Diễn đàn VNF

Bí quyết của phát triển

(VNF) - Năm 2003, tôi được Hoàng gia Na Uy mời sang thăm. Trong chuyến thăm ấy, tôi được Vua và Hoàng Hậu tiếp tại Hoàng cung. Trong buổi tiếp kiến, tôi đã tặng họ cuốn sách có tác phẩm của tôi được dịch và xuất bản tại Na Uy. Tôi nói với Đức vua và Hoàng Hậu về một truyện ngắn có tên là "Tiếng đập cánh của chim thần" của tôi in trong tập sách. Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ, về một làng quê của tôi, nhưng có thể nói một điều gì đó về con người và đất nước tôi.

Bí quyết của phát triển

Câu chuyện kể về những đứa trẻ luôn nghe được tiếng đập cánh của bầy chim thần trở về trên những vòm cây trong khu vườn của làng. Rồi chiến tranh ập đến, những đứa trẻ vụt lớn lên và trở thành những người lính đi vào mặt trận bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh kết thúc, một số những người lính trẻ sống sót và trở về. Khu vườn đã bị bom phá tan hoang. Những người lính lại cùng nhau bước vào khu vườn xưa với hy vọng nghe được tiếng đập cánh của chim thần bay về. Và trong khu vườn vẫn còn đầy dấu tích tàn phá của chiến tranh, những người lính trẻ đã nghe thấy tiếng cánh chim thần.

Nghe xong câu chuyện đó, Đức vua Na Uy nói với tôi rằng: “Ngài đã nhìn thấy tương lai của dân tộc Việt Nam, một tương lai rực rỡ, vì ngài thấy được giấc mơ lớn và một niềm tin bất diệt mà không gì có thể khuất phục nổi của con người Việt Nam, cụ thể ở câu chuyện này là những người lính. Với giấc mơ v à niềm tin như thế, mọi dân tộc sẽ đi tới tương lai đẹp đẽ của mình”.

Những gì mà Đức vua Na Uy nói không phải là ngôn ngữ ngoại giao mà là sự hiển nhiên của chân lý, là con đường mà nhiều dân tộc đã đi qua để tới được tương lai rực rỡ của họ.

Hồi còn học ở Cuba trong những năm 80 của thế kỷ trước, những người trẻ Cuba thường hay hỏi chúng tôi có phải người Nhật không. Đầu tiên chúng tôi trả lời là không phải với một sự tự ái. Nhưng sau này, không ít sinh viên Việt Nam tự nhận mình là người Nhật. Những người trẻ ở Cuba lúc đó rất kính trọng người Nhật, những công dân của một đất nước đã phải gánh chịu đau thương vô bờ bến khi hai quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống, nhưng rồi đã trỗi dậy vô cùng ngoạn mục sau mấy chục năm. Tất nhiên những người già Cuba vẫn yêu quí Việt Nam bởi Việt Nam đã thắng Mỹ. Chuyện có những sinh viên Việt Nam tự xưng là người Nhật là một câu chuyện buồn. Đó là hiện thực mà những người Việt Nam phải suy nghĩ. Chiến tranh đã kết thúc gần một nửa thế kỷ. Chúng ta chưa làm thêm được nhiều thương hiệu nào đáng kể mang tên Việt Nam trong tiến trình phát triển mới của nhân loại.

Khi Đặng Thái Sơn được giải Nhất cuộc thi piano lớn mang tên Sôpanh (Frederic Chopin), Ngô Bảo Châu được Giải toán học Fields, người Việt Nam rất tự hào, vì thực sự chúng ta cần những thương hiệu như vậy như một niềm tự hào dân tộc và như một động lực để phát triển đất nước. Trong nhiều chuyến đi nước ngoài, lúc ngồi nói chuyện với bạn bè ngoại quốc, tôi thi thoảng hỏi họ có biết về Giải piano mang tên Sôpanh không, có biết về Giải toán học Fields không? Nếu họ biết thì tôi sẽ nói cho họ nghe về những người Việt Nam đã nhận được giải thưởng đó. Tôi muốn họ thấy được rằng người Việt Nam không chỉ anh hùng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc mà còn yêu âm nhạc và giỏi toán học.

Tôi nhiều lần được mời đến thăm và làm việc với các trường đại học trên thế giới ở các nước như Mỹ, Nhật, Anh, Nga, Thuỵ Điển… Tôi được nghe kể về những sinh viên xuất sắc của các trường ấy đến từ Việt Nam. Nhưng có một thực tế là khi những sinh viên xuất sắc này trở về nước, họ cứ từ từ “biến mất”. Một trong những nguyên nhân là khi trở về nước, những sinh viên này vội vã lao vào con đường mưu sinh và không còn theo đuổi sự nghiệp khoa học mà họ đã chọn lựa, đã đạt những kết quả học tập xuất sắc.

