Tiêu điểm

Bộ Chính trị sẽ xem xét ban hành Nghị quyết riêng để phát triển Thanh Hóa

Thanh Hóa kỳ vọng là Bộ Chính trị ra nghị quyết phát triển Thanh Hóa trong những năm tới, tạo ra một tiền đề rất quan trọng để địa phương phát triển.

Bộ Chính trị sẽ xem xét ban hành Nghị quyết riêng để phát triển Thanh Hóa

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa

Tỉnh Thanh Hóa có vị trí chiến lược quan trọng, kỳ vọng sẽ bứt phá trở thành điểm sáng, tỉnh công nghiệp trọng điểm. Ban Kinh tế Trung ương đang phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa xây dựng đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" để trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết riêng về Thanh Hóa.

Tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020, thu hút khoảng 35 dự án với tổng số vốn lên đến 15 tỷ USD. Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, đây được xem là đòn bẩy giúp Thanh Hóa bứt phá trong thời gian tới. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa về nội dung này:

Tốc độ tăng trưởng đã xứng với tiềm năng?

- Dịch Covid-19 gây những ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của một bộ phận không nhỏ người lao động, tới "sức khỏe" của nền kinh tế nói chung. Thanh Hóa đã giải bài toán này như thế nào trong giai đoạn hậu Covid-19, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Quyền: Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất to lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của nước ta, cũng như Thanh Hóa. Trước tình hình đó, Thanh Hóa đã chủ động yêu cầu tất cả các cấp, các ngành có phương án để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch, nhất là về kinh tế. Chúng tôi đã xây dựng các kịch bản và trên cơ sở đó có giải pháp để ứng phó.

Rõ ràng đến bây giờ đã 6 tháng, tuy rằng chúng ta đã khống chế dịch và cả xã hội cũng đã được nới lỏng, nhưng những tác động của dịch vẫn tiếp tục còn ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Chúng tôi đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của Thanh Hóa đạt 3,7 % rất thấp so với kế hoạch, nhưng so với tăng trưởng chung của cả nước và một số tỉnh, Thanh Hóa cũng có cố gắng trước tình hình đó. 

Trong 6 tháng cuối năm và chuẩn bị cho kế hoạch cho những năm sau, Thanh Hóa đang có các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt muốn thúc đẩy kinh tế là phải có đầu tư. Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư thành công.

- Ở góc độ nào đó, Covid-19 cũng là phép thử với nền kinh tế nói chung, nhưng cũng là thời điểm để các địa phương rút ra cho mình những bài học phát triển. Thanh Hóa đã có được bài học quý giá nào từ thời điểm đó?

Qua chỉ đạo điều hành ứng phó với dịch Covid-19 vừa qua thấy rằng, trong những lúc khó khăn chúng ta rút ra được những kinh nghiệm rất quý giá trong điều hành kinh tế, xã hội, đặc biệt hiện nay đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, áp dụng công nghệ 4.0.

Trong thời gian qua, Thanh Hóa đã giảm hội họp và nếu các cuộc họp cần thiết chúng tôi tổ chức trực tuyến và điều hành các công việc trên mạng. Bây giờ tất cả các sở, ban, ngành, các huyện và tỉnh đã xử lý các tài liệu trên mạng, dùng chữ ký số. Như vậy vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm được chi phí và hiệu quả chỉ đạo, điều hành kịp thời hơn.

- Trong nhiều thành tựu của Thanh Hóa năm 2019, thì phải kể đến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh, đạt 17,15%, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, và cao nhất cả nước. Ngoài ra năm 2019 Thanh Hóa cũng thu ngân sách đạt con số kỷ lục 27.000 tỷ đồng. Theo ông, điều này đã phản ánh đúng tình hình và khát vọng của Thanh Hóa chưa?

Có thể khẳng định là trong cả nhiệm kỳ này và trong 4 năm từ 2016-2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa đã có bước phát triển bình quân trên 12% và nếu không có tác động của dịch Covid-19 thì Thanh Hóa sẽ đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020 là tốc độ tăng trưởng trên 12 % năm.

Riêng năm 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP của Thanh Hóa đạt 17,15 %. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, cũng là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao.

Đạt được kết quả này cũng có một đặc điểm riêng. Năm 2019 là năm dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đã hoàn thành đi vào vận hành thương mại, có đóng góp cho tăng trưởng của Thanh Hóa đến 8 điểm % cho nên nó tạo ra một tăng trưởng đột biến. Đây cũng là tiền đề, là điều kiện để sản xuất công nghiệp của Thanh Hóa có giá trị lớn.

- Thực tế cho thấy, đóng góp chủ lực vào tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP năm 2019 của Thanh Hóa vẫn là vai trò của ngành công nghiệp, với sự góp mặt của sản phẩm lọc hóa dầu và sự tăng trưởng cao của nhiều sản phẩm công nghiệp. Ông nghĩ sao về điều này?

Để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, vấn đề chúng tôi rất coi trọng là phát triển công nghiệp. Đặc biệt Thanh Hóa có khu kinh tế Nghi Sơn là một trong những khu kinh tế trọng điểm của cả nước.

