Tiêu điểm

Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ: 'Hà Nội sẽ tập trung cho một số khu đô thị có dư địa phát triển lớn'

(VNF) - "Tuy Hà Nội là Thủ đô, là đô thị đặc biệt nhưng tỷ lệ đô thị hoá còn khá khiêm tốn, mới chỉ gần 50%. Đây vừa là thực trạng của thành phố, nhưng mặt khác cho thấy dư địa phát triển kinh tế đô thị trong thời gian tới còn rất lớn. Biết tận dụng thời cơ và có cách làm khoa học, bài bản, Hà Nội sẽ có bứt phá mạnh mẽ về kinh tế", Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhận định.

Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ: 'Hà Nội sẽ tập trung cho một số khu đô thị có dư địa phát triển lớn'

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chia sẻ với báo giới về những cơ hội và định hướng phát triển TP. Hà Nội trong nhiệm kỳ mới.

Bí thư Vương Đình Huệ nói:

"Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế. Trước đây, Hà Nội có địa giới hành chính khiêm tốn nhưng đến nay, sau 12 năm thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, đã mở ra một không gian rất lớn cho Hà Nội phát triển. Hà Nội chiếm 1% diện tích đất đai và 8,5% dân số của cả nước. Tức là Thủ đô vừa có không gian, vừa có dư địa phát triển rất thuận lợi.

Sau tổng điều tra dân số tháng 4/2019, dân số Hà Nội là 8,3 triệu người và trung bình mỗi năm tăng khoảng 160.000 người, bằng dân số bình quân của một huyện. Nếu tính cả số người tạm trú, người lao động sinh sống trên địa bàn và các tổ chức quốc tế thì Hà Nội có hơn 11 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, nhiều nhu cầu để phát triển.

Hà Nội cũng là địa phương có tiềm lực khoa học công nghệ rất lớn với 82% trường đại học và 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn. Cả nước có 5 khu công nghiệp công nghệ cao thì 2 khu ở Hà Nội. Ngoài ra, 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học trong cả nước (gồm các giáo sư, tiến sĩ) quy tụ ở Hà Nội. Riêng Đảng bộ các trường Đại học và Cao đẳng trực thuộc Thành uỷ có đến 1.300 giáo sư, phó giáo sư, 3.200 tiến sỹ và tiến sỹ khoa học, chưa kể Đại học Quốc gia Hà Nội có gần 500 giáo sư, phó giáo sư và 1.372 tiến sỹ.

Tuy Hà Nội là Thủ đô, là đô thị đặc biệt nhưng tỷ lệ đô thị hoá còn khá khiêm tốn, mới chỉ gần 50%. Đây vừa là thực trạng của thành phố, nhưng mặt khác cho thấy dư địa phát triển kinh tế đô thị trong thời gian tới còn rất lớn. Biết tận dụng thời cơ và có cách làm khoa học, bài bản, Hà Nội sẽ có bứt phá mạnh mẽ về kinh tế.

Để tận dụng tốt cơ hội phát triển, năm 2021, Thường trực Thành ủy sẽ đăng ký, trình Bộ Chính trị 3 việc. Một là, trình Bộ Chính trị, Chính phủ xem xét, điều chỉnh quy hoạch phát triển Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050, để tạo khuôn khổ phát triển cho thành phố, phù hợp Luật Quy hoạch mới. Hai là, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thủ đô để trình Quốc hội, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung luật này. Ba là, tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, để ban hành nghị quyết mới làm hành lang pháp lý cho chiến lược phát triển tới đây.

Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, cộng với những lợi thế về mặt tự nhiên, địa lý, địa chính trị, sự quan tâm của Trung ương và thành tựu trong 35 năm đổi mới, Hà Nội có tâm thế và hội tụ đủ các điều kiện để phát triển rất mạnh trong thời gian tới. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi về làm việc với Hà Nội đều kỳ vọng vào điều này.

- Năm 2020 là năm khó khăn với toàn thế giới, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cũng không nằm ngoài bối cảnh đó. Để khái quát tình hình thành phố trong năm qua, ông thấy điều gì ấn tượng nhất?

Năm 2020 là một năm đầy biến cố, thử thách nhưng thành phố đã cùng cả nước bước qua với nhiều kết quả tích cực, được báo chí và các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một điểm sáng của khu vực thời Covid-19, thuộc nhóm quốc gia đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Có được kết quả này, tôi cho rằng có sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, Chính phủ, chính quyền các địa phương và đặc biệt là sự nhất trí, hưởng ứng rất cao của Nhân dân trong thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Với Hà Nội, trách nhiệm đó càng nặng nề hơn. Là cửa ngõ quốc tế, nơi trung chuyển của vùng và cả nước, nơi có số lượng người tiếp nhận, sàng lọc, cách ly và điều trị rất lớn, nguy cơ lây nhiễm cao, do đó sự an toàn của Hà Nội trước bệnh dịch sẽ có vai trò quan trọng đối với các địa phương khác trên cả nước. Tính luỹ kế tới nay cuối năm 2020, thành phố đã cách ly tại khu tập trung gần 44.800 người, luỹ tích có 198 ca mắc Covid-19, chưa có ca mắc tử vong. Đã trải qua gần 140 ngày liên tiếp Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới tại cộng đồng.

