Bất động sản

Bình Dương: Dự án treo gây lãng phí - nghịch lý đọng vốn đầu tư công

(VNF) - Sáng 22/7, Đoàn giám sát của Quốc hội chuyên về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” đã đến làm việc tại tỉnh Bình Dương. Đại diện lãnh đạo tỉnh cho biết, nhu cầu đầu tư cả giai đoạn rất lớn, nhưng không cân đối đủ nguồn vốn. Trong khi đó, đoàn giám sát chỉ ra vẫn còn gần 10 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công đọng lại.

Bình Dương: Dự án treo gây lãng phí - nghịch lý đọng vốn đầu tư công

Bình Dương đang đọng vốn đầu tư công.

Phân tích của các thành viên đoàn giám sát cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2021 của Bình Dương cũng chỉ ở mức trung bình so với cả nước và còn có xu hướng bị giảm trong những năm gần đây, dẫn đến số chuyển nguồn lớn.

Điều này cho thấy bất cập của tình Bình Dương, trong khi nhiều dự án, công trình không đủ nguồn lực để đầu tư, phải giãn, hoãn, thì vẫn còn một tỷ lệ lớn vốn đầu tư hằng năm không thực hiện được.

Cụ thể,  Bình Dương còn khoảng 16% kế hoạch tương ứng với khoảng 7.346 tỷ đồng, cùng với dự phòng ngân sách địa phương: 2.519 tỷ đồng, chưa phân bổ cho dự án. Tổng số tiền trong giai đoạn 5 năm lên tới gần 10 nghìn tỷ đồng. 

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương có tới 55 dự án chậm tiến độ, 15 công trình, dự án phải tạm dừng sau khi được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, 225 lượt dự án được các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, trong đó có 109 lượt dự án phát hiện có sai phạm với tổng số tiền thực hiện được các cơ quan chức năng kiến nghị xử lý là trên 442 tỷ đồng.

Nhiều dự án “treo” 15-20 năm chưa thực hiện, nhiều dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng gây lãng phí. Thành viên Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị ở Bình Dương làm rõ nguyên nhân các dự án đã triển khai, hoạt động nhưng đang bỏ hoang, đặc biệt là Bệnh viện tâm thần ở Phú Chánh (thị xã Tân Uyên) và Dự án đường Mỹ Phước-Tân Vạn nối dài tại thành phố Dĩ An.

Về chi ngân sách nhà nước (NSNN), theo báo cáo của địa phương thì cơ bản thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo báo cáo của kiểm toán nhà nước, tỉnh Bình Dương còn nêu nhiều tồn tại, bất cập trong lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN, giải ngân kế hoạch đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra, số chuyển nguồn còn lớn, cho thấy chưa đạt hiệu quả đầu tư theo yêu cầu.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Bình Dương đồng ý với nhận xét của Đoàn công tác về công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chậm so với cả nước. Hiện, Bình Dương đã thành lập các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn. HĐND tỉnh cũng chủ động họp đột xuất khi có nhu cầu, yêu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, cũng như thông qua các chủ trương.

Sở Kế hoạch-Đầu tư cũng yêu cầu chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân trong năm. Đồng thời theo dõi nếu không đạt kế hoạch đề ra sẽ mời chủ đầu tư, các ngành họp tìm nguyên nhân tháo gỡ. 

Về vấn đề dự án “treo”, dự án chậm triển khai, ông Phạm Xuân Ngọc- Phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, hàng năm, sở đã chỉ đạo các ngành thống kê các dự án “treo”, chậm triển khai. Đối với những dự án chủ đầu tư không đủ năng lực đã thu hồi.

Cụ thể giai đoạn trước đã thu hồi 37 dự án với diện tích trên 1.000ha, giai đoạn 2016-2021 thu hồi 4 dự án. Hiện tại, Bình Dương còn 28 dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng với tổng diện tích khoảng 353ha.

Ông Ngọc nói: “Những dự án chậm triển khai cho gia hạn 24 tháng, doanh nghiệp sẽ đóng tiền sử dụng đất tương ứng với số tháng được gia hạn. Sau 24 tháng nếu không sử dụng, chưa có phương án xử lí sẽ bị thu hồi và không được bồi thường theo tinh thần của Luật đất đai”.

Trước thực trạng trên, đoàn công tác đã đề nghị tỉnh cần làm rõ các tồn tại, bất cập trong khâu lập, thẩm định, phê duyệt, giao và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016- 2020 và 2021-2025 và hằng năm.

Các dự án chậm tiến độ thường là nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư, chậm đưa đất đai vào sử dụng (đối với các dự án có sử dụng đất), giảm hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả dự án; các dự án phải dừng thực hiện cũng sẽ gây tốn kém nguồn kinh phí chuẩn bị đầu tư.

Đoàn công tác đề nghị tỉnh bổ sung đánh giá đầy đủ các tồn tại, bất cập trong lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN giai đoạn 2016- 2021 và làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của kiểm toán nhà nước. Ngoài ra, đề nghị tỉnh rà soát kỹ các thông tin, số liệu chi NSNN bảo đảm tính chính xác và theo số quyết toán đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn.

Đoàn công tác đồng thời đề nghị tỉnh làm rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn này.

Ngoài ra tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện các sai sót, tiêu cực, lãng phí, kiểm soát chặt chẽ hiệu quả hoạt động đầu tư phát triển nói chung và từng dự án đầu tư nói riêng theo quy định.

Tỉnh Bình Dương cũng chưa báo cáo đầy đủ với đoàn giám sát về tình hình các dự án treo, đây là nguyên nhân gây lãng phí rất lớn nguồn lực đầu tư công.

Đoàn công tác yêu cầu tỉnh rà soát kỹ các dự án đã hoàn thành hoặc đang thực hiện phát sinh các vướng mắc, có những đánh giá chính xác, khách quan về hiệu quả đầu tư để có các giải pháp khắc phục, hoàn thiện, giúp các dự án hoàn thành đúng tiến độ, đặc biệt là phát huy được hiệu quả theo đúng các mục tiêu đề ra.

Đối với các vấn đề lớn, dự án lớn, dự án trọng điểm có vướng mắc phát sinh, các cơ quan, đơn vị tỉnh Bình Dương cần quyết liệt có các giải pháp và đề ra tiến độ xử lý, tháo gỡ; trường hợp cần thiết.

Trong từng lĩnh vực cụ thể, tỉnh có thể thành lập các ban chỉ đạo điều hành cụ thể, gắn trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, cơ quan, đơn vị trong giải quyết công việc. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, tỉnh khẩn trương đề xuất các kiến nghị, giải pháp cụ thể báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý sớm tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc này.

Tổng thu NSNN của Tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 258.150 tỷ đồng; năm 2021 ước đạt khoảng 67.783 tỷ đồng, tăng bình quân là 11,2%/năm và thuộc top đầu về thu ngân sách của cả nước.  

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2021 là 45.913 tỷ đồng, tổng số vốn ngân sách Trung ương là 3.974 tỷ đồng cộng, ngân sách địa phương là 39.419 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân chung 84%. 

 

Tin mới lên