Ngân hàng

'Big 4' vào cuộc, đường đua lãi suất thêm nóng

(VNF) - Cuộc đua tăng lãi suất đang rất gay cấn khi vừa có sự tham gia của 3 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, Vietinbank, Agribank với biểu lãi suất huy động mới tăng tới hơn 1,3 điểm %, mức tăng mạnh nhất trong đợt điều chỉnh này.

'Big 4' vào cuộc, đường đua lãi suất thêm nóng

Cuộc đua lãi suất thêm nấc thang mới

Vietcombank vừa thông báo biểu lãi suất huy động mới nhất theo hướng tăng mạnh 0,8-1,3%/năm ở nhiều kỳ hạn.

Theo đó, với hình thức gửi tại quầy, nhà băng này tăng lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng thêm 1% lên 4,1-4,4%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,8%/năm lên 6,4%/năm; lãi suất ở các kỳ hạn 24 tháng trở lên tăng 1%, ở mức 6,4%/năm.

Đối với hình thức gửi tiết kiệm online, Vietcombank áp dụng mức lãi suất huy động mới cao hơn 1,2-1,3 điểm % so với biểu lãi suất cũ. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 4,6%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên 4,9%/năm, cao hơn 1,2-1,3% so với biểu lãi suất cũ; kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng hình thức gửi online có mức lãi suất cao nhất là 6,8%/năm, tăng 1% so với trước đó.

Cùng với Vietcombank, một ngân hàng quốc doanh khác là Vietinbank cũng đã tăng mạnh biểu lãi suất huy động đợt này. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến dưới 3 tháng của ngân hàng này đã tăng thêm 1% lên 4,1%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 3-5 tháng tăng lên 4,4%/năm; các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, Vietinbank cũng áp dụng mức lãi suất mới 6,4%/năm như Vietcombank, đều tăng 0,8 điểm % so với trước đó.

Tương tự, Agribank cũng vừa điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động. Trong đó, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tại nhà băng này tăng tới 0,3 điểm %, cao hơn con số niêm yết của nhóm ngân hàng quốc doanh cùng là 0,1%/năm. Còn lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng cao nhất tại Agribank hiện cũng là 4,4%/năm, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 6,4%/năm.

Trong nhóm Big 4 chỉ còn BIDV là chưa có động thái điều chỉnh biểu lãi suất huy động.
Việc nhóm Big 4 tăng mạnh lãi suất sẽ ảnh hưởng đáng kể tới mặt bằng lãi suất của thị trường bởi 4 ngân hàng này chiếm hơn 45% thị phần tiền gửi toàn hệ thống.

Như vậy, với mức tăng từ 0,8-1,3 điểm % lãi suất huy động, 3 ngân hàng quốc doanh nói trên chính là nhóm điều chỉnh lãi suất mạnh nhất trong đợt này.

Nhưng so với các nhà băng tư nhân, lãi suất của 3 ngân hàng trên vẫn thấp hơn đáng kể. Với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, nhiều ngân hàng tư nhân lớn đã nâng lãi suất huy động trên 7%/năm.

Một điểm đáng chú ý là trong khi các ngân hàng lớn tăng mạnh lãi suất ở cả kỳ hạn dài và kỳ hạn ngắn thì nhóm ngân hàng nhỏ lại khá dè dặt trong đợt điều chỉnh này, chủ yếu nâng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng lên kịch trần, còn với những kỳ hạn trên 6 tháng có mức tăng thấp hơn.

Công ty chứng khoán VCBS cho biết, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã tăng 0,9-1,1%/năm. Tín dụng toàn nền kinh tế đến 26/8 tăng 9,91% trong khi tăng trưởng huy động mới chỉ đạt 4% cho thấy nhiều nhà băng đang "khát" tiền gửi. VCBS dự báo, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng 1,5-2%/năm cho cả năm nay.

Còn các chuyên gia SSI nhận định, lãi suất huy động từ cuối năm nay và đầu năm sau sẽ tăng thêm 1-1,5 điểm %. Điều này có thể gây áp lực lên định giá thị trường nói chung.

Giới phân tích đánh giá triển vọng vĩ mô năm 2022 của Việt Nam khá tích cực khi tăng trưởng tốt với mức lạm phát duy trì ổn định. Nhưng việc Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh lãi suất có thể gây áp lực lên tỷ giá VND. Hiện Việt Nam vẫn có khả năng kiểm soát tỷ giá khá tốt, nhưng sang đến năm 2023 có thể sẽ hỗ trợ tỷ giá bằng cách nâng thêm lãi suất.

Tin mới lên