Hiện nay Nghi Sơn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập thị xã Nghi Sơn trên cơ sở huyện Tĩnh Gia. Đây cũng là điều kiện để Thanh Hóa phát triển đô thị công nghiệp với nòng cốt là khu kinh tế Nghi Sơn, các hoạt động công nghiệp thu hút, tập trung cho công nghiệp lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu là công nghiệp, cơ khí chế tạo là cán thép nhiệt điện, sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng, các công nghiệp khác.

Trên cơ sở đó, khu kinh tế Nghi Sơn đóng góp cho phát triển công nghiệp. Khu kinh tế Nghi Sơn và có cảng biển nước sâu Nghi Sơn, hiện cũng đã có tàu vận tải container tuyến quốc tế, đang là địa điểm để chúng tôi kết nối phát triển với các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh Tây Bắc và với các tỉnh của Lào, Thanh Hóa nói chung. Khu kinh tế Nghi Sơn đang trở thành động lực và chúng tôi coi rằng nó sẽ là một trong những cực tăng trưởng vào vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.

Khu vực phía đông của Thanh Hóa, cơ sở hạ tầng và điều kiện phát triển những năm qua khá nhanh, có sự bứt phá, thế nhưng 11 huyện khu vực miền núi phía tây vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhiều thách thức. Theo ông, đây có phải là lý do khiến Thanh Hóa chưa cân đối được ngân sách, mặc dù năm 2019 thu ngân sách tỉnh đạt khoảng 27.000 tỷ đồng?

Thanh Hóa có vùng miền núi rất rộng lớn, chiếm 80% diện tích tự nhiên và có 11 huyện, hơn 200 xã, hiện nay vẫn đang còn 6 huyện theo Nghị quyết 30 A. Đây là một vùng đặc biệt khó khăn. Chúng tôi coi đây là những vấn đề rất quan trọng và phải được tập trung đầu tư để phát triển. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội về vùng miền núi và dân tộc, Thanh Hóa cũng có xây dựng chương trình kinh tế xã hội miền núi, sau là để nâng phát triển của miền núi, dần dần thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi.

Tạo đột phá trong thu hút đầu tư

Được biệt hiện Thanh Hóa đang khẩn trương hoàn thành dự thảo báo cáo Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nếu đề án khả thi, Bộ Chính trị sẽ xem xét ban hành Nghị quyết riêng về phát triển Thanh Hóa. Theo ông, đây có thể cho là bệ đỡ để Thanh Hóa hiện thực hóa mục tiêu bứt phá của mình?

Hiện nay, Ban Bí thư đã đưa vào chương trình công tác của Bộ Chính trị sẽ có đề án phát triển Thanh Hóa đến năm 2030 và định hướng tầm nhìn đến năm 2045. Ban Kinh tế Trung ương đang chủ trì cùng với ban chỉ đạo giao Ban Bí thư thành lập Ban chỉ đạo 218. Hiện nay đề án đang hoàn thành để báo cáo Ban Bí thư và Bộ Chính trị.

Với cách nhìn ấy, Thanh Hóa có những tiềm năng, lợi thế phát triển rất lớn và có vị trí đặc biệt trong quá trình xây dựng và phát triển của nước ta cả trong lịch sử, trong hiện tại. Những lợi thế tiềm năng đó hiện phát triển chưa tương xứng và muốn thúc đẩy khai thác thì cần phải có điều kiện. Vấn đề thứ hai là những kết quả Thanh Hóa đạt được trong thời gian vừa qua cũng là cơ sở để khẳng định Thanh Hóa đang dần dần trở thành một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, cũng như một trọng điểm phát triển kinh tế của vùng và của cả nước.

Chúng tôi cũng đang hoàn thiện đề án để báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị và với một kỳ vọng là Bộ Chính trị ra nghị quyết phát triển Thanh Hóa trong những năm tới và nó tạo ra một tiền đề rất quan trọng để Thanh Hóa phát triển. Muốn thực hiện được vấn đề đấy, Thanh Hóa cũng đang đề xuất cơ chế chính sách cụ thể đối với địa phương trong những năm tới.

- Điểm nhấn trọng tâm trong đề án này là gì, thưa ông?

Trong đề án này khẳng định vị trí, vai trò của Thanh Hóa đối với khu vực và của cả nước. Để thể hiện được vị trí quan trọng như vậy thì Trung ương phải có cơ chế riêng để Thanh Hóa phát triển. Thanh Hóa sẽ là một trong những cực tăng trưởng có sự kết nối liên vùng. Để thực hiện được việc kết nối đó rất cần đầu tư hạ tầng đồng bộ để thực hiện trung tâm và vai trò động lực. Đó là các trục đường bộ, trục Bắc Nam. Hiện nay chúng ta có trục đường Hồ Chí Minh, trục đường cao tốc, Quốc lộ 1A và đường ven biển… thì bây giờ rất cần có các trục kết nối Đông – Tây.

Đường hàng không thì chúng tôi đề nghị nâng cấp cảng hàng không Thọ Xuân lên cảng quốc tế và có các đường bay quốc tế. Đường thủy chúng tôi có cảng nước sâu Nghi Sơn. Hiện nay tàu container cũng đã vận hành sẽ thu hút các hãng tàu, các tuyến tàu, tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa, không những của Thanh Hóa, của cả Bắc miền Trung và Nam đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Tây Bắc.

Trân trọng cảm ơn ông.

Tin mới lên