Tiêu điểm

Biểu quyết về sân bay Long Thành: Mọi nẻo đường vẫn dẫn đến ACV?

(VNF) - Chiều nay (26/11), Quốc hội sẽ biểu quyết để thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành. Dường như, ACV vẫn sẽ được lựa chọn là nhà đầu tư.

Biểu quyết về sân bay Long Thành: Mọi nẻo đường vẫn dẫn đến ACV?

Phối cảnh sân bay Long Thành. Ảnh: Bộ Giao thông Vận tải

Theo lịch trình làm việc của Quốc hội, trước khi biểu quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh sẽ đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn I). 

Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, Chính phủ đã đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư, thực hiện dự án. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội sẽ thông qua đề xuất này để "đảm bảo tính minh bạch, khách quan và giảm thủ tục, thời gian thực hiện dự án".

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Quốc hội sẽ không quyết định nhà đầu tư nào làm sân bay Long Thành mà theo việc này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng. Đồng thời, việc đầu tư dự án này phải sử dụng vốn của nhà đầu tư, không có bảo lãnh Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, hiện ACV có khoảng 25.000 tỷ đồng và khoản tiền này không đầu tư bất cứ việc gì và chỉ tập trung cho sân bay Long Thành. Dù chỉ 8 sân bay có lãi trong 21 sân bay đang quản lý, mỗi năm ACV lợi nhuận 10.000 tỷ đồng.

Vì vậy, ACV có nguồn vốn chiếm 37% để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. ACV cũng đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và được hứa sẵn sàng cho vay 5 tỷ USD không thế chấp.

Trao đổi với VietnamFinance, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa TP. HCM bày tỏ băn khoăn về việc ACV so sánh sân bay Long Thành với sân bay Đại Hưng của Trung Quốc và sân bay Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Theo ông Tống, sân bay Long Thành có dự toán giai đoạn 1 là 4,8 tỷ USD cho năng suất 25 triệu HK/năm, tức suất đầu tư 192 triệu USD cho năng suất 1 triệu HK/năm. Sân bay Long Thành có dự toán rất mơ hồ cho cả 3 giai đoạn là 16 tỷ USD cho năng suất 100 triệu HK/năm, tức suất đầu tư 160 triệu USD cho cho năng suất 1 triệu HK/năm.

Suất đầu tư cho giai đoạn đầu luôn luôn lớn hơn suất đầu tư cho tất cả các giai đoạn của một sân bay, vì thế lãnh đạo ACV không thể lấy suất đầu tư cho giai đoạn đầu của sân bay Đại Hưng và sân bay Istanbul để so sánh với suất đầu tư cho tất cả 3 giai đoạn của sân bay Long Thành.

Việc so sánh hợp lý là giữa suất đầu tư cho giai đoạn đầu của Long Thành là 192 triệu USD với suất đầu tư cho giai đoạn đầu của Đại Hưng là 163 triệu USD và với suất đầu tư cho giai đoạn đầu của stanbul là 149 triệu USD cho năng suất 1 triệu HK/năm.

Tin mới lên