty du lịch rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Trước bối cảnh này, doanh nghiệp du lịch cần phải có sự “xoay chuyển” chiến lược phù hợp và thực thi chiến lược đó. Việc đảm bảo kế hoạch thích ứng và duy trì hoạt động, cũng như xem xét lại chiến lược và mô hình kinh doanh là những ưu tiên quan trọng đối với các doanh nghiệp du lịch, không chỉ trong thời kỳ dịch bùng phát mà còn trong cả thời kỳ hậu dịch.

Đi vào ngõ cụt

Chia sẻ với VietnamFinance, ông Nguyễn Sơn Thuỷ, Tổng thư ký Hiệp hội du lịch Quảng Nam, cho hay: “Đại dịch Covid-19 đã kéo dài được 1 năm rưỡi khiến ngành du lịch rất “kiệt quệ”, các doanh nghiệp rất vất vả, hầu như không có lối thoát và rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất. Nói chung là đi vào ngõ cụt”.

Còn theo nhìn nhận của ông Phạm Hà, CEO Lux Group, đại dịch Covid-19 đã phủ “bóng đen” lên hầu hết các ngành kinh tế trên toàn cầu, không chỉ riêng Lux Group mà tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đang phải đương đầu với những khó khăn, thách thức chưa từng có. Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát vào đầu mùa hè, mùa cao điểm du lịch nhất năm nên tác động lần này rất khủng khiếp.

“Chúng tôi giờ lâm vào cảnh “cháy nhà tứ phía” bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến các hệ sinh thái của công ty như: hoạt động du lịch, hoạt động vận tải, du thuyền,… Hiện nay, đội du thuyền buộc phải “ngủ đông giữa mùa hè” do không có khách, các hoạt động du thuyền đều phải tạm ngưng, bộ phận lữ hành của công ty phải hoãn, hủy toàn tour,…”, CEO Phạm Hà cho hay.

Ông Nguyễn Văn Phượng, Phó chi hội tàu du lịch Hạ Long, thành viên Hiệp hội du lịch Quảng Ninh, đánh giá dịch bệnh Covid-19 xảy ra từ hơn 1 năm nay đã đem đến rất nhiều khó khăn và hệ lụy cho toàn thể chủ tàu và người lao động.

Phó chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết các tàu du lịch không có khách nên phải hoạt động cầm chừng, nhiều tháng buộc phải dừng hoạt động hoàn toàn theo các thông báo của UBND thành phố để phòng chống dịch bệnh. Điều này khiến các tàu không có nguồn thu trong khi vẫn phải duy trì lượng thuyền viên cần thiết để trông coi tàu. Đó là chưa kể là các chi phí khác như tiền lương, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là tiền vay ngân hàng. Hiện vốn vay chiếm đến 70% vốn đầu tư cho các dự án.

“Khi Covid-19 ùa đến, nhiều dự án đã hoàn thành, nhiều dự án chuẩn bị đi vào hoạt động và có những dự án vẫn dở dang... song tất cả cùng chung số phận là mất sạch mọi nguồn thu theo dự kiến vì không có khách để phục vụ. Điều này dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp không thể trả nợ vay cả vốn và lãi đã hiện hữu. Mặc dù doanh nghiệp đã huy động mọi nguồn lực có thể để đảm bảo duy trì hoạt động nhưng đến nay mọi nguồn lực đã cạn”, ông Nguyễn Văn Phượng chia sẻ thêm.

Doanh nghiệp du lịch phải tự thay đổi mình

Để doanh nghiệp tồn tại, thích ứng và sau đó tận dụng được cơ hội để phát triển, Tổng thư ký Hiệp hội du lịch Quảng Nam cho rằng vấn đề cốt lõi nằm ở chính các doanh nghiệp.

“Họ cần phải đánh giá, nhìn nhận lại chính doanh nghiệp của mình để có thể chuyển dịch theo khả năng của mình. Khi một ngành nghề đóng lại thì một ngành nghề khác được mở ra, nếu doanh nghiệp có thể tận dụng và đánh giá được nhu cầu thị trường đang ở giai đoạn nào, đang quan tâm ở nhu cầu gì thì có thể thay đổi sản phẩm của mình sao cho cho linh hoạt”, ông Thuỷ nói.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn đặt ra cho các doanh nghiệp làm du lịch thời kỳ "hậu" Covid-19 được ông Thuỷ chỉ ra đó là đa số các doanh nghiệp làm du lịch lâu năm rất khó có thể chuyển đổi và thích ứng được với điều kiện mới, bởi nguồn lực bị cạn kiệt, tài chính hạn hẹp, thậm chí tinh thần không còn để duy trì nhiệt huyết. Chỉ có những doanh nghiệp nào đủ bản lĩnh, đủ kiến thức, đủ nguồn lực thì mới có thể chuyển đổi được.

