Thị trường

Bị đòi bồi thường 115 triệu USD, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nói gì?

(VNF) - Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB, chủ đầu tư) vừa có phản hồi liên quan tới việc liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella (HGU) yêu cầu bồi thường gần 115 triệu USD tại dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Bị đòi bồi thường 115 triệu USD, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nói gì?

Bị đòi bồi thường 115 triệu USD, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nói gì?

MRB cho biết theo quy định của hợp đồng FIDIC được áp dụng tại dự án, theo thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam, cả chủ đầu tư và nhà thầu đều có quyền đưa ra các khiếu nại/yêu cầu bồi thường do các vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của bên còn lại. 

“Đối với khoản tiền bồi thường gần 115 triệu USD (chính xác là 114,7 triệu USD), nhà thầu chỉ mới cung cấp được hồ sơ, tài liệu chứng minh cho một phần khiếu nại với giá trị rất nhỏ, khoảng 2-3% tổng giá trị nhà thầu khiếu nại (tương đương 20-30 tỷ đồng), MRB cho hay.  

MRB cũng cho rằng, phần lớn giá trị khiếu nại của nhà thầu chỉ dựa trên các bảng tính sơ bộ, khái toán, thiếu căn cứ pháp lý cũng như các hồ sơ, tài liệu chứng minh cần thiết. Do đó, tư vấn (Systra - Cộng hòa Pháp) cũng như chủ đầu tư chưa thể đánh giá chính xác cho các khiếu nại để làm cơ sở giải quyết các tranh chấp.

“Tư vấn và chủ đầu tư đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhà thầu nhưng cho đến nay nhà thầu chưa thực hiện các yêu cầu này”, chủ đầu tư MRB thông tin thêm.

MRB cũng cho biết hiện dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đạt khoảng 74% tiến độ, trong đó đoạn 8,5km đi trên cao đạt 89,5%, đoạn 4km đi ngầm đạt 32,2%. Dự kiến dự án sẽ đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao vào tháng 12/2022.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, trong đó 8,5km đi trên cao, 4km đi ngầm, 8 ga trên cao, 4 ga ngầm, 1 depot. Dự án khởi công ngày 25/9/2010 với mục tiêu cuối năm 2015 hoàn thành, đưa vào sử dụng giai đoạn 1.

Tuy nhiên edo nhiều nguyên nhân đã ảnh hưởng đến kế hoạch ban đầu, vì vậy UBND TP Hà Nội điều chỉnh tiến độ khai thác đoạn trên cao vào tháng 4/2021, khai thác toàn tuyến vào cuối năm 2022.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án này là 783 triệu euro, đến nay đã được điều chỉnh lên 1,176 tỷ euro. Trong đó, vốn vay ODA là 957,99 triệu euro từ Chính phủ Pháp, cơ quan phát triển Pháp, ngân hàng đầu tư châu Âu và ngân hàng phát triển châu Á; vốn đối ứng từ ngân sách thành phố Hà Nội là 218,01 triệu euro.

Xem thêm: Bộ Tài chính đề xuất sửa quy định về tỷ lệ tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Tin mới lên