Tài chính quốc tế

Biểu tình Myanmar: 149 người tử vong, hàng trăm người vượt biên sang Ấn Độ

(VNF) - Phát ngôn viên Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền (OHCHR) Ravina Shamdasani ngày 16/3 cho biết có ít nhất 149 người tử vong và gần 2.100 người bị bắt vì liên quan tới các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự ở Myanmar.

Biểu tình Myanmar: 149 người tử vong, hàng trăm người vượt biên sang Ấn Độ

Một người biểu tình ở thị trấn Hlaing Tharyar, thành phố Yangon bị thương ngày 14/3.

"Chúng tôi có thể xác nhận rằng kể từ ngày 1/2, ít nhất 149 người biểu tình ở Myanmar đã bị tước đoạt mạng sống. Trong số này, ít nhất 11 người đã bị giết vào ngày 8/3 và 57 người bị bị giết vào cuối tuần vừa qua", bà Shamdasani nói trong cuộc họp báo ngày 16/3.

Theo bà Shamdasani, số lượng nạn nhân thực sự có thể cao hơn nhiều, vì văn phòng OHCHR vẫn liên tục nhận được dữ liệu bổ sung về các vụ tử vong, nhưng hiện chưa xác minh được.

Cũng theo bà Shamdasani, cho tới nay có 2.084 người liên quan tới các cuộc biểu tình đã bị giam giữ, trong đó có ít nhất 37 nhà báo. Đồng thời, OHCHR còn có thông tin về 5 trường hợp tử vong tại các địa điểm bắt giữ.

Theo tờ Times of India, khoảng 400 công dân Myanmar, bao gồm cả cảnh sát và lính cứu hỏa, đã vượt qua biên giới Ấn Độ ở bang Mizoram, miền đông bắc nước này để xin tị nạn sau cuộc đảo chính quân sự hồi đầu tháng 2.

Một số cảnh sát Myanmar cho biết họ đã bỏ trốn vì lo sợ bị bắt sau khi từ chối tuân theo lệnh của quân đội bắn người biểu tình.

Myanmar rơi vào khủng hoảng sau khi quân đội nước này bắt giữ Tổng thống Win Myint, cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều lãnh đạo của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) vào ngày 1/2 với cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, kéo theo các cuộc biểu tình trên quy mô toàn quốc.

Quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính, cũng như cáo buộc làn sóng biểu tình trong nước hiện nay có hành vi bạo lực.

Tuy nhiên, chính quyền do quân đội Myanmar kiểm soát lại đưa ra nhiều cáo buộc hình sự chống lại bà Suu Kyi, cho thấy khả năng bà có thể sẽ phải ngồi tù nếu bị phán quyết có tội.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 16/3 lên án hành vi bạo lực với người biểu tình tại Myanmar đồng thời kêu gọi chính quyền quân sự nước này ngừng sử dụng vũ lực.

Tổng thư ký cũng đồng kêu gọi quân đội Myanmar cho phép đặc phái viên của Liên hợp quốc đến giám sát và "xoa dịu" tình hình.

Xem thêm >> Trung Quốc yêu cầu Myanmar trừng phạt thủ phạm đốt phá hàng chục nhà máy

Tin mới lên