Một sinh viên Mỹ ra trường sẵn sàng ở nhà thuê, đi xe công cộng, để theo đuổi lĩnh vực mà họ học trong trường đại học. Rồi mười, hai mươi năm sau, họ trở thành những chuyên gia, những nhà khoa học xuất sắc và tác động vào sự phát triển đất nước của họ. Còn các sinh viên xuất sắc của chúng ta chỉ trở thành những công chức, viên chức thụ động, an bài cho đến lúc về hưu. Không phải tất cả những sinh viên Việt Nam giỏi nhất đều ở lại nước ngoài để rồi trở thành những nhân vật xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, mà phải nói là, họ đã thực sự dấn thân cho lĩnh vực của họ. Bởi thế nên họ đã trở thành những người có uy tín ở đất nước mà họ định cư. Rồi sau đó không ít những người đó trở về đất nước, nói cho chúng ta phải làm gì để phát triển đất nước.

Điểm xuất phát của những sinh viên Việt Nam với nhau và với các sinh viên nước ngoài, là như nhau, nhưng tương lai lại hoàn toàn khác nhau.

Trong cuộc thi thiết kế Khu tưởng niệm các lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam, cô sinh viên 21 tuổi người Mỹ gốc Trung Quốc đã giành giải Nhất và thiết kế của cô đã được hiện thực hoá thành bức tường tưởng nhớ chiến tranh ở Washington nổi tiếng. Câu chuyện này cho thấy một điều là: Sự tự tin của một người rất trẻ và sự công bằng của xã hội đã làm cho tài năng nở hoa. Nếu ở Việt Nam, câu chuyện này sẽ khó lòng trở thành hiện thực.

***

Việt Nam có hầu hết những yếu tố nền tảng để phát triển đất nước. Và điều mà Đức vua Na Uy nói là yếu tố quan trọng nhất, không chỉ đối với Việt Nam, mà đối với mọi quốc gia. Đó là giấc mơ lớn và niềm tin mãnh liệt về con người, về xứ sở thân yêu của mình. Thế nhưng, cho đến bây giờ, sau gần một nửa thế kỷ chiến tranh kết thúc, chúng ta vẫn phải đối mặt với quá nhiều câu hỏi về sự phát triển của đất nước chúng ta.

Năm 2003, tôi được mời đến nghỉ và viết ở một ngôi nhà trên vùng đồi Achill của Ailen (Ireland). Đây là một đất nước địa hình chủ yếu là đồi núi, chuyên trồng khoai tây và chăn nuôi gia súc. Một đất nước đã từng có những làn sóng di cư lớn bởi quá đói nghèo. Bên cảng Boston, Hoa Kỳ, vẫn còn đài tưởng nhớ hàng ngàn người Ailen chết vì những chuyến di cư vượt biển từ Ailen đến Mỹ. Nhưng bây giờ, họ là một trong năm nước có thu nhập đầu người cao nhất châu Âu, có bốn nhà văn đoạt giải Nobel, có một đội bóng nhiều lần tham dự World Cup… Đó là một đất nước mà tôi gọi là “Thiên đường trên mặt đất”. Ailen không có một thiên nhiên phong phú như Việt Nam, con người Ailen không dũng cảm hơn chúng ta, không thông minh hơn chúng ta, không cần cù hơn chúng ta, nhưng họ hơn chúng ta mọi mặt trong việc xây dựng đất nước họ.

Tôi đã sống với những người Ailen trong gần hai tháng. Tôi đã hỏi một số trí thức và người lao động ở đó nhiều lần với cùng một câu hỏi: “Điều gì quyết định số phận dân tộc các ông?”. Tất cả đều trả lời: “Văn hoá”. Và như sợ tôi không hiểu hết, họ giải thích: “Văn hoá chứa đựng trong đó những giấc mơ, tình yêu, lòng tự trọng, đức tin, lẽ phải và sự dâng hiến”. Tất cả bí quyết này, tổ tiên, ông bà ta đều có. Nhưng sự thật, chúng ta đã bỏ quên những bí quyết đó.

Cho dù nhiều người không đồng ý với tôi thì tôi vẫn phải nói rằng: Bí quyết ấy đã vừa hiện ra trong chính một môn thể thao là bóng đá. Những tờ báo thể thao lớn trong khu vực và trên thế giới ca ngợi đội tuyển Việt Nam không phải đội tuyển Việt Nam mở ra một triết lý bóng đá mới hay là đã trở thành một đội bóng có thứ hạng cao của thế giới, mà bởi câu chuyện của con người nằm trong môn thể thao đó. Một tiến sỹ ngôn ngữ Mỹ đang nghiên cứu về sự tiếp cận ngôn ngữ Anh ở Việt Nam, nói với tôi: “Nếu Việt Nam xây dựng đất nước như cách xây dựng bóng đá Việt Nam trong một năm vừa qua thì Việt Nam cũng sẽ gặt hái được những thành công như vậy”.

Vậy cách xây dựng đội bóng Việt Nam mới là cách gì? Đó là chuyên môn sâu, thể lực tốt, chiến lược đúng, sự gắn kết con người với con người, lòng tự trọng dân tộc, sự dâng hiến đẹp đẽ của từng con người cho sứ mệnh chung… Nếu chúng ta lấy những phẩm chất ấy đặt vào các lĩnh vực khác như kinh tế, giáo dục, văn hoá, bảo vệ môi trường, thì các lĩnh vực ấy sẽ thế nào? Câu trả lời chắc chắn là: “Chúng ta sẽ thành công!”.

