Tiêu điểm

Bí thư tỉnh, thành sẽ làm trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng

Bí thư tỉnh, thành phố làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng địa phương, chịu trách nhiệm điều hành hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên.

Bí thư tỉnh, thành sẽ làm trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng

Ảnh minh họa.

Ngày 2/6, Ban Bí thư ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh (Ban chỉ đạo cấp tỉnh).

Ban chỉ đạo cấp tỉnh do Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy thành lập, để chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; trước hết là lãnh đạo các cấp ở địa phương; trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận quan tâm.

Một trong những nhiệm vụ cụ thể của Ban chỉ đạo cấp tỉnh là tham mưu thực hiện chủ trương của cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương; đôn đốc, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật; giám sát công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phòng chống tham nhũng.

Ban chỉ đạo cấp tỉnh có quyền yêu cầu tổ chức đảng báo cáo tình hình, kết quả chống tham nhũng; về xử lý một số vụ án; thực hiện biện pháp chống tham nhũng. Ngoài ra, cơ quan này cũng được yêu cầu cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án xử lý các vụ tham nhũng. Trường hợp cần thiết, Ban chỉ đạo cấp tỉnh lập tổ công tác liên ngành tháo gỡ khó khăn trong quá trình xử lý một số vụ án, vụ tham nhũng phức tạp, dư luận quan tâm.

Khi có căn cứ cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, Ban chỉ đạo sẽ kiến nghị với Thường vụ Tỉnh ủy xem xét hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ diện Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, các cấp ủy đảng báo cáo Ban chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo xử lý; chuyển hồ sơ đến Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

Trường hợp phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cơ quan phòng chống tham nhũng địa phương kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương. "Quá trình kiểm tra, thanh tra, thi hành án, nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc mới chuyển", quy định nêu rõ.

Khi cần thiết, cơ quan phòng chống tham nhũng địa phương được sử dụng bộ máy, cán bộ và phương tiện của các đơn vị có liên quan để làm nhiệm vụ.

Ban chỉ đạo cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy làm trưởng ban; Phó ban là Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính, Trưởng ban Tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Giám đốc Công an tỉnh. Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy là Phó ban thường trực.

Trưởng ban điều hành hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; chịu trách nhiệm trước Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Khi cần thiết, trưởng ban trực tiếp làm việc với đơn vị có liên quan; đôn đốc, giám sát việc phát hiện, xử lý một số vụ án, vụ tham nhũng phức tạp. Trưởng ban chỉ đạo xử lý vi phạm liên quan đến cán bộ diện Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Cơ quan phòng chống tham nhũng cấp tỉnh họp thường kỳ ba tháng một lần; họp đột xuất khi cần; Thường trực ban họp hàng tháng. Ban chỉ đạo cấp tỉnh có con dấu riêng, dùng tài khoản của Văn phòng Tỉnh ủy để hoạt động.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đầu tháng 5 thống nhất cao chủ trương lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là "việc cần thiết, đúng đắn, phù hợp với thực tế". Sau đó, Hà Nội và Đà Nẵng đã lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đều do Bí thư cấp tỉnh đứng đầu.

Tin mới lên