M&A

Bị thâu tóm, Trần Anh bết bát kinh doanh, cổ phiếu không thanh khoản

Sau khi bị Thế giới Di động thâu tóm, Trần Anh bất ngờ báo lỗ 63 tỷ đồng, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo. Trong khi đó, trên thị trường, cổ phiếu TAG đã gần như không có thanh khoản trong suốt một thời gian dài.

Bị thâu tóm, Trần Anh bết bát kinh doanh, cổ phiếu không thanh khoản

Bị thâu tóm, Trần Anh bết bát kinh doanh, cổ phiếu không thanh khoản.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo việc đưa cổ phiếu TAG của Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh vào diện bị cảnh báo kể từ ngày 25/6 (tức từ phiên giao dịch đầu tuần tới).

Lý do là lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính kiểm toán năm tại ngày 31/3/2018 của doanh nghiệp này bị âm, thuộc trường hợp bị cảnh báo theo quy định của Quy chế niêm yết.

Trên thực tế thì cổ phiếu TAG của Trần Anh trong một thời gian dài đã gần như không xảy ra giao dịch, mức giá hiện đạt 38.000 đồng.

Việc chuyển giao khi về với Thế giới Di động đã tác động tiêu cực lên hoạt động kinh doanh của Trần Anh
Việc chuyển giao khi về với Thế giới Di động đã tác động tiêu cực lên hoạt động kinh doanh của Trần Anh

Theo báo cáo tài chính của Trần Anh, trong năm tài chính 2017 (bắt đầu từ 1/4/2017 và kết thúc vào 31/3/2018), các chỉ tiêu kinh doanh của doanh nghiệp này đều sa sút mạnh.

Theo đó, doanh thu bán hàng giảm gần 14% so với năm 2016, đạt 3.533,4 tỷ đồng. Bên cạnh bị giảm trừ doanh thu thì trong năm vừa qua, giá vốn hàng bán của Trần Anh chiếm tỷ lệ khá lớn, lên tới hơn 88% doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp của Trần Anh năm qua chỉ còn 416,4 tỷ đồng, giảm hơn 19% so với năm 2016.

Trong khi doanh thu hoạt động tài chính chỉ mang về hơn 1,6 tỷ đồng thì chi phí tài chính (mà chủ yếu là chi phí lãi vay) lên tới 18,9 tỷ đồng trong năm vừa qua. Cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng ở mức cao, thu không đủ bù chi đã dẫn tới việc Trần Anh lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 64,5 tỷ đồng trong năm 2017 (năm 2016 lãi 23,6 tỷ đồng).

Tổng lỗ kế toán trước thuế mà Trần Anh ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh là xấp xỉ 63 tỷ đồng trong năm 2017. Trước đó, vào năm 2016, công ty này vẫn có lãi hơn 25 tỷ đồng.

Với khoản lỗ của năm tài chính 2017, đến cuối tháng 3/2018, Trần Anh ghi nhận lỗ luỹ kế hơn 53,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo số liệu cân đối kế toán, tại ngày 31/3/2018, Trần Anh có 976,2 tỷ đồng nợ phải trả, tăng hơn 7% so với cùng kỳ. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tới 99,8% tổng nợ phải trả với con số 974,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ, nợ ngắn hạn của Trần Anh cũng tăng 7,2%.

Từ tháng 8/2017, Thế giới Di động chính thức công bố việc mua lại Trần Anh và đến tháng 9 cùng năm đó, đại diện của Thế giới Di động bắt đầu tiếp quản Trần Anh.

Việc Trần Anh ghi nhận thua lỗ sau khi về với Thế giới Di động từng được ban lãnh đạo công ty này giải thích rằng: Thông tin thị trường liên quan đến thương vụ mua bán sáp nhập đã gây ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm của khách hàng. Điều này là nguyên nhân chính khiến doanh thu sụt giảm, kéo theo thua lỗ.

Trong khi đó, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc của Thế giới Di động sau khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT của Trần Anh “trần tình” trên báo chí rằng, thực tế mọi quy trình vận hành của Trần Anh vẫn được giữ nguyên và nhân sự của Thế giới Di động “chưa làm gì” với Trần Anh cho đến khi mọi thủ tục của thương vụ sáp nhập này hoàn tất vào đầu tháng 1/2018.

Tuy nhiên, ngoài yếu tố thời vụ, ông Trần Kinh Doanh cũng đã thừa nhận trong quá trình chuyển giao của hai doanh nghiệp, các siêu thị điện máy Trần Anh đã rơi vào tình trạng thiếu hụt hàng hóa một khoảng thời gian không ngắn.

Tin mới lên