Diễn đàn VNF

Bí thư Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng: 'Yếu tố con người' là nền tảng phát triển

(VNF) - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho rằng ngoài khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về điều kiện kiện tự nhiên thì yếu tố quyết định, động lực cho sự phát triển là truyền thống văn hóa, phẩm chất con người Hà Tĩnh.

Bí thư Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng: 'Yếu tố con người' là nền tảng phát triển

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng.

- Nhìn lại năm 2021, điều ông tâm đắc nhất là gì và còn điểm nào chưa hài lòng?

Ông Hoàng Trung Dũng: Năm 2021, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, song Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 5,02%, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành; thu ngân sách nhà nước đạt trên 16.900 tỷ đồng, tăng 39% so với kế hoạch; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD; thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, trong năm đã thu hút 55 dự án đầu tư, trong đó có 54 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký trên 15.000 tỷ đồng và 1 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn hạn chế, trong đó một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch.

- Hà Tĩnh sẽ phát huy lợi thế của mình như thế nào để thu hút đầu tư trong thời gian tới, thưa ông?

Từ những lợi thế sẵn có cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Hà Tĩnh đã gặt hái được những kết quả khả quan trong thu hút đầu tư. Bên cạnh thu hút lượng vốn lớn từ doanh nghiệp FDI, Hà Tĩnh cũng đã có sự “dịch chuyển” đáng kể dòng vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng từ các nhà đầu tư như Tập đoàn Vingroup, T&T... Thu hút đầu tư được đẩy mạnh đã tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế; bình quân giai đoạn 2016 - 2021 tăng trưởng đạt gần 6%, quy mô nền kinh tế gấp hơn 1,5 lần so với năm 2015...

Trong giai đoạn 2021-2030, Hà Tĩnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 110 triệu đồng/người vào năm 2025 và 220 triệu đồng vào năm 2030; thu ngân sách tăng bình quân khoảng 14-15%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 1,5-2%. Dự kiến vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 352.000 tỷ đồng (tương đương 14,6 tỷ USD).

Tỉnh sẽ tập trung thực hiện các trụ cột phát triển về: công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; nông nghiệp; dịch vụ, du lịch, cảng biển và logistics gắn với vùng động lực Khu kinh tế Vũng Áng. Hà Tĩnh cũng tiếp tục đẩy mạnh phát triển các đô thị trung tâm, kết nối các hành lang kinh tế, gắn với các trục phát triển theo hệ thống hạ tầng giao thông trọng yếu, nhất là Quốc lộ 1A, đường ven biển, đường HCM, đường cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng; phấn đấu xây dựng Hà Tĩnh đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.

- Yếu tố con người đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển của Hà Tĩnh và làm thế nào để phát huy được những giá trị văn hóa, con người vào sự phát triển chung của tỉnh thời gian tới?.

Tỉnh Hà Tĩnh luôn xác định, ngoài khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về điều kiện kiện tự nhiên, yếu tố quyết định, động lực nội sinh cho sự phát triển là truyền thống văn hóa, phẩm chất con người Hà Tĩnh. Năm 2021 là năm Hà Tĩnh kỷ niệm tròn 190 năm thành lập, 30 năm tái lập tỉnh. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 phức tạp, Hà Tĩnh không tổ chức các hoạt động mít tinh kỷ niệm, ưu tiên nguồn lực để thực hiện chính sách phát triển con người.

Cụ thể, tỉnh đã trích ngân sách phục vụ chống dịch, hỗ trợ đưa gần 5.000 công dân của tỉnh tại các tỉnh phía Nam gặp hoàn cảnh khó khăn, mất việc về quê. Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo các địa phương hỗ trợ, tìm kiếm việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn, một số doanh nghiệp đã tuyển dụng được hàng ngàn lao động quay lại ổn định sản xuất sau thời gian dịch bệnh kéo dài.

Tin mới lên