Tài chính quốc tế

Bí quyết ‘sống khỏe’ giữa đại dịch Covid-19 của các tập đoàn lớn trên thế giới

(VNF) - Đại dịch Covid-19 không chỉ cướp đi mạng sống của hơn 4 triệu người trên thế giới mà còn tàn phá nền kinh tế toàn cầu, khiến nhiều ngành công nghiệp rơi vào bế tắc, người lao động bị sa thải hàng loạt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn vững vàng trong đại dịch, thậm chí còn tăng trưởng mạnh mẽ.

Amazon

Amazon là một trong những tập đoàn hưởng lợi nhờ đại dịch Covid-19. Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II mới đây, Amazon ghi nhận doanh thu trên 100 tỷ USD quý thứ 3 liên tiếp.

Tính tới hết ngày 30/6, công ty này có 1,33 triệu nhân viên trên toàn cầu, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Những vị trí được tuyển dụng mới chủ yếu là nhân viên kiểm kê, đóng gói và vận chuyển.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, tập đoàn thương mại điện tử này đã chi hàng tỷ USD để cung cấp trang thiết bị bảo vệ an toàn cho người lao động và đầu tư cho sáng kiến Project Ultraviolet (nhằm phát triển năng lực chẩn đoán để thường xuyên kiểm tra hàng trăm nghìn nhân viên kho hàng dù có triệu chứng nhiễm Covid-19 hay không).

Các nhân viên kiểm kê, đóng gói của Amazon làm việc hết công suất trong suốt mùa dịch.

Tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, cho biết trong giai đoạn đại dịch, ông đã hạn chế đầu tư và phát triển các dự án dài hạn và các dự án thử nghiệm mới mà chỉ chú trọng vào việc giải quyết các vấn đề về hàng tồn kho và các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động.

Theo Phó Chủ tịch phụ trách khách hàng toàn cầu của Amazon, bà Alicia Boler Davis, thời gian tới công ty sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ tại những bộ phận cần thiết, dựa trên quan điểm an toàn, và giúp cải thiện hoạt động kinh doanh về tổng thể.  

Mới đây, nhằm khuyến khích nhân viên tiêm vaccine ngừa Covid-19, tập đoàn thương mại điện tử này đã tổ chức chương trình quay số may mắn dành cho những nhân viên đã tiêm vaccine với tổng giải thưởng lên tới gần 2 triệu USD.

Chương trình xổ số của Amazon dành cho các nhân viên tuyến đầu, gồm những người lao động làm việc ở nhà kho, trung tâm hậu cần, nhân viên làm việc theo giờ tại chuỗi siêu thị Whole Foods Market, các cửa hàng tạp hóa Amazon Fresh và trung tâm dữ liệu Amazon WebServices.

Kelly Nantel, người phát ngôn của Amazon, cho biết tập đoàn đã tổ chức hơn 1.100 sự kiện tiêm chủng tại chỗ để giúp nhân viên và thành viên trong gia đình có thể tiêm chủng một cách dễ dàng nhất.

LVMH

Du lịch quốc tế bị đóng băng cùng với yêu cầu đóng cửa do đại dịch đã khiến tập đoàn sản xuất hàng xa xỉ LVMH (Pháp) lao đao trong năm 2020.

Tuy nhiên, doanh thu của tập đoàn này đã phục hồi với tốc độ nhanh ngoài dự kiến vào đầu năm nay, nhờ nhu cầu đối với túi xách Louis Vuitton và các sản phẩm Dior khi các tín đồ mua sắm Trung Quốc và Mỹ tranh thủ việc nới lỏng các hạn chế nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19.

Hồi đầu năm 2020, chưa đầy 72 giờ sau khi chính phủ Pháp kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ chống dịch, tập đoàn LVMH đã sử dụng xưởng điều chế nước hoa cho Christian Dior, Givenchy và Guerlain để sản xuất nước rửa tay sát khuẩn tặng cho các cơ sở y tế Pháp.

LVMH đã tặng nước rửa tay sát khuẩn và khẩu trang y tế cho các cơ sở y tế Pháp.

Sau đó, hãng này cũng đặt mua 40 triệu chiếc khẩu trang y tế trao cho các cơ quan y tế tại Pháp để phát miễn phí cho người dân.

Trong những năm gần đây, nhằm chạy đua truyền thông chống lại những đối thủ như Chanel và Gucci, LVMH đã bỏ tiền mời hàng trăm khách dự các show trình diễn mùa Xuân trên khắp thế giới, cho họ nghỉ tại những địa chỉ sang trọng như Hotel du Cap-Eden-Roc ở Rivỉea hay khu nghỉ dưỡng La Mamounia ở Marrakech, Pháp.

Tuy nhiên, trong năm nay, những sự kiện như vậy đã bị cắt giảm. Một số sự kiện có thể sẽ được thay thế bằng các chương trình trực tuyến ít tốn kém hơn. Cùng với đó, ngân sách để phát triển các bộ sưu tập mới và chi tiêu quảng cáo cũng bị rút bớt.

Bên cạnh đó, đế chế thời trang xa xỉ này cũng đẩy nhanh tốc độ phát triển các dịch vụ trực tuyến để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Walmart

Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart Inc (Mỹ) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021.

Khi đại dịch mới bùng phát, tập đoàn với lực lượng lao động tại Mỹ lên tới 1,5 triệu người này đã tăng mức lương tối thiểu cho những lao động làm việc ở các kho hàng thương mại điện tử thêm 2 USD/giờ.

Walmart đã cố gắng đảm bảo duy trì lượng hàng trữ kho đầy đủ và hoàn tất các đơn đặt hàng trực tuyến khi nhu cầu mua sắm trực tiếp của người dân tăng mạnh do họ bị hạn chế ra đường.

