Tài chính quốc tế

Bia làm từ nước thải và ngành công nghiệp xử lý rác của Singapore

(VNF) - Từng phải loay hoay với bài toán xử lý rác, Singapore giờ đây được ca ngợi là "quốc gia sạch sẽ hàng đầu thế giới” nhờ các chính sách và giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý rác thải. Mới đây, Singapore tiếp tục gây ấn tượng khi ra mắt loại bia được làm từ nước thải đã qua xử lý.

Bia làm từ nước thải và ngành công nghiệp xử lý rác của Singapore

Lô NEWBrew đầu tiên đã nhanh chóng được bán hết trong các nhà hàng của Brewerkz.

Bia làm từ nước thải

Được ra mắt lần đầu tiên tại một hội nghị năm 2018, NEWBrew là kết quả của sự hợp tác giữa PUB, cơ quan quản lý nước quốc gia của Singapore và nhà máy bia thủ công địa phương Brewerkz.

Tới tháng 4 năm nay, loại bia này đã chính thức được bán trong các siêu thị và cửa hàng của Brewerkz. Điều đặc biệt là những lon bia này được làm bằng nước thải đã qua xử lý.

Đa phần những người đã nếm thử NEW Brew đều cảm thấy rằng đó là một loại bia tươi mát, có vị thanh nhẹ, hoàn hảo cho khí hậu nhiệt đới của Singapore.

Ông Chew Wei Lian, 58 tuổi, đã mua thử NEW Brew từ siêu thị sau khi nghe giới thiệu về nó. "Tôi không tin đây là loại bia được làm từ nước thải. Tôi chẳng thấy gì khác biệt khi có chúng ở trong tủ lạnh, vị của nó đúng là vị bia và tôi thích bia", ông Chew nói.

Một khách hàng khác là ông Grace Chen (52 tuổi), thì chia sẻ: "Nếu bạn không nói với mọi người rằng nó được làm từ nước thải, có lẽ họ sẽ không biết".

Lô NEWBrew đầu tiên đã nhanh chóng được bán hết trong các nhà hàng của Brewerkz.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy hào hứng với loại bia làm từ nước thải tái chế này. "Có rất nhiều loại bia. Nếu tôi uống, tôi sẽ chọn loại được sản xuất theo cách thông thường", Low Yu Chen, một sinh viên 22 tuổi, cho hay.

Theo chia sẻ của nhà sản xuất, nước thải sẽ được khử trùng bằng tia cực tím sau đó trải qua quá trình lọc khắt khe để loại bỏ các tạp chất gây ô nhiễm. Tuy nhiên, chìa khóa để thành công là thuyết phục công chúng rằng một khi nước thải được xử lý, nó sẽ trở thành nước sạch.

"NEWater hoàn toàn phù hợp với việc nấu bia vì nó có vị trung tính. Thành phần khoáng chất của nước đóng vai trò quan trọng trong các phản ứng hóa học của quy trình sản xuất bia", Mitch Gribov, chuyên gia về bia hàng đầu của Brewers, nói.

Tuy nhiên, công ty vẫn đang đánh giá thị trường để xem có quyết định tiếp tục sản xuất loại sản phẩm này hay không.

Ý tưởng biến nước thải thành nước uống vốn từng gặp phải sự phản đối gay gắt. Tuy nhiên, việc này cũng nhận được sự ủng hộ từ công chúng trong thập kỷ qua khi nguồn cung nước ngọt toàn cầu ngày càng khan hiếm. Quỹ Động vật Hoang dã thế giới ước tính có tới 2,7 tỷ người thường xuyên phải sống trong cảnh thiếu nước ít nhất 1 tháng mỗi năm.

Thời gian gần đây, các nền kinh tế tiên tiến như Israel và Singapore đã đầu tư rất nhiều nguồn lực nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước ngọt của mình. Một trong số đó là công nghệ tái chế nước thải thành nước có thể uống. Các thành phố lớn như Los Angeles (Mỹ) và London (Anh) cũng đang nghiên cứu phương thức này.

Bia NEWBrew được làm từ nước thải đã qua tái chế.

Thực tế, Singapore không phải nơi đầu tiên trên thế giới sử dụng nước thải tái chế để sản xuất bia. Nhà máy bia Nya Carnegie trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển đã hợp tác với tập đoàn Carlsberg và Viện nghiên cứu môi trường Thụy Điển IVL để ra mắt sản phẩm bia được nấu từ nước thải đã qua xử lý. Nhà máy bia Village ở Canada cũng đã hợp tác với các nhà nghiên cứu từ Đại học Calgary và và công ty công nghệ nước Mỹ Xylem để cho ra loại bia từ nước thải tái chế của riêng mình.

Ngành công nghiệp tái chế rác thải đáng ngưỡng mộ của Singapore

Với dân số 5,7 triệu người sống trên khoảng diện tích chỉ 726 km2, Singapore vẫn nổi tiếng khắp thế giới nhờ môi trường sống xanh và sạch. Tuy nhiên, đây là thành quả của một quá trình nỗ lực, cố gắng của đất nước này nhằm giữ gìn môi trường của quốc đảo.

Theo Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA), mỗi ngày, quốc đảo thải ra khoảng 31.023 tấn rác các loại, trong đó có 58% số rác được tái chế, 41% được xử lý bằng cách đốt và chỉ 2% bị đưa tới bãi chôn lấp. Trong khi đó, việc đốt rác cũng tạo ra điện, đáp ứng 3% nhu cầu điện của quốc đảo.

Năm 1979, Singapore đã bắt đầu xây dựng nhà máy đốt rác thải đầu tiên. Đến thời điểm hiện tại, họ có 4 nhà máy như vậy. Năm 1999, quốc gia này còn đầu tư tới gần 650 triệu USD để xây dựng bãi chôn lấp rác trên biển đầu tiên tên là "Semakau" với khả năng hoạt động tới năm 2045.

Bãi Semakau chôn các loại rác không thể tái chế hay xử lý và tro sau khi đốt. Sau khi chôn rác và tro, người ta sẽ lấp đất và trồng cây, mục đích giúp côn trùng và các loài chim chóc tới sinh sống. Hiện tại, bãi chôn rác thải Semakau lại trở thành địa điểm quan sát chim nổi tiếng bậc nhất Singapore.

Ngoài đầu tư cho công nghệ, Singapore cũng chú trọng việc phân loại, xử lý rác thải ngay từ nguồn. Một quy trình được gọi là 3R (Reduce, Reuse và Recycle) hướng tới giảm rác thải ngay từ đầu, tái sử dụng và tái chế nhiều nhất có thể.

Đối với việc giảm rác thải ngay từ đầu, Singapore tập hợp các công ty lại để cùng cam kết giảm thiểu nguyên liệu trong việc làm bao bì để hạn chế rác thải và tiết kiệm chi phí. Tính tới tháng 7/2019, có 239 bên tham gia với 54.000 tấn chất thải bao bì được giảm thiểu. Ngoài ra, việc nâng cao ý thức người dân cũng liên tục được chú trọng. Bên cạnh xử lý, tác chế rác và nước thải cũng rất được Singapore chú trọng.

Với diện tích nhỏ, dân số đông, xử lý và tái chế rác thải, nước thải trở thành yêu cầu sống còn với Singapore và họ đã thành công.

Xem thêm >> Kho chứa khí đốt đang dần lấp đầy, Đức tự tin dễ dàng vượt qua mùa đông

Tin mới lên