Tiêu điểm

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân và kỳ vọng mới cho TP. Hồ Chí Minh

(VNF) - Hơn một tuần sau ngày Chính phủ ban hành Nghị định về một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh, thành phố cũng đón nhận một lãnh đạo mới. Tân bí thư Nguyễn Thiện Nhân, người được mô tả là có thể hiểu thành phố từ từng con phố, sẽ làm gì để gánh vác trách nhiệm với 'hòn ngọc Viễn Đông"?

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân và kỳ vọng mới cho TP. Hồ Chí Minh

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Đi bằng "cơ chế đặc thù"

Nghị định mà chúng tôi muốn đề cập đến là Nghị định số 48/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.HCM, trong đó quy định huy động các nguồn tài chính cho đầu tư phát triển thành phố. Sở dĩ nghị định này được chờ đợi là bởi trong năm 2016, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, TP. HCM đã từng phải chấp nhận một giải pháp "chẳng đặng đừng".

Theo nghị quyết của Quốc hội, thành phố sẽ chỉ được để lại 18% nguồn thu ngân sách để đầu tư phát triển thay vì 23% như trước đó và đây là một điều khiến nhiều lãnh đạo thành phố không hài lòng.

Theo nghị định mới, Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư về ngân sách và các nguồn tài chính khác nhằm phát triển kinh tế - xã hội để thành phố thực hiện vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước. Đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do TP. HCM quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, UBND thành phố lập dự toán kèm theo đề nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách thành phố để triển khai thực hiện. 

TP. HCM cũng được tạm ứng từ nguồn ngân sách thành phố hoặc từ nguồn vay theo quy định cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất sẽ thu hồi hoàn trả ngân sách hoặc hoàn trả nguồn vốn vay.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng được quyền quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại cho thành phố không phụ thuộc vào quy mô viện trợ; riêng đối với các khoản viện trợ có liên quan đến tôn giáo, quốc phòng, an ninh, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; Chủ tịch UBND thành phố chịu trách nhiệm thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ này, thực hiện chế độ hạch toán, quyết toán theo đúng quy định của pháp luật; định kỳ báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Đặc biệt, ngoài nguồn vốn huy động cho các công trình, dự án thuộc đối tượng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, đối với các dự án khác có khả năng thu hồi vốn hoặc các dự án chỉ có khả năng thu hồi một phần vốn đầu tư, UBND TP. HCM quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật việc huy động đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo quy định của pháp luật, bao gồm: BOT (xây dựng - kinh doanh -  chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BT (xây dựng - chuyển giao), BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh), BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ), BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao), O&M (kinh doanh - quản lý).

Đó là những cơ chế mà TP. HCM sẽ được thụ hưởng trên bước đường tiếp tục vai trò đầu tàu kinh tế mà tân Bí thư Nguyễn Thiện Nhân sẽ phải cùng các đồng sự gánh vác cho giai đoạn mới, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Ông Nhân, người được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá là "có uy tín, khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ; có bề dày kinh nghiệm công tác, am hiểu tình hình và giữ được sự hài hòa, cân đối chung trong đội ngũ cán bộ của Thành phố", đang đứng trước cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của thành phố.

Có thể cảm nhận được niềm hứng khởi của tân Bí thư khi phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiện Nhân đã nói ông "xúc động như được trở về nhà". Ông kể, ông đã về TP. HCM từ năm 1983 sau 13 năm phục vụ quân đội. Lần thứ nhất ấy, ông ở lại thành phố 23 năm cho đến năm 2006 được điều động ra Hà Nội, trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo rồi làm Phó Thủ tướng, làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Còn lần này, sau 23 năm, ông đã được "trở về lần thứ hai".

Mơ về một đặc khu kinh tế

Ý tưởng về việc phát triển một "đặc khu kinh tế Sài Gòn" đã được Bí thư Đinh La Thăng nêu lên tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X vào năm 2016. Khi đó, ông Đinh La Thăng, người vừa trở thành Bí thư TP. HCM cho rằng TP. Hồ Chí Minh phải trở thành một đặc khu về kinh tế, theo đó phải "xây dựng được cơ chế quản trị của riêng thành phố, không rập khuôn các tỉnh, thành phố khác mà phải học tập mặt tích cực của các địa phương khác cũng như của các thành phố hiện đại trên thế giới".

Tiếp đó, trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội, Bí thư Đinh La Thăng đã nhấn mạnh tới vấn đề tạo cơ chế để huy động nguồn lực cho thành phố thay vì tư duy "xin Trung ương giữ lại thêm ngân sách", đồng thời khẳng định sẽ điều hành theo hướng "kỹ trị".

 

Bí thư Đinh La Thăng khi đó đã nhắc đến câu chuyện, từng có thời điểm cố Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu, mơ ước "một ngày nào đó Singapore được như Sài Gòn". Trả lời báo chí, Bí thư Đinh La Thăng tỏ ra khá khiêm tốn trước kế hoạch "đặc khu kinh tế" của mình, nhưng có thể hiểu rằng đó là một khát vọng thật sự.

Việc nhận kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển công tác đã khiến cho "kế hoạch đặc khu" của ông Đinh La Thăng phải gác lại, nhưng TP. HCM thì vẫn là TP. HCM, với muôn vàn tiềm năng, vô số cơ hội mà người kế nhiệm, ông Nguyễn Thiện Nhân, có cơ hội để tiếp tục. 

Theo một đề án của Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM (HIDS), ý tưởng về một đặc khu kinh tế trải rộng trên địa bàn quận 7 và 3 huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ đã được xây dựng, theo đó diện tích của đặc khu theo đề án là hơn 888 km2, tổng dân số hơn 685.000 người.

HIDS cho rằng, mục đích của việc thành lập đặc khu kinh tế là đột phá thể chế, trong đó chủ yếu là thử nghiệm các chính sách mới, ứng dụng các mô hình quản lý hiện đại, gỡ bỏ dần các rào cản từ tình trạng cát cứ trong quản lý ngành, đồng thời vẫn đảm bảo sự phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và thông lệ quốc tế.

Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh từng là Hòn ngọc Viễn Đông, là niềm mơ ước của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Vì nhiều lý do, thành phố đã "bước chậm" lại đáng kể sau 40 năm giải phóng, nhưng tiềm năng về địa chính trị, hạ tầng, con người thì vẫn vẹn nguyên cho một chu trình phát triển mới.

Vì lẽ đó, viết tiếp câu chuyện đặc khu kinh tế cho Sài Gòn - TP. HCM mà ông Đinh La Thăng đã khởi xướng, không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho tân Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, người từng là Phó chủ tịch thành phố và là một chuyên gia kinh tế.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, với truyền thống đổi mới, quy tụ nhân tài từ nhiều địa phương trong cả nước, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, sống có nghĩa tình là những giá trị đã đưa Thành phố phát triển, ông sẽ "kề vai sát cánh với Đảng bộ, chính quyền và 10 triệu đồng bào Thành phố tiếp tục làm tốt hơn nữa để đưa TPHCM tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới".

Những người chứng kiến giây phút này hiểu rằng đó không chỉ là một phát biểu ngoại giao. Rất nhiều kỳ vọng đang được dồn về vị tân Bí thư, khi mà những thôi thúc hội nhập của quốc gia nói chung, của thành phố nói riêng đã cận kề, gấp gáp!

Tin mới lên