Bất động sản

Bloomberg: 'Việt Nam là điểm nóng mới của thị trường bất động sản hạng sang'

(VNF) - "Dù giá nhà tại Việt Nam đã tăng đều đặn trong 18 tháng qua, nhưng về lâu dài, triển vọng vẫn là rất tốt. Trong đó, bất động sản hạng sang là một điểm nóng", Bloomberg nhận định.

Bloomberg: 'Việt Nam là điểm nóng mới của thị trường bất động sản hạng sang'

Bên cạnh nhu cầu lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, làn sóng người mua căn hộ hạng sang từ tầng lớp người giàu mới của Việt Nam cũng ngày càng mạnh mẽ.

Grand Manhattan là một dự án bất động sản siêu sang cao 39 tầng, bao gồm khu căn hộ, một khách sạn, nhà hàng và một số bất động sản đắt nhất trong cả nước. Nó nằm ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, Quận 1, nơi được mệnh danh là "Saigon’s Wall Street".

Grand Manhattan là đứa con tinh thần của ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Tập đoàn Novaland.

Từ một người bán thuốc thú y, ông Nhơn đã sáng lập và xây dựng Novaland thành một trong những công ty bất động sản lớn nhất Việt Nam.

Theo Bloomberg Billionaires Index, hiện ông Nhơn đang sở hữu khối tài sản khoảng 800 triệu USD.

Kể từ khi ông Bùi Thành Nhơn chuyển sang kinh doanh bất động sản và lập ra Novaland vào năm 1995, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Trong suốt 20 năm, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 6%/năm, bằng cách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài và bắt đầu gỡ bỏ rào cản với khu vực kinh tế tư nhân. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt hơn 7%. Điều đó thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản Việt Nam, cùng với một nhóm người mua trong nước đang phát triển nhanh chóng, mong muốn tích lũy tiền thông qua bất động sản.

Trong một thế giới mà giá nhà đang bấp bênh từ London đến Hồng Kông, Sydney và New York, Việt Nam trở thành một địa điểm hấp dẫn.

“Việt Nam là giống như miền Nam Trung Quốc cách đây 10 hoặc 15 năm”, ông Goodwin Gaw, chủ tịch Gaw Capital Partners có trụ sở tại HongKong nói. Gaw Capital Partners đang giám sát tài sản bất động sản trị giá 17 tỷ USD trên toàn cầu.

Dù giá nhà tại Việt Nam đã tăng đều đặn trong 18 tháng qua, nhưng về lâu dài, triển vọng vẫn là rất tốt. Trong đó, bất động sản hạng sang là một điểm nóng.

Theo CBRE, giá căn hộ cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng 17% trong năm 2018, đạt mức trung bình 5.518 USD/m2. CBRE dự báo giá cả sẽ tăng gần 10% vào đầu năm 2020 lên 6.000 USD/m2. (Các căn hộ giá hợp túi tiền hơn trong thành phố chỉ tăng 1% trong năm ngoái).

Tại dự án Grand Manhattan của Novaland, khách hàng phải bỏ ra 6.000 USD trở lên để sở hữu 1m2 của căn hộ hai và ba phòng ngủ. Dù mức giá này gần gấp đôi so với một căn hộ cao cấp điển hình ở Thành phố Hồ Chí Minh, nó vẫn còn thấp hơn nhiều giá tại Singapore, Tokyo hoặc Hồng Kông.

“Có rất nhiều người muốn đầu tư vào Việt Nam", Ilsang Cho, người phát ngôn của Hana Tour, nói. Hana Tour là một công ty du lịch của Hàn Quốc chuyên sắp xếp các tour du lịch trọn gói nhiều ngày đến Việt Nam để thăm quan các căn hộ.

Bên cạnh nhu cầu lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, làn sóng người mua căn hộ hạng sang từ tầng lớp người giàu mới của Việt Nam cũng ngày càng mạnh mẽ.

Tại Việt Nam, trong vòng 10 năm từ 2006 đến 2016, số người có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên tăng 320%, tốc độ nhanh nhất trên toàn cầu, vượt Ấn Độ và Trung Quốc, theo báo cáo của Knight Frank phát hành năm 2017.

Nhiều người Việt Nam đã giàu lên từ bất động sản, ông Chris Freund, CEO của Mekong Capital nhận định.

"Tỷ lệ người dân sở hữu nhà tại Việt Nam đạt hơn 90%, và là một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Giá nhà tăng giúp tạo ra tầng lớp trung lưu, gồm những cá nhân có tài sản trên 1 triệu USD", ông Chris Freund nói.

Neil MacGregor, giám đốc quản lý tại Savills Việt Nam cho biết các nhà phát triển thường tập trung vào tầng lớp trung lưu nhưng hiện đang chuyển sự chú ý sang những người giàu có hơn. "Số người Việt Nam rất giàu có ngày một tăng lên, đặc biệt là các doanh nhân, những người đang tìm kiếm nơi để tích trữ cho tài sản của mình", ông nói.

Ngoài Novaland, CapitaLand, nhà phát triển lớn nhất của Singapore, cũng có các dự án cao cấp tương tự tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. "Tuy nhiên, nguồn cung đất ở các vị trí trung tâm vô cùng eo hẹp, đó là lý do khiến những người giàu có sẵn sàng mua ngay bây giờ", MacGregor tiết lộ.

Một yếu tố khác thúc đẩy nhu cầu đối với căn hộ đô thị là giới trẻ ngày càng không muốn đi theo truyền thống châu Á là nhiều thế hệ sống dưới một mái nhà.

Bà Dương Thùy Dung, giám đốc cấp cao tại CBRE cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến một sự thay đổi đáng kể, nơi các cặp vợ chồng trẻ muốn ra ở riêng sau khi kết hôn. Họ thích mua căn hộ hơn là sống trong một đại gia đình”.

"Hầu hết các doanh nghiệp châu Á luôn chuyển sang bất động sản khi họ thành công trong bất kỳ hoạt động kinh doanh cốt lõi nào. Khi sự giàu có của đất nước tăng lên, mọi người sẽ mua bất động sản”, ông Andy Ho, giám đốc đầu tư của VinaCapital nhận định

Tin mới lên