Bất động sản

Bí thư quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đề xuất cống hóa sông Tô Lịch

(VNF) -  Ông Dương Đức Tuấn, Bí thư quận ủy Hoàn Kiếm (Hà Nội) đề nghị thành phố xem xét khả năng cống hóa một số sông có tính chất kênh mương thoát nước như sông Tô Lịch hay sông Kim Ngưu.

Bí thư quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đề xuất cống hóa sông Tô Lịch

Sông Tô Lịch

Phát biểu tại kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố Hà Nội khóa XV diễn ra hôm nay, ông Dương Đức Tuấn cho hay về xử lý ô nhiễm môi trường sông hồ, UBND thành phố đã có chủ trương tìm giải pháp mới trong xử lý ô nhiễm và đây là dấu hiệu tích cực.

Tuy nhiên, việc này còn rất phức tạp vì vậy ông Tuấn đề nghị thành phố nghiên cứu các giải pháp mang tính bền vững. Cụ thể, ông Tuấn gợi ý thành phố có thể xem xét khả năng cống hóa một số sông có tính chất kênh mương thoát nước như sông Tô Lịch hay sông Kim Ngưu. Điều này, theo ông, sẽ giúp giảm thiểu xả thải, góp phần tăng không gian công cộng, hạ tầng giao thông, cây xanh…

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đề nghị thành phố khẩn trương hoàn thành phê duyệt quy hoạch đô thị; quy hoạch sông hồng, quy hoạch quản lý chug cư cũ; xử lý những bất cập về quỹ nhà chuyên dùng…

Đánh giá thêm về việc triển khai các dự án công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016 - 2020, nhất là các dự án hạ tầng kỹ thuật được thực hiện theo hình thức PPP, ông Tuấn cho rằng một số dự án triển khai chậm tiến độ, không hiệu quả.

Để tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, ông Tuấn đề nghị thành phố rà soát các dự án trọng điểm đang thực hiện theo hình thức PPP sang hình thức đầu tư công.

Ngoài ra, thành phố cũng cần kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn về cơ chế quy định quản lý đầu tư đối với các dự án tiếp tục theo hình thức PPP để khắc phục các tồn tại trong thời gian qua.

Liên quan đến việc cải tạo sông Tô Lịch, hôm 7/7, các chuyên gia Nhật Bản công bố kết quả thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor để xử lý phân hủy bùn hữu cơ sông Tô Lịch thành khí CO2 và nước.

Khu vực thí điểm là bãi bùn nổi trên sông Tô Lịch (đoạn gần đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) rộng khoảng 70 m2, được quây kín tôn từ ngày 17/6.

Sau 2 tuần thí điểm, độ dày lớp bùn trong khu quây sắt giảm 38-48 cm, hàm lượng oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh và đạt 6.67 mg/l (đạt tiêu chuẩn cột A1 - quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về chất lượng nước mặt). Nước trong khu quây trong hơn, có thể nhìn thấy đáy bùn.

Tin mới lên