Tài chính quốc tế

Bitcoin lao dốc thẳng đứng, thị trường tiền điện tử ‘rực lửa’

(VNF) - Sau khi mất mốc 40.000 USD, giá Bitcoin tiếp tục sụt sâu. Đà giảm của Bitcoin cũng khiến thị trường tiền điện tử đỏ lửa, tổng giá trị vốn hóa hiện ở mức 1.700 tỷ USD, giảm 11,2% so với 24 giờ trước đó.

Bitcoin lao dốc thẳng đứng, thị trường tiền điện tử ‘rực lửa’

Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền điện tử hiện ở mức 1,70 nghìn tỷ USD, giảm 11,2% so với 24 giờ trước đó.

Sau một tuần đi ngang quanh ngưỡng 42.000 USD, giá Bitcoin bất ngờ lao dốc từ ngày 20/1, xuống dưới mức 40.000 USD, ghi nhận mức giá thấp nhất trong 5 tháng trở lại đây.

Vào thời điểm 08h30 ngày 22/1 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin theo ghi nhận của CoinMarketCap đang giao dịch ở mức 36.468 USD, giảm 10,58% so với thời điểm cách đó 24 tiếng và giảm 15,34% so với 7 ngày trước. Như vậy, giá Bitcoin đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021.

Dữ liệu của CoinMarketCap cho thấy khối lượng giao dịch Bitcoin trong khoảng 24 giờ qua là hơn 43,2 tỷ USD. Vốn hóa của đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới hiện lùi về 690,6 tỷ USD.

Giá Bitcoin giảm mạnh trong 2 ngày qua.

Không chỉ Bitcoin, đồng tiền điện tử có giá trị vốn hoá lớn thứ 2 là Ethereum trong 24 giờ qua cũng giảm 13,22% còn 2.602 USD, vốn hóa đạt 310,3 triệu USD.

Trong 24 giờ qua, giá nhiều đồng tiền điện tử phổ biến khác trên thế giới cũng giảm sâu. Đơn cử như BNB, Solana, Cardano, Polkadot đều giảm ít nhất 10%.

Giá đồng tiền điện tử giá trị nhất thế giới đã ghi nhận một năm 2021 tăng cao kỷ lục. Đồng Bitcoin có giá trị tăng gấp ba lần lên tới 60.000 USD trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021 rồi chạm mốc đỉnh cao nhất mọi thời đại gần 70.000 USD vào ngày 10/11/2021. So với mức đỉnh này, giá Bitcoin đã sụt giảm gần 50%.

Giá loạt tiền điện tử giảm mạnh.

Thị trường tiền điện tử trải qua những ngày u ám trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nga vừa đề xuất cấm sử dụng và khai thác tiền điện tử trên lãnh thổ nước này, với lý do loại tiền này đe dọa ổn định tài chính, phúc lợi của người dân và chủ quyền chính sách tiền tệ.

Đây là động thái mới nhất nhằm vào tiền điện tử toàn cầu khi nhiều quốc gia từ châu Á đến Mỹ lo ngại rằng các loại tiền kỹ thuật số do tư nhân vận hành có thể làm suy yếu quyền kiểm soát của chính phủ đối với các hệ thống tài chính và tiền tệ.

Bên cạnh đó, việc tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng khiến nhà đầu tư rời bỏ tài sản rủi ro, như chứng khoán hay Bitcoin.

Tuy nhiên, theo người sáng lập và giám đốc điều hành của Osprey Funds Greg King, mặc dù có điểm bớt náo nhiệt, nhưng thị trường tiền điện tử sẽ phục hồi dài hạn. Ông King kỳ vọng vào cuối năm 2022, các loại tiền điện tử sẽ có giá cao hơn nhiều so với hiện tại.

Xem thêm >> Châu Âu khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, Mỹ lên kế hoạch hỗ trợ

Tin mới lên