Kết quả kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cũng góp phần giúp thành phố tổ chức thành công đại hội 17.118 chi bộ, 2.310 tổ chức cơ sở đảng và 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố thành công, tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp, không chỉ đề ra mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển thành phố trong 5 năm tới mà còn định hướng tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045.

Dư luận nhân dân cũng vui mừng và đánh giá cao khi năm 2020, thành phố đã xử lý dứt điểm vụ xử lý sai phạm trật tự xây dựng ở chung cư số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, bảo đảm các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy tiến độ, đưa đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2020 và bàn giao, chạy thương mại trong tháng 1/2021, quyết định các giải pháp căn cơ trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải,...  góp phần cải thiện bộ mặt đô thị thành phố, xử lý ô nhiễm môi trường và giảm tải ùn tắc giao thông.

- Từ khi nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông rất quyết tâm thực hiện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng để tạo động lực phát triển cho Hà Nội. Những khó khăn, vướng mắc của dự án sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?

Hà Nội đang triển khai Quyết định 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng về quy hoạch chung Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050. Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch theo Quyết định đó mới đạt 86%. Bốn quy hoạch phân khu nội đô của Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa được xây dựng từ 3 đến 4 năm qua, về cơ bản sẽ được giải quyết xong trong năm 2021. Còn các quy hoạch phân khu sông Hồng trải dài trong phạm vi khoảng 120km sông Hồng chảy qua Hà Nội, từ khu vực Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ… chảy qua các quận nội thành, vòng xuống Thường tín, Phú Xuyên… Trong 40 – 60km chạy qua đoạn trung tâm là các phân khu sông Hồng.

Quy hoạch phân khu sông Hồng vướng nhất về quy định đỉnh lũ, thoát lũ. Vấn đề này đặt ra rất lâu, Hà Nội cũng đã thuê các đơn vị thiết kế để làm. Theo quyết định của Thủ tướng, tốc độ thoát lũ trên sông Hồng qua Hà Nội phải là 20.000 mét khối/giây; đỉnh lũ là 13,5 mét. Với cao độ đó, xác suất 500 năm mới xảy ra một lần. Bây giờ có Thủy điện Lai Châu rồi khả năng các thông số còn thấp hơn nữa. Hà Nội vẫn theo thông số này, sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xây dựng quy hoạch phân khu này, trình Thủ tướng xem xét thông qua.

Có quy hoạch được phân khu sông Hồng thì mới giải quyết được dân sinh, sinh kế cho người dân vùng này. Dọc theo tuyến này có khoảng 1 triệu dân. Nếu giải quyết sớm được, Hà Nội cũng sẽ sớm huy động đầu tư công nghệ cao, phát triển nông nghiệp khu vực này, bởi khi chưa có quy hoạch, theo quy định đất đai ngoài bãi chỉ cho thuê thời hạn không quá 5 năm. Sau 5 năm phải đấu thầu lại, nhà đầu tư rất ngại chuyện đầu tư khoa học công nghệ vì lo ngại không trúng thầu lại. Bây giờ đất bãi rất nhiều mà chưa sử dụng được.

Nếu làm được quy hoạch, diện mạo đô thị mới khang trang hiện đại được. Cùng với quy hoạch có 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, lúc đó Hà Nội mới có dư địa phát triển. Nhưng trên nguyên tắc phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng chống lũ. Đó là nguyên tắc tối thượng. Không được phép để xảy ra rủi ro cho thành phố. Sắp tới đây, chúng tôi có thể thi ý tưởng về thiết kế quy hoạch, sau đó triển khai làm. Cộng với đó là quy hoạch sông Đuống. Rồi đặt ra vấn bảo tồn và phát triển. Chúng tôi cũng mong muốn nghiên cứu Cầu Long Biên trở thành cầu đi bộ thì sẽ tạo không gian văn hoá đặc sắc của Thủ đô.

- Với các dự án đô thị vệ tinh, lộ trình thực hiện như thế nào, thưa Bí thư?

Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh. Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc với quy mô 600 nghìn dân. Tiếp nữa là các đô thị Xuân Mai, Sóc Sơn, Sơn Tây và thứ 5 là Phú Xuyên. Hà Nội đang tiếp tục xây dựng, triển khai quy hoạch phân khu cho các đô thị này. Về cơ bản là cần thúc đẩy, nhưng không dàn hàng ngang. Nếu dàn hàng ngang cả 5 khu đô thị vệ tinh này thì rất khó khi còn 5 huyện chuẩn bị lên quận thì thành phố sẽ không đủ nguồn lực.

Chúng tôi đang tập trung cho một số khu đô thị có dư địa phát triển, ví dụ như Khu đô thị Hòa Lạc, Khu đô thị Sóc Sơn, hay như Phú Xuyên để kết nối với khu vực phía Nam thành động lực phát triển. Kết cấu hạ tầng và quy hoạch đều triển khai đồng bộ nhưng tập trung nguồn lực cho một số khu đô thị vệ tinh đã có quy hoạch để tạo ra bứt phá. Nhất là khu đô thị Hòa Lạc có 3 nhân tố rất cơ bản là Khu công nghệ cao, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đại học quốc gia.

Thủ tướng cũng phê duyệt quy hoạch Khu đô thị ở phía Bắc sông Hồng, gồm toàn bộ khu N6, chỗ Trung tâm triển lãm quốc tế, hai là thành phố thông minh trên trục Nhật Tân Nội Bài. Trong nhiệm kỳ này, thành phố sẽ tập trung sức để thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới lên