Tài chính quốc tế

Bloomberg: Nga đã xây dựng ‘pháo đài tài chính’ đối phó các lệnh trừng phạt của phương Tây

(VNF) - Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây tuyên bố Mỹ sẽ tung các biện pháp trừng phạt có "tác động tàn khốc" đối với nền kinh tế Nga nếu nước này tấn công Ukraine. Tuy nhiên, theo Bloomberg, Nga đã dành 8 năm để xây dựng một "pháo đài tài chính" nhằm giảm thiểu tổn hại trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Bloomberg: Nga đã xây dựng ‘pháo đài tài chính’ đối phó các lệnh trừng phạt của phương Tây

Theo Bloomberg, Nga đã dành 8 năm để xây dựng một "pháo đài tài chính" nhằm giảm thiểu tổn hại trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Theo các quan chức Mỹ và châu Âu, một loạt biện pháp đang được xem xét để áp đặt lên Nga, bao gồm việc hạn chế khả năng sử dụng đồng USD và euro của các ngân hàng lớn, cũng như các hạn chế đối với nợ chính phủ và tiếp cận công nghệ của Mỹ.

Washington khẳng định họ đã chuẩn bị để áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính cũng như các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Nga nếu Nga “động binh” với Ukraine.

Những lệnh trừng phạt này được cho là nghiêm trọng nhất kể từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea. Khi đó, Nga bị rơi vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính. Đồng rube bị mất một nửa giá trị khi Ngân hàng trung ương Nga chứng kiến ​​mức dự trữ giảm 130 tỷ USD và nền kinh tế rơi vào suy thoái.

"Các bước chống lại Nga mà chính quyền Biden đang thảo luận với các đồng minh có thể ảnh hưởng đến đồng rube, môi trường đầu tư trong nước hoặc lạm phát, nhưng chúng không có khả năng gây ra sự sụt giảm các chỉ số như trong năm 2014”, Anna Andrianova, chuyên gia kinh tế của Bloomberg nhận định.

Bà Natalia Lavrova, nhà kinh tế cấp cao của Tập đoàn Tài chính BCS thì cho rằng Nga đã có sự chuẩn bị kỹ càng hơn nhiều nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt so với trước đây, ít nhất là về các chỉ số vĩ mô.

“Trong tất cả các kịch bản, trừ trường hợp cực đoan nhất, nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục tăng trưởng, mặc dù với tốc độ chậm hơn và lạm phát cao hơn”, bà Natalia nói thêm.

Theo Bloomberg, Điện Kremlin đã tăng cường dự trữ, giảm nợ công xuống mức thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới, đồng thời đạt được thặng dư ngân sách.

Ngoài ra, Moscow đang ngày càng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD bằng cách giảm bớt quy mô đồng USD và đồng euro trong cấu trúc tiền tệ chuẩn của Quỹ Đầu tư Quốc gia (NWF).

“Các biện pháp trừng phạt đối với đầu tư, ngân hàng và thương mại rất có thể sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng về tài chính nhưng hạn chế sự gián đoạn kinh tế, miễn là dầu và khí đốt vẫn tiếp tục chảy”, chuyên gia Scott Johnson của Bloomberg nhận định.

Xem thêm >> Lượng khí đốt dự trữ của châu Âu sụt giảm xuống mức báo động

Tin mới lên