Tiêu điểm

Bộ Công Thương đề xuất làm tiếp gần 2.430 MW điện mặt trời

(VNF) - Bộ Công Thương kiến nghị được triển khai các dự án, phần dự án điện mặt trời đã hoàn thành thi công và dự án đã được chấp thuận nhà đầu tư đến năm 2030...

Bộ Công Thương đề xuất làm tiếp gần 2.430 MW điện mặt trời

Để tránh tranh chấp pháp lý với chủ đầu tư, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cho triển khai tiếp để năm 2030 vận hành thương mại gần 2.430 MW điện mặt trời.

 

Bộ Công Thương vừa có văn bản số 3787/BCT-ĐL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát một số nội dung của quy hoạch điện VIII.

Tại báo cáo này, Bộ Công Thương đã nêu ra những kiến nghị cụ thể, mong muốn được Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận.

Cụ thể, tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030, các dự án, hoặc phần dự án đã hoàn thành thi công với tổng công suất khoảng 452,62MW và các dự án đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất khoảng 1.975,8MW nhưng chưa vận hành.

Bộ cũng lưu ý các dự án này cần phải tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, bám sát khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện; tuân thủ theo đúng cơ chế giá điện tại thời điểm đưa vào vận hành, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án theo cơ chế được duyệt.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị giãn tiến độ các dự án đã được quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất 4.136,25MW sang giai đoạn sau năm 2030.

"Định kỳ hàng năm thực hiện rà soát, tính toán khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất cục bộ, vận hành an toàn kinh tế của hệ thống. Trường hợp cần thiết, xem xét báo cáo Chính phủ cho phép đẩy lên giai đoạn trước năm 2030 nếu các nguồn khác chậm tiến độ để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và tranh thủ mức giá ngày càng rẻ của điện mặt trời”, Bô Công Thơng cho hay.

Còn về quy hoạch điện khí LNG nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định các dự án LNG dự kiến phát triển trong Quy hoạch điện VIII đến năm 2030 với tổng công suất 23.900MW (chiếm 16,4%) là cần thiết.

Việc nhu cầu cần nhập khẩu LNG dự kiến là 14-18 tỷ m3 vào năm 2030 và 13-16 tỷ m3 vào năm 2045, cao hơn mục tiêu Nghị quyết 55-NQ/TW đã nêu "Đủ năng lực nhập khẩu khi tự nhiên hỏa lỏng LNG khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045," Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cân nhắc sự cần thiết xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị hoặc hướng dẫn của Ban Kinh tế Trung ương về các chỉ tiêu nêu trên trước khi phê duyệt Quy hoạch điện VIII.

Bộ Công Thương cũng lựa chọn kịch bản cao trong Dự thảo quy hoạch điện VIII.

Tổng công suất lắp đặt đến 2030 (không tính điện mặt trời mái nhà, nguồn tự cung tự cấp) là 145.930MW.

Trong cơ cấu nguồn, công suất điện than là 37.467MW chiếm 25,7%; thủy điện 28.946MW chiếm 19,8%; LNG nhập khẩu 23.900MW, chiếm 16,4%; nguồn tuabin sử dụng khí khai thác trong nước 14.930MW chiếm 10,2%; điện gió trên bờ 16.121MW chiếm 11%; điện gió ngoài khơi 7.000MW chiếm 4,8%; điện Mặt Trời quy mô lớn 8.736MW chiếm 6%; nguồn khác (sinh khối, thủy điện tích năng, pin lưu trữ, hydrogen...) 3.830MW chiếm 2,8%; nhập khẩu điện 5.000MW chiếm 3,4%.

Trước đó, tại Công thư số 182, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương phải có quan điểm rõ ràng về việc phát triển điện mặt trời đến năm 2030 bởi tại công văn 2279 (ngày 29/4/2022) báo cáo về Dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ này cho biết trong vòng 10 năm tới (từ 2021-2030) không đưa vào quy hoạch phát triển điện mặt trời và giãn tiến độ các dự án đã có trong quy hoạch giai đoạn trên (tổng công suất 6.200MW) song chưa triển khai, sang giai đoạn sau 2030.

Nhưng tại công văn 2715 (ngày 20/5/2022), Bộ này lại đề nghị xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "hướng xử lý nên như thế nào" đối với 6.200 MW điện mặt trời đã có trong quy hoạch điện VII điều chỉnh nêu trên.

Báo cáo về điều này, Bộ Công Thương cho hay dù không đưa vào Quy hoạch điện VIII những nguồn điện trên, nhưng khi xem xét tới các rủi ro về pháp lý có thể phát sinh trong trường hợp giãn tiến độ của các dự án trên và tính chuyển đổi, giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Vì thế, cần được xem xét triển khai, với điều kiện phải được kiểm soát chặt chẽ.

Được biết, Dự thảo quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương trình Thủ tướng lần 1 vào tháng 3/2021, nhưng phương án tính toán thời điểm đó không được chấp thuận do vẫn còn một số bất cập về quy mô phát triển nguồn điện, cơ cấu nguồn điện, cân đối vùng miền chưa hợp lý... Việc này dẫn đến yêu cầu về đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng rất lớn.

Thủ tướng sau đó yêu cầu Bộ Công Thương tính toán lại phương án, cập nhật các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 nhằm "đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".

Gần 30 cuộc họp bàn, góp ý về dự thảo quy hoạch điện VIII đã được Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì. Dự thảo quy hoạch điện VIII đã hai lần được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, nhưng tới giờ vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt.

Bộ Công Thương dự báo nhu cầu tiêu dùng điện đến năm 2030 theo 3 kịch bản: thấp, trung bình và cao. Các kịch bản này tương ứng với tăng trưởng GDP ở từng giai đoạn. Sau khi tính toán, bộ này đề xuất Quy hoạch điện VIII điều hành theo phương án kịch bản phụ tải cao, có dự phòng 15% công suất nguồn điện nếu thực tế việc phát triển các nguồn điện công suất lớn chỉ đạt 85% quy hoạch.

Tức là, phụ tải điện tăng 9,84% một năm 2021-2025 (tương ứng GDP tăng 7,5% một năm) và 8,88% mỗi năm 2026-2030, với GDP tăng 7,2% một năm vào 2026-2030.

Theo phương án này, năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện đạt 145.930 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát).

Tin mới lên