Tài chính quốc tế

Bị nhiều nước ‘tẩy chay’, Huawei vẫn ký được thỏa thuận phát triển 5G với Nga

(VNF) - Trong bối cảnh Mỹ liên tục kêu gọi các đồng minh châu Âu cân nhắc rủi ro khi sử dụng thiết bị Huawei thì mới đây tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc đã ký thỏa thuận với hãng viễn thông MTS của Nga để triển khai 5G.

Bị nhiều nước ‘tẩy chay’, Huawei vẫn ký được thỏa thuận phát triển 5G với Nga

Chủ tịch luân phiên Huawei Quách Bình (trái) bắt tay với Chủ tịch MTS Alexei Kornya dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thỏa thuận trên được ký kết ngày 5/6 bên lề cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin tại Moscow trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Tuyên bố của MTS cho biết thỏa thuận sẽ cho thấy "sự phát triển của các công nghệ 5G và sự tiên phong của mạng lưới thế hệ thứ 5 trong năm 2019-2020".

Chủ tịch luân phiên Huawei Quách Bình cho biết ông "rất vui mừng" với thỏa thuận "trong lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược như 5G".

Trước đó, ngày 4/6, Huawei cũng xác nhận đã ký được 42 hợp đồng mạng 5G, trong đó có 25 hợp đồng ở châu Âu, 10 ở Trung Đông, và 6 ở khu vực châu Á.

Washington từ lâu cáo buộc Huawei là "công cụ do thám" của chính phủ Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ hôm 15/5 đã đưa Huawei và 68 chi nhánh của công ty này vào danh sách cấm mua các bộ phận, linh kiện từ công ty Mỹ nếu không có sự chấp thuận của chính phủ.

Các chuyên gia cho rằng quyết định của Mỹ, sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tuần tới, có thể đe dọa đến sự "tồn vong" của Huawei, vốn phụ thuộc lớn vào các con chip của Mỹ trong mảng điện thoại thông minh.

Không chỉ "cấm cửa" Huawei, Chính phủ Mỹ còn kêu gọi các quốc gia đồng minh không sử dụng thiết bị 5G của Huawei vì lý do các thiết bị này có thể đặt ra nguy cơ an ninh quốc gia - một cáo buộc mà Huawei phủ nhận.

Một số quốc gia, trong đó có Australia và New Zealand, đã cấm Huawei cung cấp thiết bị cho mạng di động 5G. Thêm vào đó, Huawei phải đối mặt với hai lệnh truy tố hình sự của giới chức Mỹ.

Ông Tống Lục Bình, cố vấn pháp lý của Huawei, cho rằng quyết định đưa Huawei vào "danh sách đen" sẽ làm thiệt hại cho khách hàng của Huawei ở 170 nước, trong đó có hơn 3 tỷ người sử dụng các sản phẩm và dịch vụ trên khắp thế giới.

“Bằng cách ngăn cản các công ty Mỹ giao dịch với Huawei, Chính phủ Mỹ đã trực tiếp làm thiệt hại hơn 1.200 công ty của nước này. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến hàng chục nghìn việc làm tại Mỹ", ông Tống nhấn mạnh.

Theo ông Tống, chính quyền Mỹ đã không cung cấp bằng chứng nào cho thấy Tập đoàn Huawei là một mối đe dọa an ninh". Ông cũng cho rằng đây là lần đầu tiên, nhiều chính trị gia Mỹ sử dụng sức mạnh của cả một quốc gia để tấn công một công ty tư nhân.

Trước đó, hồi tháng 3/2019, Huawei đã đệ trình đơn lên một tòa án ở tiểu bang Texas, kiện Chính quyền Mỹ vi phạm hiến pháp. Phiên tòa xem xét đơn kiện của Huawei sẽ diễn ra vào ngày 19/9 tới.

Xem thêm >> Căng thẳng với Trung Quốc, Mỹ tính bán lô xe tăng 2 tỷ USD cho Đài Loan

 

Tin mới lên