Một nhân viên của Walmart khử khuẩn các xe đẩy hàng.

Đồng thời, Walmart còn có các khoản tiền thưởng đặc biệt với tổng trị giá 550 triệu USD cho nhân viên làm việc theo giờ và thuê 150.000 công nhân làm việc thời vụ tại các cửa hàng và trung tâm thực hiện đơn hàng.

Mới đây, Walmart yêu cầu tất cả nhân viên đang làm việc tại trụ sở chính, cũng như các nhân sự cấp quản lý đi du lịch trong nước Mỹ phải được tiêm phòng Covid-19 trước ngày 4/10.

Họ hy vọng rằng việc ban lãnh đạo đi đầu trong chương trình tiêm chủng sẽ là "nguồn cảm hứng động viên tinh thần" cho những nhân viên của mình.

Nhà bán lẻ tư nhân lớn nhất nước Mỹ cho biết họ cũng đang khuyến khích khách hàng đeo khẩu trang tại các cửa hàng ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao và sẽ bổ sung các biển báo ở lối vào. Walmart cũng sẽ bố trí nhân viên ở các lối vào để phát khẩu trang cho khách hàng.

Zara

Trước các đợt bùng phát Covid-19 trên toàn cầu, các cửa hàng của thương hiệu thời trang Tây Ban Nha Zara cứ đóng rồi lại mở, gần như duy trì tình trạng như vậy, suốt năm vừa qua.

Khi nền tảng thương mại điện tử trở thành “phao cứu sinh” của các doanh nghiệp bán lẻ, nhất là trong đại dịch, Zara cũng không thể nằm ngoài quy luật đó.

Với tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào hoạt động này trong 3 năm tới, Zara đang kỳ vọng doanh số bán hàng trực tuyến sẽ chiếm 25% trên tổng doanh số vào năm 2022.

Zara kỳ vọng doanh số bán hàng trực tuyến sẽ chiếm 25% trên tổng doanh số vào năm 2022.

Giám đốc điều hành Inditex, Pablo Isla, cho biết: "Mục tiêu quan trọng nhất của Zara từ nay đến năm 2022 là tăng tốc triển khai “cửa hàng tích hợp”, giúp đáp ứng nhu cầu của tất cả các khách hàng dù họ ở bất kỳ nơi đâu, dùng thiết bị nào và vào bất kỳ thời điểm nào?".

Zara hiện đang theo đuổi nhóm khách hàng trẻ tuổi ở nơi mà họ dành nhiều thời gian nhất: trên điện thoại, lướt qua lại giữa Instagram và TikTok.

Những công nghệ mới như chip RFID giúp theo dõi món hàng đang ở đâu, cho phép xử lý đơn hàng nhanh chóng dù bán tại cửa hàng hay lấy từ kho. Zara cũng đang thử nghiệm một ứng dụng thông báo cho người mua biết trang phục có kích cỡ theo yêu cầu đang có sẵn tại cửa hàng, thậm chí chỉ đích xác vị trí của món hàng trong cửa hàng đó.

Nếu những năm trước, các người mẫu của Zara đều tập trung chụp ảnh tại studio tại Tây Ban Nha, thì trong bối cảnh đại dịch, Zara đã gửi những sản phẩm đến tận nhà của người mẫu để họ vừa là người mẫu vừa đóng vai giám đốc sáng tạo, stylist và thợ chụp ảnh.

Nhờ vậy, trong khi trên trang web của rất nhiều thương hiệu thời trang chỉ có ảnh chụp sản phẩm thì Zara vẫn có đầy đủ hình của người mẫu. Thậm chí những hình ảnh này còn được đối tượng khách hàng trẻ đánh giá cao vì gần gũi với đời sống thường ngày những cũng rất thời trang.

Starbucks

Khủng hoảng Covid-19 tác từ đầu năm 2020 cho đến nay để lại ảnh hưởng không hề nhỏ đến các doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành dịch vụ, bởi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực hiện giãn cách xã hội.

Dù phải đóng cửa các cửa hàng vào thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch, Starbucks đã tận dụng chính thời điểm này để tiến xa hơn và tạo sự khác biệt lớn với các đối thủ cạnh tranh.

Ngoài việc tăng cường dọn dẹp và tẩy trùng tại toàn bộ các cửa hàng để ngăn chặn sự lây lan của virus, vi khuẩn, chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks thời gian gần đây đã không cho phép sử dụng cốc cá nhân, thay vào đó sẽ sử dụng hoàn toàn cốc dùng 1 lần.

Một khách hàng mua cà phê tại khu vưc drive thru của Starbucks.

Đồng thời, Starbucks còn tăng cường vận hành dịch vụ drive thru (khách hàng có thể chọn sản phẩm, thanh toán và lấy hàng trực tiếp ngay trên xe ô tô của mình một cách nhanh chóng và tiện lợi).

Ngoài ra, Starbucks cũng triển khai hình thức bán đồ uống mang đi tại nhiều địa điểm hay giao hàng không tiếp xúc tại nhà.

Starbucks còn có ưu đãi đặc biệt cho khách hàng ở các quán cà phê trong hoặc xung quanh bệnh viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, Starbucks còn mang đến nhiều chương trình hỗ trợ đặc biệt dành cho nhân viên như cung cấp thực phẩm và giảm giá món cho nhân viên toàn hệ thống, hỗ trợ nhân viên có con nhỏ, trả lương đầy đủ cho nhân viên dù cửa hàng đóng cửa…

Xem thêm >> Cổ phiếu Moderna tăng hơn 260% từ đầu năm sau khi tăng 434% trong năm 2020

Từ khoá: Covid-19, Amazon, Zara, LVHM,
Tin mới lên