Cách đây nhiều năm, trong một lần quá cảnh ở sân bay Narita, Nhật Bản, tôi gọi cà phê trong một quầy ở trong sân bay. Một nhân viên người Nhật mang cà phê cho tôi và vô tình để sánh ra, rơi vào giày của tôi. Anh ấy vội quỳ xuống và lau giày cho tôi. Sau đó anh cúi gập người nhiều lần để xin lỗi tôi. Tôi xúc động vô cùng và nhận ra nước Nhật đã lớn lên và chinh phục thế giới từ chính sự cúi mình ấy. Sự cúi mình trước một hành động sai là tiền đề cho sự ngẩng đầu kiêu hãnh. Chúng ta chưa có được nhiều những hành động ấy. Chúng ta phải nhìn lại toàn bộ những hành động của mình cho niềm kiêu hãnh dân tộc. Và khi viết những dòng này thì tôi là người cúi đầu trước hành động cúi đầu của anh nhân viên người Nhật.

Một lần ở Mỹ, chiếc xe chở chúng tôi bị sa xuống vệ đường. Những người Mỹ lái xe đi qua đều dừng lại, vội vã ra khỏi xe để chạy đến hỏi chúng tôi, có ai bị đau không, có cần họ giúp gì không. Trong những người ấy, có một đôi trai gái ăn mặc rất “hippy”. Nhà văn Nguyễn Thị Như Trang chứng kiến cảnh đó, đã thốt lên: “Nước Mỹ là thế này ư?”.

Cũng như một lần tôi nhìn thấy người ta quấn những tấm chăn mềm quanh các gốc cây ở một đoạn đường ở Boston. Tôi hỏi một người bạn Mỹ, họ làm thế để làm gì. Người bạn Mỹ nói, để bảo vệ những cái cây vì họ sắp sửa chữa đoạn đường. Nghe xong, tôi “chết lặng”. Tôi mơ hồ nhận ra vì sao nước Mỹ trở thành một cường quốc. Trong nhiều nguyên nhân có những nguyên nhân vô cùng giản dị, là họ biết quan tâm đến người khác và biết chăm sóc những cái cây. Còn chúng ta đang sống như thế nào? Tôi không viết ra đây câu trả lời của tôi. Tôi viết ra đây để ai đọc những dòng này hãy tự trả lời câu hỏi ấy. Đương nhiên tất cả chúng ta đều đã biết câu trả lời.

Trong một đêm khuya tại một ngã tư ở Singapore, tôi nhìn thấy một thanh niên đứng chờ đèn đỏ. Đó là một khu phố nhỏ và vắng. Tôi quan sát và thấy rằng không hề có một chiếc xe nào đang đi tới. Nhưng người thanh niên kia vẫn bình thản đợi cho đến khi có tín hiệu đèn xanh, cho phép đi qua đường mới vượt qua ngã tư. Câu chuyện tôi kể ra đây là một câu chuyện bình thường, nhưng nó lại không bình thường khi nghĩ về người dân chúng ta ở các đô thị. Có đèn đỏ chúng ta vẫn tìm cách vượt đèn đỏ. Chúng ta tranh nhau để nhanh hơn 30 giây hoặc một phút khi qua ngã ba, ngã tư. Và như vậy, chúng ta đã chậm hơn Singapore một trăm năm về mọi mặt. Bởi vì chúng ta không sống với nguyên tắc. Chúng ta đang sống rất tuỳ tiện. Sự tuỳ tiện luôn luôn biến chúng ta thành kẻ thất bại ở mọi nơi, mọi lúc và trong mọi công việc.

***

Không ai làm chúng ta nghèo, không ai làm chúng ta hèn, mà chính chúng ta để chúng ta như vậy. Bài học của những quốc gia giàu có và đáng sống trên thế giới này, thực ra chẳng có gì bí hiểm hay to tát cả. Bài học đó là biết quan tâm đến một người bên cạnh, biết chăm sóc những cái cây, biết tôn trọng chính cá nhân mình. Chỉ khi chúng ta làm được những điều tưởng vô cùng nhỏ bé ấy chúng ta mới làm được những việc lớn lao, chỉ khi chúng ta làm được những điều bình thường ấy chúng ta mới làm được những điều phi thường.

Đất nước đang bước vào một công cuộc khởi nghiệp mới để phát triển! Muốn đạt tới những kỳ tích, những vượt trội lớn lao, thì ngay từ khi bắt đầu công cuộc khởi nghiệp và lập nghiệp, mỗi con người chúng ta phải ngẫm nghĩ và thấu hiểu cho được, đâu là những động lực nội tại, phải hình thành nên một nền tảng văn hóa nội tại và tinh thần dâng hiến nội tại của chính mình. Có như thế thì chúng ta mới hy vọng đi được dài lâu trên con đường xa, mới định hướng đúng những kỳ tích mà mình mong muốn đạt tới.

Đông, cuối năm 2018.

Tin mới lên