Tổng thư ký Hiệp hội du lịch Quảng Nam nhận định du lịch quốc gia "hậu" Covid-19 sẽ thay đổi rất nhiều, thái độ và nhu cầu của người tiêu dùng cũng sẽ hoàn toàn khác so với trước đây.

Ông Thuỷ cho rằng các doanh nghiệp làm du lịch hiện nay cần phải đánh giá lại tỷ suất đầu tư, không nên đổ vốn quá nhiều vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng (cụ thể là các toà nhà cao tầng) mà nên chú trọng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, đầu tư chất xám vào các sản phẩm du lịch,…

Còn theo CEO Lux Group Phạm Hà, Nhà nước và các doanh nghiệp làm du lịch cần phải mạnh dạn thay đổi và chuyển hướng theo nhịp đập chung thị trường, của toàn cầu.

“Chúng ta nói rất nhiều nhưng chúng ta không làm”, ông Phạm Hà nhấn mạnh.

CEO Lux Group lấy ví dụ, từ tháng 7, Thái Lan bắt đầu triển khai chương trình thí điểm mở cửa đảo Phuket cho du khách nước ngoài đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ mà không cần cách ly. Chính phủ Thái Lan dự định sử dụng hòn đảo này như một bước đệm, tiến tới đón khách quốc tế tới các địa điểm khác trên cả nước.

“Chúng ta có thể học hỏi và rút ra bài học từ Thái Lan để có thể vận dụng linh hoạt cho việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế tới Phú Quốc (Kiên Giang) vào tháng 10 tới đây. Việc cấp bách nhất hiện nay đó là cần phải có các quy trình cụ thể như: doanh nghiệp du lịch phải làm gì, khách hàng phải làm gì, cơ quan địa phương, chính quyền địa phương phải làm gì,…”.

“Chúng ta cũng cần phải xác định rõ rằng khách du lịch đến nước ta có kết quả xét nghiệm dương tính là điều khó tránh khỏi”, CEO Phạm Hà cho hay.

Để thúc đẩy doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong thời gian tới, CEO Phạm Hà cho rằng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp.

Thứ nhất là cần có cơ chế chính sách thông thoáng, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ cho vay vốn lưu động đối với các doanh nghiệp du dịch.

Thứ hai là giảm các loại thuế, phí, giãn nợ vay và lãi vay, có chính sách ân hạn nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội.

Thứ ba là hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo về nguồn nhân lực. 

Cũng theo ông Hà, dịch Covid-19 bùng phát cho thấy một hiện thực là vai trò của các cơ quan quản lý còn yếu kém.

“Hiện nay còn sự chồng chéo lên nhau giữa các ban, bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương, không có sự quản lý thống nhất, không thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, dẫn tới việc du lịch không được coi trọng. Cùng với đó, tài nguyên du lịch đang bị lãng phí rất lớn; nguồn nhân lực trong ngành du lịch rất yếu và mỏng, sản phẩm du lịch nghèo nàn và lạc hậu”, ông Hà nói.

Trong khi đó, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam cho rằng vắc xin là con đường duy nhất để phục hồi du lịch Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung.

“Muốn mở cửa du lịch Quảng Nam thì phải mở cửa du lịch Hội An, mà Hội An muốn mở cửa diện rộng thì cần có cơ chế xã hội hóa để phổ cập vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân thành phố, từ đó tiến hành khoanh vùng mở cửa trở lại các hoạt động du lịch”, ông Thanh hiến kế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượt khách quốc tế đến Việt Nam cả năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành năm 2020 ước tính chỉ đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, giảm 59,5% so với năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2020 ước tính cũng chỉ đạt 510,4 nghìn tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước.

Tổ chức Du lịch thế giới (UNTWO) cho biết sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu trong năm 2020 sụt giảm tới 1,1 tỷ lượt. Tổng thu du lịch toàn cầu mất đi 1,1 nghìn tỷ USD; khoảng 100-120 triệu lao động trong ngành bị mất việc.

 

Tin mới lên