Thị trường

Bộ Công Thương cài cắm chính sách làm khó doanh nghiệp?

(VNF) – Thoạt nhìn, thành phần hồ sơ quy định tại một số điều của Nghị định 81/2018 có vẻ khá đơn giản, tuy nhiên khi xem kỹ các mẫu đơn tại phụ lục, người ta mới giật mình vì sự nhiêu khê, phức tạp.

Bộ Công Thương cài cắm chính sách làm khó doanh nghiệp?

Ảnh minh họa

Ngày 22/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/7/2018.

Bên cạnh các quy định tích cực, đơn cử như dỡ trần khuyến mãi 50%, Nghị định 81/2018 lại bộc lộ những điểm bất hợp lý, thể hiện ở các quy định nhỏ được “cài cắm” trong các phụ lục.

Chẳng hạn như các Điều 17, Điều 19, Điều 21 quy định về các thủ tục hành chính, đều có thành phần hồ sơ khá đơn giản. Doanh nghiệp chủ yếu chỉ phải khai và nộp một mẫu đơn là xong.

Tuy nhiên, mấu chốt lại nằm ở các mẫu đơn trong phụ lục đính kèm Nghị định. Ở các mẫu đơn số 01, 02, 07, mỗi mẫu đơn đều có thêm 1 dòng ghi thêm tài liệu phải nộp kèm đơn.

Cụ thể, lần lượt ở mẫu đơn số 01 (thông báo thực hiện khuyến mãi) và mẫu đơn số 02 (đăng ký thực hiện khuyến mãi) điểm 11 và điểm 9 quy định: “ Tên của các thương nhân cùng thực hiện, nội dung tham gia cụ thể và trách nhiệm cụ thể của từng thương nhân tham gia thực hiện trong chương trình (Trường hợp nhiều thương nhân cùng phối hợp thực hiện chương trình khuyến mại hoặc thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác theo thỏa thuận (văn bản thỏa thuận/hợp đồng gửi kèm))”.

Quy định này có nghĩa khi thực hiện thủ tục thông báo khuyến mãi hoặc đăng ký khuyến mãi, doanh nghiệp phải chuẩn bị các hợp đồng/thỏa thuận với từng thương nhân để nộp kèm theo mẫu đơn số 01 (hoặc 02).

Ví dụ với Sabeco, hiện có khoảng 1.200 đại lý cấp 1 trên cả nước, nếu doanh nghiệp này thực hiện chương trình khuyến mãi có sự phối hợp với các đại lý thì phải làm tới 1.200 hợp đồng/thỏa thuận rồi nộp kèm đơn lên cơ quan chức năng, thay vì chỉ cần một thông báo như trước đây là đủ.

Như vậy, có thể thấy quy định trên khiến khối lượng công việc và chi phí của các doanh nghiệp tăng lên gấp nhiều lần.

Còn tại mẫu đơn số 07 (báo cáo thực hiện khuyến mãi), điểm 4 quy định thương nhân phải nộp: “Biên bản thực hiện việc phát hành kèm bằng chứng xác định trúng thưởng vào hàng hóa khuyến mại (Trong trường hợp bằng chứng xác định trúng thưởng được phát hành kèm theo hàng hóa; Gắn kèm, đính kèm, đặt bên trong hàng hóa hoặc các cách thức khác tương tự)”.

Hiểu một cách ngắn gọn, quy định này yêu cầu thương nhân phải đính kèm các biên bản trả thưởng khi nộp đơn theo mẫu số 07 về cơ quan chức năng.

Lấy ví dụ với một doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mãi có 20.000 phần thưởng, theo quy định tại mẫu đơn số 07, khi kết thúc chương trình, doanh nghiệp không chỉ phải điền báo cáo đã khuyến mãi như thế nào mà còn phải nộp thêm 20.000 biên bản trả thưởng!

Theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những quy định tại các mẫu đơn là không thực sự cần thiết, có thể tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí.

Điều đáng nói, theo ông Đức, là tại sao Bộ Công Thương không ghi rõ các tài liệu nộp kèm vào trong điều khoản nghị định mà lại “đẩy” xuống các mẫu đơn tại phụ lục? Phải chăng Bộ Công Thương biết rằng các cơ quan thẩm định, thẩm tra hay dư luận xã hội thường chỉ đọc các quy định chính của Nghị định mà ít khi đọc kỹ mẫu đơn ở phụ lục?

Bình luận về việc “cài cắm” thành phần hồ sơ vào cuối mẫu đơn trong các văn bản luật, ông Nguyễn Minh Đức cho hay trước đây hiện tượng này khá phổ biến, hiện nay đã có giảm bớt. Cục Kiểm soát thủ tục hành chính trong vài năm trở lại đây kiểm soát rất chặt nhưng cài cắm kiểu như thế này. Tuy nhiên, không hiểu sao lần này Nghị định 81 lại có đến 3 điểm cài cắm mà không được loại bỏ trước khi ban hành.

Tin mới lên