Tài chính quốc tế

Bloomberg: Việt Nam là 'thỏi nam châm' thu hút các nhà đầu tư quốc tế

(VNF) – Xuất khẩu của Việt Nam năm 2017 vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh bất chấp những động thái tiêu cực về tự do thương mại đa phương hồi đầu năm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo hãng tin Bloomberg.

Bloomberg: Việt Nam là 'thỏi nam châm' thu hút các nhà đầu tư quốc tế

Nestlé khánh thành nhà máy 1.600 tỷ đồng tại tỉnh Hưng Yên.

Đầu năm 2017, khi Mỹ rút khỏi Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều người đã hoài nghi về tình hình xuất khẩu cùa Việt Nam bởi 1/5 lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là phục vụ cho thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, sự phục hồi của thương mại thế giới cùng lực lượng lao động trẻ, chi phí thấp đã giúp Việt Nam trở thành thỏi nam châm hút các nhà đầu tư quốc tế.

Tập đoàn sản xuất dinh dưỡng hàng đầu thế giới Nestlé đã khánh thành nhà máy thứ 6 tại Việt Nam trong năm nay. Hiện Tập đoàn này có hơn 2.000 nhân viên trên toàn quốc, tổng vốn đầu tư của Nestlé tại Việt Nam là 520 triệu USD.

Giám đốc điều hành Lê Duy Anh của hãng sản xuất đồ nội thất Xuân Hòa cho hay hiện công ty này đã đầu tư 3 triệu USD thiết bị cho sản xuất nhằm nâng mức xuất khẩu thêm 20% vào năm tới.

10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2016.

"Tôi khá lạc quan về doanh số bán hàng vào năm tới. Chúng tôi có những khách hàng mới từ châu Âu trong khi những khách cũ gửi nhiều đơn hàng hơn năm ngoái", ông chia sẻ.

Xuân Hòa là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về tư vấn, thiết kế và sản xuất trang thiết bị nội thất. Công ty này được nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn làm đối tác sản xuất, trong đó có cả Ikea, thương hiệu nội thất nổi tiếng của Thuỵ Điển.

Phó giám đốc Nguyễn Sỹ Hòa của công ty Phú Tài, chuyên sản xuất đồ gia dụng cho các chuỗi cửa hàng Walmart tại Mỹ, dự đoán xuất khẩu của công ty này sẽ tăng 30% vào năm tới. Thị trường Mỹ hiện chiếm tới 40% doanh số của Phú Tài hiện nay.

"Chúng ta đang chứng kiến nền kinh tế Việt Nam bước vào thời kỳ hoàng kim trong thập niên này với sự chuyển mình chóng mặt, trở thành một công xưởng sản xuất của thế giới. Sự đa dạng hóa của thị trường cũng như sản phẩm đã hỗ trợ cho ngành xuất khẩu. Chúng tôi khá kỳ vọng vào tăng trưởng của Việt Nam, nhưng vẫn dè chừng về tình hình nợ xấu tại đây", chuyên gia kinh tế Eugenia Victorino của ngân hàng ANZ nhận định.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã xuất siêu 3,17 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Việt Nam hiện có trên 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu, trong đó có 29 thị trường xuất khẩu và 23 thị trường nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2017. Trong đó có 4 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD và 5 thị trường nhập khẩu trên 10 tỷ USD, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tin mới lên