Thị trường

Bộ Công Thương đề xuất 5 giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19

(VNF) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có những đề xuất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Bộ Công Thương đề xuất 5 giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Bộ Công Thương đề xuất 5 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương, chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết việc thực hiện mục tiêu kép là chủ trương đúng bởi nếu không phòng chống dịch bệnh thì chúng ta không đủ điều kiện về sức khoẻ an toàn để sản xuất.

“Nếu chúng ta dừng sản xuất, dừng giao thương thì không đảm bảo được mục tiêu duy trì nền kinh tế, duy trì thị trường; không những chúng ta không có nguồn lực để chống dịch mà nguy cơ lớn hơn là mất thị trường, sẽ bị bỏ lại phía sau, trong khi nhiều nước trên thế giới đang tăng tốc”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hãy đồng hành cùng nhà nước, các cơ quan chức năng trong việc thực hiện “mục tiêu kép”. Doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất giải pháp, nêu những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và chưa có cơ sở nào đảm bảo khi nào kết thúc do vậy, cần phải tính đến kịch bản xấu nhất là phải sống chung với dịch Covid-19. Theo đó, người đứng đầu Bộ Công thương đã đưa ra 5 đề xuất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Một là các địa phương tiếp tục thực hiện thật nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hoá thiết yếu. Các quy định cần được thực hiện nhất quán tại các địa phương chứ không nên để tình trạng mỗi nơi một quy định, gây cản trở người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận hàng hoá.

Hai là doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn sản xuất.

Ba là cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cũng như tạo điều kiện xét nghiệm thường xuyên định kỳ cho người lao động, để doanh nghiệp sớm quay lại sản xuất. Khi vaccine được phủ sóng rộng khắp, người lao động được an toàn, khi đó, hoạt động của doanh nghiệp mới được đảm bảo, ổn định và liên tục.

Bốn là đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trên cơ sở thỏa thuận với người lao động để có thể tăng giờ làm một cách hợp lý, tận dụng cơ hội khi tổng cầu thế giới đang lên cũng như bù lại khoảng thời gian mà vì dịch bệnh, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất.

Năm là đề nghị Chính phủ cần khẩn trương có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân thu mua nông sản và tạm trữ lương thực cho người dân.

“Chúng ta không sản xuất bằng mọi giá mà phải làm bằng mọi cách để làm sao vừa phòng chống dịch nhưng vừa thực hiện mục tiêu sản xuất kinh doanh, vì hai mục tiêu này là điều kiện thúc đẩy lẫn nhau và không thể tách rời”.

“Nông sản, trái cây… vào vụ không thể chờ đợi thời gian quá lâu. Với sản lượng nhiều như hiện nay dù có tăng tốc xuất khẩu hay khuyến khích tiêu thụ trong nước thì cũng không thể hết được”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh

Tin mới lên